Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ông Trần Công Nè và ông Ngô Thành Thảo có mối quan hệ làm ăn kinh tế. Năm 1999, ông Nè nợ ông Thảo 198.996.000đ, ông Thảo kiện ra TAND huyện Tân Châu được toà ra Quyết định số 40/DSST công nhận sự thoả thuận giữa hai bên, ông Nè có trách nhiệm trả số tiền trên cho ông Thảo bằng cách giao cho ông Thảo căn nhà 61,20m2 trên phần đất diện tích 152,60m2 tại phường 2, Thị xã.

Như Báo Tây Ninh từng đưa tin, ông Trần Công Nè, ngụ khu phố 1, phường 2, Thị xã bị TAND Thị xã phạt 12 tháng tù vì tội không chấp hành án. Tại phiên toà sơ thẩm, luật sư và bị cáo Nè đưa ra nhiều lập luận cho rằng, việc bị cáo Nè trở lại căn nhà sau khi bị cơ quan thi hành án cưỡng chế chỉ là tranh chấp về dân sự hoặc hành chính, vì quyết định của TAND Tân Châu vi phạm Bộ luật Tố tụng Dân sự, đồng thời quá trình thi hành án của cơ quan thi hành án có nhiều sai sót. Tuy nhiên, toà sơ thẩm không chấp nhận. Vì vậy, bị cáo Nè có đơn kháng cáo gửi đến TAND tỉnh.
Khôi phục thời hiệu không đúng
![]() |
Bị cáo Trần Công Nè tại phiên toà |
Tại phiên toà phúc thẩm, trước khi vào phần xét hỏi, chủ toạ phiên toà, thẩm phán Mai Văn Triến tóm tắt lại nội dung bản án sơ thẩm như sau: Ông Trần Công Nè và ông Ngô Thành Thảo có mối quan hệ làm ăn kinh tế. Năm 1999, ông Nè nợ ông Thảo 198.996.000đ, ông Thảo kiện ra TAND huyện Tân Châu được toà ra Quyết định số 40/DSST công nhận sự thoả thuận giữa hai bên, ông Nè có trách nhiệm trả số tiền trên cho ông Thảo bằng cách giao cho ông Thảo căn nhà 61,20m2 trên phần đất diện tích 152,60m2 tại phường 2, Thị xã. Sau khi quyết định của toà án có hiệu lực pháp luật, ông Thảo làm đơn đề nghị thi hành án, Thi hành án dân sự huyện Tân Châu (nay là Chi cục THADS huyện Tân Châu) yêu cầu ông Nè lập thủ tục sang tên nhà đất cho ông Nguyễn Văn Đính (người được ông Thảo uỷ quyền nhận tài sản), nhưng ông Nè không thực hiện. Ngày 19.2.2008, THADS tỉnh (nay là Cục THADS tỉnh) rút hồ sơ về tỉnh thi hành. Sau đó, THADS tỉnh làm các thủ tục thi hành án nhưng ông Nè vẫn không chấp hành. Ngày 18.4.2008, THADS tỉnh tổ chức cưỡng chế giao nhà đất cho ông Đính. 11 giờ ngày 19.4.2008, ông Nè cùng gia đình đến chiếm lại căn nhà. Công an phường 2 đến lập biên bản về hành vi trên.
Trình bày tại toà, ông Trần Công Nè cho rằng, Quyết định số 40/DSST của TAND huyện Tân Châu có nhiều sai sót như phần đất trong quyết định không nêu số số thửa, số bản đồ. Diện tích phần đất thực tế và diện tích nêu trong quyết định có sự chênh lệch về diện tích (14,5m2). Trong quá trình sinh sống tại phần đất trên, ông Nè có sửa chữa nhà với số tiền khoảng 50 triệu đồng. Số tiền ban đầu thoả thuận trị giá căn nhà là 100 triệu đồng, nhưng 9 năm sau khi thi hành quyết định của toà, cơ quan thi hành án không tính lại giá trị nhà đất. Trong khi thời hiệu thi hành án đã hết, nhưng cơ quan thi hành án vẫn cho khôi phục thời hiệu là không đúng quy định pháp luật. Trong quá trình thi hành án, cơ quan Thi hành án phát hiện những vấn đề trên mà vẫn ra quyết định thi hành án và cưỡng chế thi hành án là không đúng pháp luật. Với lập luận trên, bị cáo Trần Công Nè cho rằng mình trở lại nhà để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vấn đề còn vướng mắc là không vi phạm pháp luật như toà sơ thẩm xét xử. Tại phiên toà sơ thẩm, vợ bị cáo Nè được xem là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nhưng phần tài sản thuộc quyền sử dụng nhà đất của vợ ông Nè không được cấp sơ thẩm xem xét.
Trong phần hỏi đáp của vị đại diện Viện kiểm sát và luật sư, bị cáo Nè cũng cho biết, hồ sơ chuyển nhượng QSDĐ do ông Nè cầm cố cho ông Thảo, ông Thảo đã đưa cho ông Đính rồi ông Đính giả chữ ký ông Nè để được cấp giấy CNQSDĐ và chiếm giữ luôn. UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi giấy CNQSDĐ cấp sai này.
Chỉ là tranh chấp dân sự
Luật sư Lý Thanh An, Đoàn luật sư Tây Ninh lập luận rằng, Quyết định số 40/DSST không đưa bà Lý Thị Lan – vợ ông Nè tham gia tố tụng là vi phạm Bộ luật Tố tụng Dân sự. Luật sư cũng cho biết, các cơ quan pháp luật Thị xã như Công an Thị xã, Viện Kiểm sát Thị xã có công văn xác định Quyết định số 40/DSST là vi phạm Bộ luật Tố tụng Dân sự. Đáng lý ra, khi thực hiện quyết định trên, các cơ quan có liên quan phải có trách nhiệm kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét để đảm bảo quyền lợi của vợ bị cáo Nè. Luật sư An cũng cho rằng, thời hiệu thi hành án đã hết, nhưng cơ quan THA cho khôi phục thời hiệu, điều này hoàn toàn sai.
“Ý kiến của Viện Kiểm sát và TAND thị xã Tây Ninh: Căn cứ cuộc họp liên ngành tỉnh ngày 11.3.2010, việc ông Thảo uỷ quyền cho ông Đính không đúng luật vì không thông qua lãnh sự quán tại Mỹ nên việc uỷ quyền không hợp pháp, dẫn đến việc ông Đính nhận căn nhà do THADS tỉnh giao là không đúng. Hiện căn nhà do ông Nè còn đứng tên chủ quyền, ông Đính không có liên quan gì đến căn nhà trên. Vì vậy, ông Đính tố cáo ông Nè chiếm giữ trái phép căn nhà trên là không có cơ sở”. (Trích báo cáo kết quả điều tra do Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT, Công an Thị xã, Trung tá Nguyễn Thanh Dũng ký) |
Về đơn yêu cầu thi hành án của ông Thảo, thực ra chỉ là “giấy đề nghị Đội thi hành án và nhờ xác nhận của UBND xã Long Thành Nam”. Về việc uỷ quyền cho ông Đính nhận tài sản. Luật sư An cho rằng, giấy này không đúng quy định, nhưng cơ quan thi hành án vẫn chấp nhận. Tiếp tục sau đó, cơ quan THA lại chấp nhận đơn khôi phục thời hiệu thi hành án không đúng quy định của ông Thảo. Đơn khôi phục thời hiệu thi hành án cho thấy, ông Thảo ngụ tại Hoa Kỳ nhưng đơn lại ghi ngày 16.9.2005, thường trú tại ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành là không chính xác. Đơn này không thông qua cơ quan lãnh sự Việt Nam tại Hoa Kỳ. Mặt khác, khi cho khôi phục thời hiệu, cơ quan thi hành án không chứng minh đương sự có trở ngại khách quan theo quy định. Luật sư An khẳng định, việc ông Thảo uỷ quyền cho ông Đính là hoàn toàn không đúng trình tự pháp luật nên ông Đính không đủ tư cách để đóng vai trò là người được thi hành án và nhận tài sản. Luật sư An cũng cho biết, mặc dù hợp đồng uỷ quyền không có giá trị pháp lý nhưng THA vẫn thực hiện. Đã vậy, khi cưỡng chế giao tài sản cho ông Đính vào ngày 18.4.2008, nhưng 2 tháng sau, vào tháng 6.2008, ông Đính mới làm hợp đồng uỷ quyền.
Luật sư An cho rằng, hành vi ông Nè quay trở lại căn nhà bị cưỡng chế để ở là không cấu thành tội không chấp hành án. Bởi vì, đặt trưng của hành vi không chấp hành án được thể hiện bằng những hành động chống đối như giằng co, xô đẩy hoặc chửi bới, chống cán bộ thi hành án. Trong khi đó, trong quá trình cưỡng chế, ông Nè không chống đối mà chấp hành lệnh cưỡng chế, ra đi. Bị cáo Nè trở về để giải quyết những vấn đề tồn đọng như: chi phí sửa chữa nhà sau khi có quyết định của toà án, phần thừa 14,5m2 do diện tích chênh lệch giữa diện tích trong quyết định của toà án và diện tích đất thực tế, và việc giao nhà không đúng người nhận như trong quyết định thi hành án. Hành vi của ông Nè là một sự tranh chấp dân sự với ông Thảo. Vì vậy, ông Thảo có quyền kiện ra toà theo thủ tục tố tụng dân sự. Luật sự An cho biết, tại Công văn số 404/BTP-THA ngày 24.2.2005 của Bộ Tư pháp quy định, việc sửa chữa nhà được thực hiện sau khi có bản án, quyết định của toà án thì phải tổ chức cho các bên thoả thuận. Pháp luật về thi hành án cũng nêu rõ, khi bản án có sai sót, cơ quan thi hành án không được cưỡng chế mà phải có văn bản yêu cầu xem xét, kháng nghị hoặc yêu cầu toà án giải thích bản án. Tuy nhiên, việc này không được cơ quan thi hành án thực hiện. Từ những lập luận trên, luật sư An đề nghị HĐXX “dũng cảm” tuyên ông Nè không phạm tội và trả tự do cho bị cáo Nè.
Do sai sót của THADS Tân Châu
Tranh luận với luật sư, đại diện Viện Kiểm sát, ông Nguyễn Ngọc Hạnh cho rằng, trong quá trình thi hành án, ông Nè có đơn khiếu nại nhiều nơi, các cơ quan có trách nhiệm đều có văn bản trả lời khẳng định việc thi hành án là đúng pháp luật. Đối với Quyết định số 40/DSST đã có hiệu lực thi hành, không còn thời hiệu xem xét thủ tục giám đốc thẩm. Việc phục hồi thời hiệu thi hành án được cơ quan THA áp dụng theo quy định tại Pháp lệnh THADS. Về hành vi không chấp hành án, mặc dù ông Nè không chống đối lúc cưỡng chế, nhưng việc quay trở lại của ông Nè cũng là hành vi không chấp hành án, vì còn thể hiện ở hành vi khác (nhưng đại diện Viện Kiểm sát lại không nói rõ là hành vi nào - NV). Theo VKS, về diện tích chênh lệch mà bị cáo Nè nói là đúng, nhưng trong trường hợp này nếu “bị cáo bình tĩnh thoả thuận với ông Thảo, ông Đính thì vẫn có thể giải quyết”, trái lại bị cáo Nè lại đi khiếu nại về thời hiệu, uỷ quyền sai… Vì vậy, Viện Kiểm sát khẳng định bị cáo Nè phạm tội không chấp hành án là đúng người, đúng tội.
Tranh luận với vị đại diện Viện Kiểm sát, luật sư An cho rằng, ý kiến của Viện Kiểm sát cho rằng Quyết định số 40/DSST hết thời hiệu xem xét giám đốc thẩm và đã có hiệu lực pháp luật phải thi hành, trong khi đó, luật cũng quy định thời hiệu thi hành án hết, đương nhiên ông Nè cũng được giải trừ việc phải thi hành án theo quy định pháp luật. Trong thời gian thi hành án, người được thi hành án không có đơn yêu cầu thi hành án là họ tự từ bỏ quyền lợi của họ. Vì vậy, bị cáo Nè được hưởng những quyền lợi mà luật quy định.
Tranh luận với Viện Kiểm sát, bị cáo Nè cho rằng, khi cho ông Thảo khôi phục thời hiệu, tại sao cơ quan THA không chứng minh điều kiện được khôi phục thời hiệu là có trở ngại khách quan? Tranh luận với ý kiến tự bào chữa của bị cáo Nè, vị đại diện Viện Kiểm sát cho rằng yếu tố khách quan của ông Thảo là “do cơ quan THA Tân Châu có sai sót” trong việc không xem xét đơn đề nghị thi hành án của ông Thảo.
Sau phần tranh luận, mặc dù vị đại diện Viện Kiểm sát không trả lời hết những ý kiến của luật sư và bị cáo Nè về giấy uỷ quyền, đơn đề nghị thi hành án có đúng pháp luật hay không, ông Đính có đủ tư cách nhận tài sản hay không, hay THADS Tân Châu sẽ chịu trách nhiệm như thế nào khi để ra sai sót khi không thực hiện đơn yêu cầu THA của ông Thảo, chủ toạ phiên toà vẫn tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND Thị xã, phạt ông Nè 12 tháng tù tội không chấp hành án.
Đức Tiến
Lược trích tranh luận của Viện Kiểm sát với luật sư Lý Thanh An và bị cáo Trần Công Nè tại phiên toà Đại diện Viện Kiểm sát: Quyết định số 40/DSST đã có hiệu lực pháp luật, đồng thời hết thời hiệu khiếu nại, kháng nghị giám đốc thẩm. Vấn đề của ông Thảo được quy định trong Pháp lệnh THADS, cụ thể tại điểm b, khoản 2 Điều 7. Nội dung này được Thanh tra Bộ Tư pháp trả lời. Chính vì vậy, quan điểm của Viện kiểm sát, đến thời điểm này, Quyết định số 40/DSST của TAND Tân Châu có hiệu lực pháp luật. Cơ quan THADS tỉnh đưa quyết định này thi hành là có căn cứ. Do bị cáo không tự nguyện thi hành nên cơ quan THA cưỡng chế. Luật sư Lý Thanh An: Vị đại diện Viện kiểm sát cho rằng, Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định thời hiệu kháng nghị giám đốc thẩm hết, anh không được quyền, đó là luật. Trong khi đó, nhà nước quy định thời hiệu trong THA là gì? Đó là Nhà nước bảo hộ trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu hết thời gian thi hành án, người được thi hành án không làm đơn thi hành án là họ tự từ bỏ quyền lợi của mình. Như vậy, đã giải trừ cho người phải thi hành án là ông Nè khỏi phải thi hành. Tuy nhiên, cơ quan THA khôi phục thời hiệu nhưng không chứng minh được những trở ngại khách quan. Bên cạnh đó, quá trình thi hành án còn quá nhiều điều sai sót. Bị cáo Trần Công Nè: Thời hiệu THA Nhà nước quy định rất rõ có 3 năm mà đến 7,5 năm mới cho khôi phục thi hành án, vậy có đúng không. Tại sao cơ quan bảo vệ pháp luật không xem xét vấn đề này. Cơ quan bảo vệ pháp luật cũng không xem xét trở ngại khách quan. Theo bị cáo, không có pháp luật nào chỉ xem xét một phía bên này, còn một phía bên kia không xem xét. Đại diện Viện Kiểm sát: Về ý kiến tranh luận của bị cáo cho rằng phải chứng minh trở ngại khách quan việc khôi phục thời hiệu THA. Quan điểm của Viện kiểm sát khẳng định ý kiến của bị cáo là đúng. Bị cáo có đọc luật, có tìm hiểu luật. Chứng minh điều kiện trở ngại khách quan trong Điều 7 Pháp lệnh THADS có hàng loạt vấn đề khách quan. Thanh tra Bộ Tư pháp khẳng định khách quan trong trường hợp này không phải lỗi của ông Thảo. Lý do khách quan để xét khôi phục thi hành án cho ông Thảo là do cơ quan THADS huyện Tân Châu có sai sót trong việc nhận đơn và thụ lý đơn thi hành án. Bị cáo Trần Công Nè: Vần đề lỗi của thi hành án thì tại sao không bắt lỗi thi hành án có sai sót trong việc để hết thời hiệu yêu cầu THA của ông Thảo? Tại sao không bắt lỗi? Tại sao suốt một thời gian dài, THA không buộc ông Nè giao nhà cho ông Thảo mà ông Thảo không khiếu nại. Bây giờ đưa cái lỗi đó ra để bào chữa cho ông Thảo? Nhiều vấn đề không rõ ràng, thì tại sao cái này Viện kiểm sát không thấy? Bị cáo hết. Chủ toạ phiên toà: Bị cáo nói lời sau cùng. Bị cáo Trần Công Nè: Những vấn đề bị cáo nói nãy giờ không có gì là trừu tượng hết. Vì vậy, mong HĐXX công tâm xem xét. |