BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xét xử trực tuyến: Hướng tới xây dựng toà án điện tử 

Cập nhật ngày: 19/12/2022 - 06:14

BTN - Thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội, thời gian qua, TAND hai cấp tỉnh tổ chức các phiên toà xét xử trực tuyến, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, tiết kiệm chi phí, hướng tới việc xây dựng toà án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

Xét xử trực tuyến- bước đi quan trọng để xây dựng toà án điện tử.

Bảo đảm đúng quy định

Ngày 12.11.2021, Quốc hội ra Nghị quyết số 33 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2022) quy định TAND được tổ chức phiên toà trực tuyến để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp liên quan đến bí mật của Nhà nước hoặc vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Việc tổ chức phiên toà trực tuyến được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 05 (có hiệu lực từ ngày 1.2.2022) của TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp.

Theo TAND tỉnh, xét xử trực tuyến là phiên toà được tổ chức thực hiện trên hệ thống phần mềm xét xử trực tuyến và hạ tầng công nghệ thông tin cho phép quản lý, tổ chức xét xử thông qua môi trường internet. Xét xử trực tuyến bản chất là xét xử trực tiếp, diễn ra ở phòng xét xử theo quy định hiện hành.

Bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên toà tại địa điểm ngoài phòng xử án do Toà án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên toà bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

Ông Đỗ Văn Thinh- Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 33 và kế hoạch xét xử trực tuyến của TAND tối cao, TAND hai cấp tỉnh Tây Ninh đã tận dụng một số thiết bị có sẵn và hợp đồng với đơn vị viễn thông thuê trang thiết bị, đường truyền tín hiệu ở các điểm cầu; bố trí cán bộ kỹ thuật thường trực để kịp thời xử lý tình huống phát sinh.

Lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp phối hợp chặt chẽ với toà án và các đơn vị liên quan bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ bảo vệ phiên toà trực tuyến theo đúng Thông tư liên tịch số 05.

Tại phiên toà xét xử trực tuyến, các cơ quan tiến hành tố tụng triển khai đầy đủ thủ tục của một phiên toà theo quy định; bị cáo, bị hại có mặt đúng giờ, đầy đủ, nghe rõ và trả lời rõ những câu hỏi, yêu cầu của hội đồng xét xử.

Tại điểm cầu trung tâm và điểm cầu thành phần được trang bị máy tính điều khiển, màn hình và hệ thống âm thanh tốt nhất để bảo đảm tín hiệu liền mạch khi trao đổi thông tin giữa các điểm cầu, do đó không có sự khác biệt nhiều so với xét xử khi bị cáo có mặt trực tiếp. Quá trình xét xử bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng, tôn trọng quyền con người và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng.

Trong giai đoạn đầu thực hiện, các phiên toà xét xử án hình sự sẽ lựa chọn xét xử sơ thẩm các vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng nhưng chứng cứ rõ ràng. Đối với các vụ án hình sự phúc thẩm sẽ lựa chọn những vụ án bị cáo bị cấp sơ thẩm kết tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng mà bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, cải tạo không giam giữ. Còn đối với các vụ án dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình sẽ xét xử những vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, tài liệu chứng cứ đầy đủ.

Trong năm 2022, TAND hai cấp đã thực hiện được 42 phiên toà xét xử trực tuyến (cấp tỉnh 4 vụ, cấp huyện 38 vụ). Ngoài ra, TAND tỉnh còn tổ chức các điểm cầu thành phần hỗ trợ 2 phiên toà xét xử phúc thẩm hành chính của TAND tối cao.

Cần tiếp tục hoàn thiện quy định về xét xử trực tuyến

Một thẩm phán thuộc TAND thành phố Tây Ninh chia sẻ, việc xét xử trực tuyến bảo đảm quy định của pháp luật tố tụng, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về áp dụng khoa học, kỹ thuật, thúc đẩy công nghệ số trong xét xử. Xét xử trực tuyến không tập trung đông người trong cùng một không gian, thời gian nên hạn chế sự lây lan của dịch bệnh; tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; hạn chế việc người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên toà vì lý do phải di chuyển từ nơi cư trú đến địa điểm mở phiên toà trực tiếp. Giảm tối đa các rủi ro có thể xảy ra cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng phát sinh từ việc đi lại, di chuyển hồ sơ, vật chứng… đến địa điểm mở phiên toà.

Các phiên toà được ghi âm, ghi hình và lưu trữ để làm tài liệu nghiên cứu, rút kinh nghiệm. Việc xét xử trực tuyến các vụ án hành chính giúp hạn chế việc phải hoãn phiên toà nhiều lần; hạn chế việc xét xử vắng mặt người bị kiện; giảm bức xúc cho người khởi kiện. Việc xét xử trực tuyến các vụ án dân sự đã giúp tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh tiến độ giải quyết nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử do không triệu tập được đầy đủ đương sự, người tham gia tố tụng khác đến phiên toà.

Tuy nhiên, xét xử trực tuyến là nội dung mới nên quá trình tổ chức, thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, việc tổ chức phiên toà trực tuyến đòi hỏi phải có một hệ thống công nghệ, phương tiện, trang thiết bị hiện đại, chất lượng kết nối tốt để không bị gián đoạn. Tuy nhiên, trên thực tế khi tổ chức phiên toà trực tuyến, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, để triển khai rộng rãi cũng cần có nguồn kinh phí lớn để đầu tư nâng cấp hệ thống mạng lưới kỹ thuật.

Ngày 14.3.2022, TAND tối cao đã ban hành Quyết định số 50/QĐ-TANDTC hướng dẫn về trang bị, lắp đặt thiết bị phục vụ tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến cho phòng xử án của toà án các cấp. Hướng dẫn có quy định chung đối với trang thiết bị phục vụ tổ chức cho phiên toà xét xử trực tuyến; quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, số lượng và bố trí, lắp đặt thiết bị phục vụ.

Đáng chú ý, hướng dẫn có phụ lục rõ ràng về tiêu chuẩn thông số kỹ thuật, số lượng trang thiết bị cho một phòng xử trực tuyến; chi tiết kỹ thuật, số lượng thiết bị hệ thống âm thanh, hình ảnh, máy chiếu vật thể để trình chiếu tài liệu, chứng cứ; máy tính điều khiển; thiết bị định tuyến, chia tín hiệu. Cụ thể, tivi hiển thị hình ảnh gồm 3 cái, trong đó một tivi lớn hơn hoặc bằng 85 inch, hai cái còn lại lớn hơn hoặc bằng 75 inch; quy định việc bố trí lắp đặt thiết bị 4 camera, 3 tivi, hệ thống âm thanh, ánh sáng …

Hiện TAND hai cấp tỉnh phải thuê dịch vụ của công ty truyền thông để thực hiện, dẫn đến phát sinh nhiều chi phí trong quá trình lắp đặt. Bên cạnh đó, TAND tỉnh liên hệ Sở Thông tin và Truyền thông khảo sát xây dựng kế hoạch mua sắm trang thiết bị để trình UBND tỉnh hỗ trợ thiết bị phục vụ tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến theo Quyết định số 50/QĐ-TANDTC của TAND tối cao.

Một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay để tổ chức phiên toà trực tuyến là thiếu cán bộ có chuyên môn về công nghệ thông tin để trực tiếp vận hành hệ thống phiên toà trực tuyến, quản trị các phần mềm dùng chung (trong khi đó để tổ chức một phiên toà xét xử trực tuyến cần ít nhất 2 kỹ thuật viên). Các đơn vị mất nhiều thời gian trong quá trình chuẩn bị cho một phiên toà xét xử trực tuyến. Trong quá trình tổ chức, đôi lúc vẫn bị gián đoạn vì lỗi đường truyền, kỹ thuật.

Phiên toà trực tuyến là một giải pháp mới, nên không tránh khỏi sẽ có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Việc tổ chức phiên toà trực tuyến cần từng bước rút kinh nghiệm mới áp dụng phổ biến, tuỳ vào điều kiện: nhân lực, phương tiện kỹ thuật và điều kiện khác để đạt hiệu quả cao nhất.

Sau gần 1 năm triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 và Thông tư liên tịch số 05/2021, các toà án trong cả nước đã tổ chức được gần 4.000 phiên toà trực tuyến với chất lượng cao, trong đó có hơn 3.000 phiên toà hình sự, 240 phiên toà dân sự, 251 phiên toà hành chính và 158 phiên họp áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại toà án.

THIÊN DI