Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xét xử trực tuyến: Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại
Thứ bảy: 08:14 ngày 16/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tính từ ngày 1.1.2022 đến nay, các Toà án đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xét xử trực tuyến được 9.263 vụ án.

Xét xử trực tuyến- bước đột phá trong cải cách tư pháp.

Việc tổ chức các phiên toà xét xử trực tuyến trong thời gian qua giúp cho công tác xét xử của Toà án hiệu quả hơn, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia phiên toà, tiết kiệm chi phí xã hội, phù hợp với quan điểm của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Bước đột phá trong cải cách tư pháp

Tại hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV ngày 6.9.2023, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du cho biết, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác xét xử, nhất là trong bối cảnh cả nước triển khai các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19, để bảo đảm giải quyết các vụ án trong thời hạn theo quy định của pháp luật, TAND tối cao đề xuất và được Quốc hội chấp nhận, ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12.11.2021 về tổ chức phiên toà trực tuyến (sau đây gọi chung là Nghị quyết số 33).

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33, TAND tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15.12.2021 để hướng dẫn thi hành nghị quyết nói trên, đồng thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức các phiên toà xét xử bằng hình thức trực tuyến.

TAND tối cao cũng đã tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai thi hành Nghị quyết số 33 trong toàn hệ thống Toà án, trong đó có cả những hội nghị có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài để học tập, trao đổi kinh nghiệm, từ đó nâng cao kỹ năng cho thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký Toà án.

Để bảo đảm các điều kiện kỹ thuật và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho các Toà án tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến, ngay sau khi Nghị quyết số 33 có hiệu lực pháp luật, TAND tối cao đã đề xuất và được Quốc hội xem xét bổ sung khoản kinh phí 500 tỷ đồng để đầu tư dự án “Trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên toà trực tuyến”, với các mục tiêu đầu tư gồm xây dựng nền tảng xét xử trực tuyến dùng chung để tạo ra các phòng xét xử trực tuyến kỹ thuật số và đầu tư trang thiết bị cho phòng xét xử trực tuyến của Toà án các cấp.

Trong thời gian chưa được Quốc hội bố trí nguồn vốn để đầu tư dự án này, TAND tối cao chỉ đạo các Toà án khắc phục khó khăn, sử dụng tối đa khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất tại các Toà án; tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng; tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương để tổ chức xét xử trực tuyến.

Tính từ ngày 1.1.2022 đến nay, các Toà án đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức xét xử trực tuyến được 9.263 vụ án. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, hình thức xét xử này đã giúp hạn chế tập trung đông người tại phòng xử án, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh; giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và bảo đảm các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định.

Trong nhiều trường hợp bảo đảm tính nhân văn trong quá trình giải quyết vụ án (đối với vụ án hình sự có liên quan đến tội phạm xâm hại tình dục hoặc bị hại là trẻ em thì người bị hại không cần xuất hiện trực tiếp tại phiên toà); tiết kiệm chi phí dẫn giải, thuận lợi cho việc bảo vệ phiên toà; khắc phục tình trạng người bị kiện không tham gia phiên toà, từ đó góp phần hạn chế việc phải hoãn phiên toà nhiều lần trong giải quyết các vụ án hành chính; tiết kiệm chi phí cho người dân…

Tại Tây Ninh, TAND hai cấp đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 19.11.2021 của Quốc hội về tổ chức phiên toà trực tuyến. Trong 9 tháng, TAND hai cấp tổ chức xét xử 36 phiên toà trực tuyến (trong đó, cấp tỉnh 20 phiên toà trực tuyến, cấp huyện 16 phiên toà trực tuyến).

Một lãnh đạo TAND tỉnh cho biết, TAND hai cấp tận dụng một số thiết bị có sẵn và hợp đồng với đơn vị viễn thông thuê trang thiết bị, đường truyền tín hiệu ở các điểm cầu; bố trí cán bộ kỹ thuật để kịp thời xử lý tình huống phát sinh.

Tại phiên toà xét xử trực tuyến, các cơ quan tiến hành tố tụng triển khai đầy đủ thủ tục của một phiên toà theo quy định; bị cáo, bị hại có mặt đúng giờ, đầy đủ, nghe rõ và trả lời rõ những câu hỏi, yêu cầu của hội đồng xét xử. Các phiên toà đều diễn ra thuận lợi, cơ bản đáp ứng về kỹ thuật đường truyền, vì vậy không có sự khác biệt nhiều so với xét xử khi bị cáo có mặt trực tiếp.

Tiếp tục hoàn thiện quy định về xét xử trực tuyến

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến trong thời gian qua gặp một số khó khăn, vướng mắc. Theo Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Du, Nghị quyết số 33 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022; tuy nhiên, việc bố trí kinh phí trang bị cơ sở vật chất để tổ chức phiên toà trực tuyến còn chậm, dẫn đến nhiều khó khăn.

Theo quy định của pháp luật tố tụng, ngoài việc giải quyết các vụ án bằng phiên toà xét xử, Toà án còn có thẩm quyền giải quyết các việc dân sự hay xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính bằng các phiên họp. Đây là những vấn đề pháp lý không phức tạp, có thể áp dụng hình thức giải quyết bằng trực tuyến.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 33, hình thức xét xử trực tuyến mới được áp dụng cho việc tổ chức phiên toà xét xử các vụ án mà chưa được áp dụng cho các phiên họp để giải quyết các việc khác thuộc thẩm quyền của Toà án. Mặt khác, hướng dẫn hiện nay chỉ cho phép phiên toà trực tuyến được kết nối tối đa không quá 3 điểm cầu thành phần là chưa phù hợp với thực tiễn.

Việc tổ chức các phiên toà xét xử trực tuyến cần có sự phối hợp và ý thức chấp hành pháp luật cao của người dân. Trên thực tế, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, có trường hợp khi diễn biến tại phiên toà bất lợi cho mình, thì người tham dự phiên toà ở điểm cầu thành phần có các hành động không hợp tác và đổ lỗi cho yếu tố kỹ thuật, từ đó ảnh hưởng đến quá trình tổ chức phiên toà.

TAND tỉnh cho biết, hiện TAND hai cấp phải thuê dịch vụ của công ty truyền thông để thực hiện, phát sinh nhiều chi phí trong quá trình lắp đặt, nên việc tổ chức phiên toà trực tuyến chưa nhiều. Để thực hiện phiên toà trực tuyến, đòi hỏi phải có một hệ thống công nghệ, phương tiện, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, chất lượng kết nối tốt để phiên toà không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, trên thực tế khi tổ chức phiên toà trực tuyến, cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Sắp tới, TAND tỉnh được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến theo Quyết định số 50/QĐ-TANDTC của TAND tối cao ngày 14.3.2022. Bên cạnh đó, các phiên toà được ghi âm, ghi hình và lưu trữ để làm tài liệu nghiên cứu, rút kinh nghiệm; tuy nhiên, việc ghi âm, ghi hình vẫn chưa đạt yêu cầu.

Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả xét xử trực tuyến, TAND tối cao đề xuất Quốc hội hoàn thiện pháp luật về tố tụng điện tử nói chung tạo hành lang pháp lý không chỉ cho việc xét xử trực tuyến mà còn cho cả việc xây dựng Toà án điện tử trong tương lai.

Quá trình xem xét ban hành chính sách cần đồng thời xem xét việc bố trí nguồn lực để thực hiện, tránh tình trạng chính sách được thông qua nhưng không đủ nguồn lực thực hiện sẽ không đáp ứng được yêu cầu về tính kịp thời của chính sách.

Cần hoàn thiện pháp luật về tổ chức phiên toà trực tuyến theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng các thủ tục tố tụng trực tuyến không chỉ trong việc tổ chức phiên toà xét xử vụ các án, mà các phiên họp giải quyết các việc khác thuộc thẩm quyền của Toà án; không quy định giới hạn số lượng điểm cầu thành phần. Các cơ quan có liên quan tăng cường phối hợp với TAND tối cao trong việc hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện việc tổ chức phiên toà trực tuyến.

Thiên Di

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục