BAOTAYNINH.VN trên Google News

Toà án Nhân dân tỉnh:

Xét xử vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước…” xảy ra tại Hoà Thành

Cập nhật ngày: 24/06/2016 - 09:59

Các bị cáo nghe chủ toạ phiên toà tuyên án.

Như Báo Tây Ninh đã đưa tin, ngày 31.5.2016, TAND tỉnh đưa ra xét xử vụ án “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với các bị cáo Cao Sơn Nhân– nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng (BQLDA) Hoà Thành, Nguyễn Thiên Dân– nguyên Phó BQLDA, Dương Thị Thu Hoà– nguyên Kế toán trưởng BQLDA, Đỗ Tú Toàn– nguyên thủ quỹ BQLDA. Tuy nhiên, do có luật sư, các nguyên đơn dân sự vắng mặt nên chủ toạ phiên toà quyết định tạm hoãn.

Sáng ngày 23.6.2016, vụ án đã được TAND tỉnh đưa ra xét xử trở lại. Công ty Hiệp Phát, Công ty Phương Hậu, Công ty Minh Dũng không có mặt theo triệu tập của toà. Tham dự phiên toà có luật sư Trần Văn Hiếu (bào chữa cho bị cáo Nhân), luật sư Lý Thanh An (bào chữa cho bị cáo Dân), luật sư Trần Thị Ánh (bào chữa cho bị cáo Hoà), luật sư Nguyễn Văn Re (bào chữa cho bị cáo Toàn). Sau 1 ngày xét xử, sáng ngày 24.6.2016, thay mặt HĐXX, Chủ toạ phiên toà, thẩm phán Nguyễn Thị Tuyết Vân đã tuyên án như sau:

…Tại phiên toà, các luật sư bào chữa cho các bị cáo và bản thân các bị cáo cho rằng không phạm tội như cáo buộc của VKS. HĐXX nhận thấy:

BQLDA là cơ quan tham mưu cho UBND huyện quản lý nhà nước về xây dựng, đồng thời thực hiện chức năng là chủ đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn huyện Hoà Thành. Thực hiện chủ trương của lãnh đạo UBND huyện Hoà Thành đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, Cao Sơn Nhân lập các tờ trình tạm ứng 8 tỷ đồng từ ngân sách huyện để chi cho các công trình UBND – HU Hoà Thành, đường 797, công trình phụ UBND và tiền bảo hành các công trình ở huyện Hoà Thành, cụ thể như sau:

Công trình nâng cấp đường 797 của huyện Hoà Thành: Ngày 21.1.2009, Cao Sơn Nhân lập tờ trình xin tạm ứng ngân sách 500 triệu đồng thanh toán cho Công ty Minh Dũng. Ngày 30.5.2009, công trình đường 797 hoàn thành đưa vào sử dụng. Ngày 16.9.2009, BQLDA thanh toán khối lượng theo hợp đồng cho Công ty Minh Dũng là 8.972.233.000đ nhưng Nhân, Hoà không thu hồi 500 triệu đồng đã tạm ứng trước đó để hoàn trả cho ngân sách. Ngày 10.11.2015, Công ty Minh Dũng nộp 500 triệu đồng.

Về công trình HU – UBND huyện Hoà Thành: UBND huyện Hoà Thành ký hợp đồng xây dựng với Công ty CP Phát triển Đô thị (Công ty Đô thị) và công trình Trường THCS Trưng Vương. Hai hợp đồng 76 và số 11 vào năm 2007 và năm 2009, Nhân và Hoà ký uỷ nhiệm chi ứng ngân sách huyện 3 tỷ đồng chuyển vào tài khoản Công ty Phương Hậu. Sau đó, công trình đưa vào sử dụng, Nhân, Hoà ký tiếp chuyển vào Công ty Phương Hậu 2,5 tỷ đồng theo yêu cầu của ông Lâm Tấn Dũng để trả tiền vật liệu xây dựng, tổng cộng 2 lần là 5,5 tỷ đồng.

Ngày 10.11.2010, Nhân chỉ đạo cho Dân và Hoà ký uỷ nhiệm chi số 04 chuyển 2 tỷ đồng vào tài khoản Công ty Hiệp Phát chưa ký hợp đồng. Đến tháng 12.12.2010, BQLDA mới quyết định chỉ định thầu công trình phụ cho Công ty Hiệp Phát. Ngày 19.9.2013, UBND huyện phê duyệt quyết toán, tổng giá trị quyết toán là 2.238.617.000 đồng nhưng Nhân, Dân, Hoà không thu hồi tiền tạm ứng 2 tỷ đồng về trả cho ngân sách huyện. Đến ngày 7.8.2014, Công ty Hiệp Phát hoàn trả 2 tỷ đồng cho ngân sách huyện.

Kết luận giám định tài chính kế toán số 01 của Sở Tài chính Tây Ninh xác định các công trình phụ chưa lập dự toán kinh tế kỹ thuật, chưa ký hợp đồng xây dựng nên chưa có đối tượng nhận thầu nhưng Nhân chỉ đạo cho Dân, Hoà ký uỷ nhiệm chi 2 tỷ đồng cho Công ty Hiệp Phát là vi phạm khoản 1 Điều 17 Nghị định 48/2010/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng trong xây dựng. Sau khi 3 công trình phụ được UBND huyện phê duyệt quyết toán hoàn thành với tổng giá trị là 2.238.617.919đ, Nhân, Dân, Hoà không thu hồi tiền tạm ứng 2 tỷ đồng hoàn trả ngân sách là vi phạm khoản 6 Điều 17 Nghị định 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong xây dựng.

Nhân chỉ đạo cho Hoà chi 5,5 tỷ đồng cho Công ty Phương Hậu sai đối tượng (hợp đồng số 76 và hợp đồng số 11). Cả hai hợp đồng này, bên nhận thầu là Công ty Đô thị nhưng Nhân, Hoà đã chi sai đối tượng là vi phạm khoản 6 Điều 17 Nghị định 48/2010/NĐ-CP về tạm ứng hợp đồng trong xây dựng. Số tiền 5,5 tỷ đồng đến nay chưa thu hồi được.

Đối với số tiền bảo hành công trình: Từ năm 2006 đến năm 2012, Nhân chỉ đạo cho Hoà lập 33 phiếu tiền mặt tổng số tiền 3.973.295.000đ để chi cho ông Lâm Tấn Dũng tạm ứng. Trong đó, Nhân trực tiếp ký phiếu rút tiền ngân hàng 18 lần với số tiền 2.341.295.000đ và chỉ đạo Nguyễn Thiên Dân ký phiếu rút tiền 15 lần với số tiền 1.632.000.000đ, kế toán Hoà giao cho thủ quỹ Toàn đi rút. Sau khi rút về, Hoà không lập phiếu thu để nhập quỹ theo dõi, cũng không lập phiếu chi để thực hiện việc chi trả tiền bảo hành cho đơn vị thi công theo đúng hợp đồng.

Toàn bộ số tiền rút, Toàn giao hết cho Dũng không có giấy tờ, đến tháng 10.2013, Nhân, Toàn, Lâm Tấn Dũng mới đối chiếu công nợ và lập 32 “giấy đề nghị tạm ứng” với tổng số tiền 3.973.295.000đ nhằm hợp thức hoá tiền tạm ứng. Từ năm 2009 đến năm 2013, Dũng hoàn trả 849.713.303 đồng. Từ ngày 11.1.2016, BQLDA thu hồi 2.225.962.697đ, còn 897.619.000đ chưa thu hồi được. Theo giám định của Sở Tài chính, từ ngày 18.9.2009 đến ngày 4.2.2012, Đỗ Tú Toàn đã xuất quỹ chi tạm ứng 33 lần với tổng số tiền 3.973.295.000đ nhưng không có phiếu chi của kế toán là hành vi xuất quỹ không hợp pháp, vi phạm Quyết định 19/2006/QĐ-BTC của Bộ Tài chính.

Việc thủ quỹ Toàn xuất quỹ bất hợp pháp trong thời gian dài nhưng kế toán Hoà không biết là chưa làm hết nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Kế toán. Số tiền tạm giữ bảo hành công trình nêu trên mà BQLDA chi cho ông Dũng tạm ứng trái quy định của Nghị định 209/2004/NĐ – CP về quản lý chất lượng công trình.

HĐXX xét thấy, các bị cáo Nhân, Dân, Hoà cho rằng số tiền tạm ứng là tiền của ngân sách huyện Hoà Thành tạm ứng cho đội thi công nên khi công trình hoàn thành mới thu hồi. Tuy nhiên, tại các tờ trình xin tạm ứng mà UBND huyện phê duyệt cho tạm ứng, cuối văn bản, Cao Sơn Nhân đều cam kết sẽ thu hồi trả trong năm tài chính, hoặc sau khi được tỉnh cấp vốn bổ sung và việc tạm ứng ngân sách huyện tạm ứng cho các công trình, cụ thể là công trình HU - UBND và các công trình khác thì nguyên tắc khi tỉnh cấp vốn về, các bị cáo phải nhắc nhở, đôn đốc thu hồi đúng Luật Ngân sách để tất toán năm, nhưng các bị cáo đã không thực hiện hết vai trò của mình trong việc quản lý tiền ngân sách nhà nước, để kéo dài từ năm 2009 đến năm 2013. Khi Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra BQLDA thì Công ty Minh Dũng và Công ty Hiệp Phát mới nộp trả số tiền 2,5 tỷ đồng vào cuối năm 2014 và cuối năm 2015. Còn lại 5,5 tỷ đồng đến nay chưa thu hồi được.

Do đó, hành vi nêu trên của bị cáo Nhân, Dân, Hoà đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc giao tạm ứng tiền ngân sách của huyện Hoà Thành để ứng vốn cho các công trình xây dựng, chi không đúng đối tượng, sai nguyên tắc hợp đồng xây dựng và không thu hồi theo quy định, đã vi phạm Điều 85 của Luật Ngân sách, vi phạm Điều 7 Phần 40 Thông tư liên tịch 59 ngày 23.6.2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60 ngày 15.5 2013 của Chính phủ, vi phạm tại Điều 1 Phần 1 Thông tư liên tịch số 18 ngày 18.11.2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu hồi báo cáo ngân sách cuối năm và vi phạm tại khoản 1, khoản 8 Điều 11, 17 Nghị định 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong xây dựng số tiền là 3.973.295.000đ đã chi cho ông Dũng trái quy định tại Điều 29 Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16.12.2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Hành vi của bị cáo Đỗ Tú Toàn còn làm trái  Quyết định 19/2006/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ngày 30.3.2006 về chế độ kế toán. Hành vi của bị cáo Hoà còn làm trái khoản 2 Điều 5 khoản 1 Điều 19, khoản 2, 3 Điều 54 Luật Kế toán. Hậu quả các bị cáo làm thất thoát tiền của ngân sách với tổng số tiền 8 tỷ đồng, đến nay chưa thu hồi 5,5 tỷ đồng và số tiền bảo hành công trình 897.619.000đ.

Do đó hành vi của bị cáo Nhân, Dân, Hoà, Toàn đã có đủ cơ sở kết luận phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 3 Điều 165 BLHS.

Các luật sư cho rằng, các bị cáo không phạm tội, vì số tiền 8 tỷ đồng UBND huyện Hoà Thành cho vay chứ không tạm ứng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng,  còn tiền bảo hành các công trình là của nhà thầu, do ông Dũng không có vốn mượn đến nay đã thanh toán xong. Tại toà, BQLDA và UBND huyện cho rằng không bị thiệt hại. HĐXX thấy rằng, chủ trương Huyện uỷ – UBND huyện Hoà Thành, BQLDA ứng tiền ngân sách 8 tỷ đồng, nhưng các bị cáo không chi đúng hợp đồng mà chi cho Công ty Phương Hậu 5,5 tỷ đồng và theo yêu cầu của ông Lâm Tấn Dũng cho là mua vật liệu xây dựng để xây dựng trụ sở HU-UBND huyện nhưng ông Dũng không cung cấp được hoá đơn mua vật liệu tại Công ty Phương Hậu. Hơn nữa chi cho Công ty Hiệp Phát 2 tỷ đồng khi chưa ký hợp đồng, nhưng 1 tháng sau mới chỉ định thầu là trái nguyên tắc về hợp đồng xây dựng. Số tiền 5,5 tỷ đồng đến nay chưa thu hồi được nên đó là hậu quả của các bị cáo gây ra. Lẽ ra khi quyết toán theo số lượng công trình HU-UBND, các bị cáo phải trừ số tiền này cho ông Dũng. Vì đến tháng 9. 2010, khi công trình hoàn thành ông Dũng nhận 16 tỷ đồng. Cũng như 2 tỷ đồng của Công ty Hiệp Phát, công trình đã quyết toán và đưa vào sử dụng từ năm 2010 nhưng khi tiến hành thanh tra thì mới tiến hành nộp vào năm 2014. Tương tự, công trình 797 cũng như thế. Tiền mới nộp vào ngân sách nhà nước vào năm 2015 với số tiền bảo hành của 73 công trình, các bị cáo đã rút toàn bộ về chi cho ông Dũng mượn, trong khi ông Dũng không có một hợp đồng xây dựng nào với BQLDA. Năm 2013, BQLDA mới hợp thức hoá chứng từ, cho đến nay vẫn còn nợ 897.619.000đ chưa thu hồi được. Vì vậy, lời bào chữa cho các bị cáo của các luật sư cho rằng không có tội là không có căn cứ.

Tính chất vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo gây nguy hại đặc biệt cho xã hội, xâm phạm đến các quy định của nhà nước trong quản lý, sử dụng tiền ngân sách trong lĩnh vực xây dựng, Luật Kế toán. Các bị cáo đã lợi dụng chức vụ của mình làm trái quy định của Nhà nước, gây thất thoát tiền của Nhà nước. Nguyên nhân chính chưa thu hồi được tiền tạm ứng là do BQLDA sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích, chi sai đối tượng, tạm ứng tiền không đúng đối tượng của hợp đồng xây dựng nhưng quyết toán không thu hồi tiền tạm ứng. Có công trình đưa vào sử dụng từ năm 2010 nhưng đến nay chưa quyết toán được. Do đó, hành vi của các bị cáo đã làm ảnh hưởng đến uy tín các cơ quan nhà nước trong việc lãnh đạo điều hành xây dựng cơ bản tại địa phương, nên cần phải xử lý nghiêm, đảm bảo tính răn đe phòng ngừa tội phạm.

Chủ toạ phiên toà xác định bị cáo Cao Sơn Nhân giữ vai trò chính trong việc cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng nên tuyên bị cáo Nhân 3 năm tù; bị cáo Dân, bị cáo Hoà 1 năm 6 tháng tù; bị cáo Toàn 1 năm tù. Buộc bị cáo Nhân, Hoà có trách nhiệm bồi thường số tiền 5,5 tỷ đồng.

ĐỨC TIẾN