BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xiếc… lừa!

Cập nhật ngày: 02/10/2014 - 09:18

Quảng cáo một đường, làm một nẻo

Từ trưa ngày 29, xe loa của đoàn xiếc trên đã quần đảo trên nhiều tuyến đường ở Hòa Thành và thành phố Tây Ninh, léo nhéo giới thiệu “những tiết mục đặc sắc không thể bỏ qua” của nghệ thuật xiếc thú, xiếc người. Đối tượng mà đoàn xiếc này nhắm đến là các em nhỏ. Theo loa quảng cáo, các em nhỏ dưới 10 tuổi sẽ được miễn vé vào cổng, vé người lớn là 30.000 đồng/người.

Trước giờ diễn, hàng trăm em nhỏ và phụ huynh đã chen nhau vào rạp, bởi thỉnh thoảng các cháu nhỏ mới có dịp thưởng thức môn nghệ thuật hấp dẫn này. Tuy nhiên, vừa đặt chân đến cổng “rạp xiếc”, nhiều người đã không khỏi bực mình. “Xe loa quảng cáo giá vé người lớn chỉ 30.000 đồng/người nhưng giá bán thực tế lại là 50.000 đồng/người.

Không lẽ đưa con đến đây rồi quay về thì tội nghiệp cháu. Vậy là hai vợ chồng đành chịu tốn hết 100.000 đồng mua vé. Đúng là quảng cáo một đường, bán vé một nẻo. Họ khôn thật, miễn vé cho trẻ nhỏ nhưng lại chặt đẹp phụ huynh, bởi đa số trẻ nhỏ do phụ huynh đưa đi”, anh Thanh, ngụ xã Long Thành Trung bực bội nói.

Các em nhỏ ngồi bệt dưới đất chờ xem xiếc.

Giá vé “trên trời” nhưng vào trong “rạp”, mọi người cảm thấy hụt hẫng. Rạp xiếc được che chắn xung quanh bằng những tấm vải nhàu nhĩ, cũ kỹ. Sàn diễn nhỏ và khá sơ sài dựng trên mảnh đất trống cạnh… đống rác to đùng. Mặc dù chương trình biểu diễn chủ yếu phục vụ đối tượng thiếu nhi nhưng đoàn xiếc mở nhiều bài hát có nội dung phản cảm.

Điều đáng nói hơn là rạp xiếc bán vé giá cắt cổ nhưng bắt khán giả đứng hoặc… ngồi bệt dưới đất xem. Ai muốn ngồi ghế (ghế nhựa) thì phải chịu mất thêm 10.000 đồng/ghế. “Chẳng lẽ vô đây đứng hoặc ngồi dưới đất mà xem, vợ chồng tui đành phải thuê 3 ghế hết 30.000 đồng. Cộng thêm tiền giữ xe 5.000 đồng, vị chi vợ chồng tui mất hết 135.000 đồng, gần bằng tiền công một ngày đi làm phụ hồ của ảnh”, vợ anh Thanh ca cẩm.

Gần đến giờ diễn, mưa lắc rắc, chớp lóe loang loáng khiến nhiều phụ huynh lo ngay ngáy. “Mùa mưa mà tổ chức biểu diễn ngoài trời thế này nếu mưa lớn thì sao? Ai cũng nháo nhào chạy đi trú mưa hoặc ra về thì xem như mất toi tiền mua vé, bởi chương trình biểu diễn chỉ có 1 đêm duy nhất ở đây. Sao đoàn xiếc không thuê mướn mấy chỗ đàng hoàng như trung tâm văn hóa huyện hoặc tỉnh để phục vụ người xem tốt hơn”, một chị ôm con nhỏ càu nhàu.

Sự bực mình của các khán giả càng lên cao điểm khi đến phần biểu diễn. Dù quảng cáo là “đại hội các loài thú; tiếng gọi nơi rừng xanh; xiếc voi, ngựa, đà điểu, trăn, cá sấu, gấu, chó, voi, hổ…” nhưng toàn bộ chương trình chỉ có hai con vật là… trăn và cá sấu. Tiết mục “xiếc trăn” rất… tức cười: một thanh niên bước ra sân khấu, khệ nệ vác một con trăn to đùng xoay tới xoay lui chừng không đầy 1 phút là đã xong 1 tiết mục. Tiết mục xiếc cá sấu thì lâu hơn và không kém phần… rùng rợn, phản cảm với lứa tuổi thiếu nhi. Dù vậy, cũng như tiết mục trăn, đây không thể gọi là xiếc: Một thanh niên dùng que chọc cho cá sấu há to miệng ra rồi đưa tay vào khoang miệng cá sấu, sau đó là đưa mặt vào và cuối cùng là màn… hôn mũi cá sấu.

Phần còn lại của chương trình là những tiết mục ảo thuật như: hóa giấy thành tiền, bong bong nở hoa, hóa chim bồ câu… Có những tiết mục ảo thuật “kinh dị” chỉ phù hợp với người lớn như nuốt dao lam, găm dao vào lỗ mũi, nuốt kiếm, đóng đinh vào mũi, dùng máy khoan mũi… Duy chỉ có 1 tiết mục có thể gọi là xiếc là màn biểu diễn giữ thăng bằng với xe đạp trên cao.

Biểu diễn xiếc kiêm bán sách, đĩa trái phép.

Xiếc thú kiêm bán sách, đĩa lậu

Không chỉ “treo đầu dê bán thịt chó”, đoàn xiếc trên còn áp dụng một số cách thức để “moi” tiền khán giả. Đó là việc bán “sách lậu, đĩa lậu”. Sau khi biểu diễn vài tiết mục ảo thuật, một “ảo thuật gia” tự giới thiệu tên Hoàng Sơn hỏi: “Các em có muốn trở thành ảo thuật gia như anh không? Nếu muốn thì anh đã có sách dạy làm ảo thuật, trong đó chỉ dẫn rất rõ. Các em chỉ cần bỏ ra 10.000 đồng gửi lại tiền giấy mực cho anh Sơn là các em có thể biết được nhiều trò ảo thuật hấp dẫn”.

Sau đó, vài thanh niên mang “sách dạy ảo thuật” là... 3 tờ A4 photo mấy mẹo ảo thuật bán cho các em nhỏ. Sách không nhà xuất bản, không có bất cứ thông tin gì về xuất bản theo quy định. Đáng nói là mặt sau tờ giấy photo ghi ảo thuật gia Hoàng Sơn nhưng ở lời nói đầu lại ghi “Hoàng Hà xin cám ơn quý vị đã dành chút thì giờ quý báu để xem quyển ảo thuật do Hoàng Hà biên soạn”.

Một phụ huynh nhận xét: “Có lẽ ông Sơn lấy sách của người ta photo mấy tờ rồi ghi tên mình vào đem bán đây”. Sau màn bán “sách lậu” đến màn bán đĩa lậu cũng với giá 10.000 đồng/đĩa.

Tiết mục rùng rợn: dùng máy khoan lổ mũi.

Kế đến nữa, mặc dù đoàn xiếc đi lưu diễn có bán vé hẳn hòi nhưng đoàn này cũng tranh thủ “xin tiền” của khán giả. Khi một người biểu diễn màn dùng móc sắt móc xuyên qua cổ họng rồi dùng dây xích gắn với móc sắt nâng chậu sứ khá nặng đi xuống phía khán giả, bất ngờ MC “vận động” một cách nhà nghề: “Khâm phục tài năng và sự dũng cảm của anh, một em nhỏ đã bỏ vào chậu 10.000 đồng để động viên…”. Vậy là nhiều người khác “bắt chước” làm theo.

Cung cách tổ chức, biểu diễn thiếu trách nhiệm, có biểu hiện lừa dối khán giả như vừa nêu rất cần được cơ quan chức năng làm rõ. Lẽ ra các hoạt động đó phải được kiểm soát, ngăn ngừa, giám sát và xử lý kịp thời.

Theo một số phụ huynh, thỉnh thoảng tình trạng “xiếc lừa” như trên vẫn tái diễn ở Tây Ninh thời gian qua. Rất mong ngành chức năng lưu tâm hơn đến hoạt động “biểu diễn nghệ thuật” của các đoàn vãng lai để tránh xảy ra tình trạng tương tự.

HOÀNG THI