BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xin đừng thờ ơ với vấn nạn xâm hại trẻ em 

Cập nhật ngày: 18/01/2020 - 14:29

BTNO - Những vụ việc liên quan đến vấn đề xâm hại trẻ em luôn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Để hạn chế xâm hại trẻ em rất cần sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng.

Những vụ việc đau lòng

Trần Chánh Phủ (sinh năm 2000, ngụ huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) quen biết V.H.X.H trên mạng xã hội từ tháng 1.2019 và nảy sinh tình cảm với nhau. Khi ba mẹ đi vắng nhiều ngày, H. rủ Phủ đến nhà chơi. Khoảng 1 giờ ngày 29.3, cả 2 quan hệ tình dục với nhau 2 lần. Sau đó, Phủ rủ H. lên Tây Ninh thăm bạn và tìm việc làm.

Đến nơi cả 2 thuê một phòng nghỉ ở khu phố 7, phường 3, TP.Tây Ninh. Do không thấy H. về, gia đình bị hại đã gọi điện, thông qua định vị điện thoại biết H. đang ở Tây Ninh nên tìm gặp và đưa cả 2 đến cơ quan Công an giải quyết. Tại thời điểm xâm hại, H. chỉ mới 13 tuổi 4 tháng.   

Khoảng giữa tháng 6.2019, mạng xã hội xôn xao việc một em bé tên T.N.M.T (sinh năm 2013) bị mẹ ruột và một phụ nữ liên quan đánh đập dã man bằng cây sắt và cán chổi. Theo Công an TP.Tây Ninh, 2 phụ nữ đánh đập gây thương tích cho bé T. tên Lê Thị Thu Thảo (sinh năm 1992, ngụ huyện Hoà Thành- là mẹ ruột của cháu T.) và Lê Nhật Thu (sinh năm 1992, ngụ TP.Tây Ninh). Qua điều tra, cả 2 khai nhận đã nhiều lần đánh bé T. bằng cán chổi với lý do bé không ngoan, không chịu nghe lời.

Trường tiểu học Tôn Thất Tùng (TP.Tây Ninh) tổ chức diễn đàn tuyên truyền phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em- Ảnh minh hoạ

Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, nêu rõ những hành vi xâm hại trẻ em có thể kể đến như mua bán, bỏ rơi trẻ em, bạo lực khiến trẻ bị rối loạn tâm thần, hành vi, hạn chế khả năng giao tiếp, các hành vi xâm hại tình dục như hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô, sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức…

Chế tài xử lý những đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em sẽ tuỳ theo mức độ của hành vi và hậu quả mà hành vi đó mang lại, có thể bị phạt hành chính đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù 20 năm, chung thân hay tử hình (Bộ Luật Hình sự năm 2015).

Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Đối tượng chủ yếu lợi dụng sự non nớt của trẻ, gia đình thiếu quan tâm, quản lý để thực hiện hành vi xâm hại.

Từ năm 2015 – tháng 6.2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 216 vụ/ 353 em bị xâm hại. Trong đó, xâm hại tình dục 219 em, bạo lực 94 em (bạo lực học đường là 89 em), bóc lột lao động 3 em...

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, thông tin bạo lực, đồi trụy phát tán tràn lan trên mạng xã hội đã tác động lớn đến suy nghĩ, tình cảm của trẻ. Một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để làm quen, kết bạn, dụ dỗ trẻ thực hiện hành vi giao cấu, dâm ô, hiếp dâm. Nạn nhân chủ yếu trong các vụ xâm hại là bé gái, xảy ra ở địa bàn nông thôn (chiếm 87,7%).

Nỗ lực xây dựng môi trường an toàn

Thời gian qua, các cơ quan chức năng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền chuyên đề “phòng, chống xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em”, “bạo lực với phụ nữ, trẻ em”, “phòng, chống xâm hại trẻ em”… với hơn 670 cuộc, gần 26.000 lượt người tham gia; tổ chức 8 hội thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội in ấn, phát hành trên 30.000 tờ rơi, tờ bướm về phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em và 10.000 cuốn Luật Trẻ em cho đội ngũ Cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp cho gia đình có trẻ em trên địa bàn quản lý.

Nhân bản và phát hành 3.000 băng đĩa tuyên truyền phim hoạt hình về phòng chống đuối nước, xâm hại trẻ em cấp cho địa phương và trường mầm non. Có 40 buổi nói chuyện chuyên đề phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em tại 40 trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Sở Tư pháp đã tổ chức 63 đợt truyền thông về quyền trẻ em và pháp luật về trợ giúp pháp lý cho trẻ tại cơ sở, thu hút 529 lượt cán bộ, nhân dân tham dự. Đơn vị, trường học lồng ghép tuyên truyền trong hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội… Việc trẻ em bị xâm hại dần được quan tâm, người dân nâng cao ý thức, bảo vệ con em. Trẻ em được trang bị nhiều kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, nhận diện nguồn nguy hiểm để tránh xa.

Ngành chức năng quản lý, kiểm tra chặt chẽ việc cấp phép cơ sở kinh doanh dịch vụ như trò chơi điện tử trên internet, bắt buộc phải quy định thời gian, ngăn chặn trang mạng xấu, không phù hợp khiến trẻ bắt chước, ăn chơi hư hỏng và vi phạm pháp luật.  

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo- nhất là chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Số trẻ em có nguy cơ bị xâm hại được áp dụng biện pháp hỗ trợ, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ.

Khi có thông tin trẻ em bị xâm hại, chính quyền địa phương và ngành liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho trẻ trong tình trạng khẩn cấp và xây dựng kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ bị xâm hại.

Từ năm 2015- tháng 6.2019, cơ quan chức năng đã làm rõ 202 vụ với 211 đối tượng. Trong đó, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng 69 vụ, làm rõ 63 vụ 66 đối tượng. Khi kết thúc điều tra chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 196 vụ/205 bị can, xử lý hành chính liên quan đến xâm hại trẻ em là 3 vụ/4 trẻ em.

Các cơ quan tiến hành tố tụng đã làm tốt việc phối hợp, định kỳ trao đổi, thống nhất ý kiến để giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, đúng người, đúng tội. Các đơn vị phối hợp Trung tâm giám định pháp y, cơ sở y tế giám định bộ phận sinh dục, dấu vết, tổn thương do hành vi xâm hại gây ra; cùng ngành Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tư vấn, bảo đảm các quyền về tư pháp cho nạn nhân.

Một trợ giúp viên pháp lý thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn khi tham gia tố tụng trong vụ án xâm phạm tình dục trẻ em. Nạn nhân bị xâm hại trẻ hoá về độ tuổi, thậm chí có những vụ các cháu mới 6,7 tuổi gây khó khăn trong việc lấy lời khai.

“Trợ giúp viên pháp lý phải kiên nhẫn trò chuyện, tìm hiểu tâm lý, sử dụng hành động, lời nói gợi ý để các cháu khai lại hành vi phạm tội của bị can, làm cơ sở buộc tội, giúp cho cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhanh chóng kết thúc vụ án”, một trợ giúp viên pháp lý cho biết.

Dự báo thời gian tới, tội phạm xâm hại trẻ em còn diễn biến phức tạp- nhất là trong thời điểm công nghệ thông tin bùng nổ, thanh thiếu niên sống buông thả, gia đình thiếu quan tâm con cái, đạo đức xã hội xuống cấp. Để bảo vệ, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, quan tâm, giáo dục của nhà trường, cha mẹ. Hãy kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi xâm hại trẻ em, cùng xây dựng môi trường phát triển an toàn và bình đẳng.

Phương Thảo- Thiên Di