Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chị Trần Thị Thuyền (sinh năm 1983, ngụ ấp Bình Lợi, xã Hảo Ðước, huyện Châu Thành) từng là cán bộ Ðoàn hăng say, giàu nhiệt huyết. Cách đây 3 tháng, trong một lần cảm thấy mệt, huyết áp tăng cao, chị Thuyền đi khám bệnh tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận chị bị suy thận mãn tính.
Cán bộ Tài chính các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Thành thăm hỏi, động viên chị Thuyền.
Sau đó, vợ chồng chị Thuyền tiếp tục đi TP. Hồ Chí Minh khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy để kiểm tra, đối chứng. Tại đây, các bác sĩ cũng kết luận chị bị suy thận mãn tính, đồng thời chỉ định chạy thận nhân tạo định kỳ. Chị Thuyền tức tốc được gia đình cho nhập viện để phẫu thuật đặt van chạy thận, điều trị lọc máu.
Sau khi sức khoẻ dần ổn định, chị Thuyền được xuất viện về nhà. Theo chỉ định của bác sĩ, chị Thuyền phải chạy thận nhân tạo ba lần mỗi tuần.
Ðến Bệnh viện Ða khoa tỉnh đăng ký chạy thận, chị được biết nơi đây đã hết chỗ, hết máy lọc thận. Chị đăng ký tại Bệnh viện Ða khoa tư nhân Lê Ngọc Tùng. Sau khi trừ 80% bảo hiểm y tế chi trả, mỗi tháng, chị Thuyền phải tiêu tốn viện phí thêm gần 6 triệu đồng, chưa kể tiền xét nghiệm và thuốc thang khác.
“Hoạ vô đơn chí”, cách nay ít năm, chồng chị Thuyền phát hiện bị thận ứ nước. Dù đã được điều trị nhưng sức khoẻ của chồng chị rất yếu, hầu như không làm được việc nặng nhọc. Chưa hết, con trai út 8 tuổi của chị Thuyền cũng đang phải điều trị bệnh về mắt tại Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh.
Theo bác sĩ, cơ hội ghép thận cho chị Thuyền vẫn còn nhưng điều quan trọng là phải có người cho thận. Nét mặt buồn rầu, lo âu, chị Thuyền cho biết: “Ba mẹ nói sẵn sàng cho em quả thận nhưng cả hai ông bà đều ngoài 70 tuổi cả rồi, có lẽ sức khoẻ không cho phép phẫu thuật. Với lại, gia đình cũng chưa làm xét nghiệm nên không biết quả thận có tương thích hay không.
Mặt khác, chi phí ghép thận và điều trị sau đó phải hết hàng trăm triệu đồng. Em khó có hy vọng lắm! Trước mắt, em chỉ mong chạy thận định kỳ để sức khoẻ dần ổn định, có thể quay lại làm việc. Em chỉ cầu mong có phép màu nào đó cho em khoẻ để đi làm nuôi con”.
Một trong những khó khăn của chị Thuyền hiện nay là khoảng cách từ nhà đến nơi chạy thận khá xa, hơn 20 cây số. Do sức khoẻ của chị Thuyền kém nên chồng chị phải xin nghỉ phép để chở vợ đi chạy thận. Năm học mới đã bắt đầu, chồng chị lại đang làm bảo vệ cho Trường tiểu học Bình Lợi nên không phải lúc nào cũng chủ động được thời gian. “Mặc dù vợ chồng em đều có việc làm nhưng thời gian này cả nhà đều mắc bệnh, kinh tế thực sự đã kiệt quệ”- chị Thuyền buồn rầu.
Chị Thuyền hiện là kế toán tại UBND xã An Cơ. Trước đó, chị Thuyền có thời gian dài làm công tác Ðoàn Thanh niên ở xã Hảo Ðước. Thông qua bài báo này, rất mong các tổ chức, cá nhân có điều kiện mở lòng giúp chị Thuyền phần nào để vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn này. Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ với chị Trần Thị Thuyền (số điện thoại 0917.988.221) hoặc Toà soạn Báo Tây Ninh.
Viết Thắng - Phương Thuý