BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xơ xác Mộc Bài

Cập nhật ngày: 06/05/2015 - 12:00

Chợ đường biên cửa khẩu Mộc Bài không còn ai lai vãng.

Vậy là đúng như nhiều người dự đoán từ mấy năm trước, cuối cùng, Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Mộc Bài không còn đủ sức gắng gượng trong cuộc vươn mình thành một đô thị hiện đại, sầm uất như các nhà hoạch định chính sách và các nhà đầu tư từng mơ ước.

Ngày 5.5.2015, siêu thị Thế Kỷ Vàng (GC)- siêu thị hoành tráng nhất trong KKTCK Mộc Bài và cũng là siêu thị cuối cùng còn hoạt động đến năm 2015 đã chính thức bị “khai tử”. Sau gần 10 năm kể từ ngày đi vào hoạt động thương mại, dịch vụ, kinh doanh bất động sản, Mộc Bài đã điêu tàn đến mức khó tin nổi sau những ngày tháng vàng son nườm nượp người đi kẻ đến.

Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam- Campuchia. Cửa khẩu Mộc Bài không chỉ là cửa ngõ của tỉnh Tây Ninh trên đường giao lưu thương mại với Campuchia mà còn là một vị trí có vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế hướng ngoại để trở thành một trung tâm giao dịch thương mại quốc tế, thực hiện chương trình hợp tác tiểu vùng trong chiến lược phát triển kinh tế ở Nam Việt Nam. 

So với các cửa khẩu khác trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, cửa khẩu Mộc Bài có lợi thế đặc biệt vì nằm trên đường xuyên Á (con đường bắt đầu từ Myanmar, qua Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia và kết thúc ở Quảng Tây của Trung Quốc).

Mộc Bài chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam 70km và thủ đô Phnom Penh của Campuchia 170km. Hiện nay, công trình đường giao thông Xuyên Á đã được xây dựng hoàn chỉnh giai đoạn 1- đạt tiêu chuẩn quốc tế. Khi toàn tuyến đường Xuyên Á hoàn thành, cửa khẩu quốc tế Mộc Bài nói riêng, tỉnh Tây Ninh nói chung sẽ trở thành giao điểm quan trọng của hệ thống trục giao thông quốc tế và quốc gia ở phía Nam Việt Nam.

Những công trình địa ốc đã “đứt hơi”.

Xuất phát từ những lợi thế của cửa khẩu, đồng thời để chuẩn bị tốt cho quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, trên cơ sở tạo ra các điều kiện thuận lợi phù hợp với yêu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 210/QĐ-TTg ngày 27.10.1998 thành lập KKTCK Mộc Bài.

Theo quy hoạch chung mới nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1849/QĐ-TTg ngày 10.11.2009 thì KKTCK Mộc Bài bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các xã Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh, thị trấn Bến Cầu (thuộc huyện Bến Cầu) và các xã Phước Lưu, Bình Thạnh, Phước Chỉ thuộc huyện Trảng Bàng với tổng diện tích đất tự nhiên 21.284 ha.

Trong đó, quy hoạch đô thị cửa khẩu Mộc Bài theo phê duyệt trước đây có diện tích khoảng 600 ha, bao gồm thị trấn Bến Cầu và khu dịch vụ thương mại. Theo quy hoạch điều chỉnh gần nhất (đến năm 2020), đô thị Mộc Bài và khu dịch vụ thương mại được mở rộng đến 3.000 ha. Khu nội thị trước đây dự kiến bố trí 30.000 người được nâng lên thành 60.000 người. Khu công nghiệp cũng được mở rộng diện tích từ 55 ha lên 963 ha, trong đó khu công nghiệp tập trung là 933 ha.

Để triển khai xây dựng khu thương mại và đô thị cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách của tỉnh kết hợp với nguồn ngân sách Trung ương theo chương trình hỗ trợ có mục tiêu, kể cả nguồn vốn ODA từ Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) khoảng hơn 55 triệu USD để từ nay đến năm 2020 thực hiện các hạng mục hạ tầng cơ sở cần thiết.

Thế mà sau 17 năm kể từ ngày có chủ trương thành lập, KKTCK Mộc Bài giờ đây phải phô bày một dáng vẻ xơ xác trong lớp áo “rách bươm”, trông đến xót xa.

Còn nhớ những năm 2006 - 2009, nhắc đến Tây Ninh, ngoài những địa danh quen thuộc như khu di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, hồ Dầu Tiếng, núi Bà Đen, Toà thánh Cao Đài, người ngoài tỉnh thường nói về KKTCK Mộc Bài.

Nhiều người đánh giá đây là một thành tựu sáng chói của những chủ trương, chính sách đầu tư đúng đắn, biến một vùng đất trũng thấp hoang vu thành một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh, kể cả du khách nước ngoài.

Mặc dù vẫn còn một số vấn đề phát sinh như nạn mua gom hàng miễn thuế, doanh nghiệp tuồn hàng miễn thuế ra thị trường để hưởng chênh lệch giá, tình trạng bán hàng miễn thuế qua Campuchia rồi đưa ngược vào Việt Nam… nhưng mọi người đều nhìn thấy ở KKTCK này một tương lai xán lạn.

Ngày ấy, Mộc Bài sầm uất lắm. Những ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần, từ sáng sớm tinh mơ đến sẩm tối, hàng đoàn ô tô, xe buýt chở khách tham quan, mua sắm nối đuôi nhau tấp nập đến Mộc Bài. Nhiều chung cư, trụ sở văn phòng cao tầng thi nhau mọc lên; siêu thị miễn thuế được mùa, hàng trăm gian hàng kinh doanh mở ra, các dự án nhà ở đô thị bùng nổ… Nơi đây còn có một khu quy hoạch đô thị mang tên thành phố Mặt Trời đầy kiêu hãnh!

Không thể phủ nhận rằng việc đầu tư, quy hoạch, xây dựng KKTCK Mộc Bài thời gian đầu đã mang đến nhiều cái được lớn về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Chủ trương xây dựng các KKTCK đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và đối ngoại ở Tây Ninh, đặc biệt là huyện Bến Cầu. Đến năm 2010, KKTCK Mộc Bài đã thu hút được khoảng 35 nhà đầu tư với gần 50 dự án, đăng ký sử dụng 1.668,063 ha đất, vốn đăng ký 6.468,542 tỷ đồng và 219,125 triệu USD.

Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Mộc Bài không ngừng tăng nhanh; nếu như năm 2001 chỉ mới hơn 8,1 triệu USD thì đến năm 2006 đã là hơn 94 triệu USD. Riêng trong quý I năm 2012, con số này đã đạt hơn 190 triệu USD. Doanh số bán hàng năm 2006 của KTTCK là 533 tỷ đồng, đến năm 2011 là 1.809 tỷ đồng. Lĩnh vực du lịch - dịch vụ cũng phát triển nhanh.

Các nhà máy, siêu thị, cửa hàng miễn thuế ở Mộc Bài hoạt động trong thời gian qua đã tạo việc làm cho khoảng trên 11.000 người, chủ yếu là dân địa phương. KKTCK Mộc Bài hoạt động cũng đã đóng góp đáng kể vào kết quả xoá đói giảm nghèo ở Bến Cầu.

Năm 2005, Bến Cầu có 17,19% hộ nghèo, đến năm 2010, số hộ nghèo chỉ còn 6,42%. Trong quá trình đầu tư, hoạt động ở Mộc Bài, nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ, đóng góp xây dựng khoảng gần 100 căn nhà tình nghĩa và gần 1.000 căn nhà đại đoàn kết…

Tuy nhiên, từ sau năm 2010 trở lại đây, số nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp “tháo chạy” khỏi KKTCK Mộc Bài đã ngày một nhiều, chỉ còn vài dự án hoạt động hoặc triển khai dang dở. Con số gần 2.000 người lao động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ trước đây giảm xuống chỉ còn vài trăm rồi vài chục. Nhiều người trong số này trước đây là nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh ở các cửa hàng, siêu thị nay đi làm công nhân cho một nhà máy cũng tại KKTCK Mộc Bài.

Thành tựu là thế, triển vọng là thế và mục tiêu đặt ra trong vòng vài năm nữa cho KKTCK Mộc Bài cũng to tát thế, nhưng đến nay vì sao vùng dự án này lại thê thảm như vậy?  Nhiều nhà đầu tư cho rằng, trước nhất và quan trọng nhất chính là tính không nhất quán trong chính sách của Nhà nước, làm mất niềm tin nơi doanh nghiệp.

Lúc mới triển khai thành lập, nhờ có những chính sách ưu đãi hấp dẫn mà KKTCK Mộc Bài đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đổ tiền của vào đây. Chỉ vài năm sau, các chủ trương, chính sách cứ thay đổi liên tục theo hướng cắt giảm ưu đãi khiến các doanh nghiệp “chới với” vì bị thiệt hại nặng nề.

Siêu thị GC cửa đóng then cài.

Vài năm trước, khi trò chuyện với người viết bài này, một cán bộ Ban Quản lý KKTCK Mộc Bài than phiền rằng: dù đã được Chính phủ cho áp dụng một số chính sách thí điểm với cơ chế ưu đãi đặc biệt có tính chất đổi mới trong cải cách thể chế và thực nghiệm chính sách, nhưng trong thực tế triển khai, UBND tỉnh Tây Ninh và Ban Quản lý KKTCK không đủ thẩm quyền để thực hiện các chính sách này tại Mộc Bài. Các đề xuất liên quan đến chính sách mới thường bị trì hoãn hay từ chối với lý do chưa có… tiền lệ ở Việt Nam.

Quy trình ban hành các quyết định thực hiện chính sách phải dựa trên sự đồng thuận của các bộ mà quan điểm giữa các bộ lại không thống nhất nhau. Chủ trương chung là xã hội hoá đầu tư trên mọi lĩnh vực nhưng trên thực tế, KKTCK Mộc Bài chỉ thu hút được các nhà đầu tư vào những lĩnh vực sinh nhiều lợi và nhanh sinh lợi. Còn các lĩnh vực khác ít sinh lợi, chậm thu hồi vốn như các công trình hạ tầng giao thông, cấp nước và xử lý nước thải… thì khó thu hút đầu tư nên chỉ có thể đầu tư từ vốn ngân sách.

Thế nhưng, nguồn vốn ngân sách hạn hẹp không đủ để cấp phát. Hạ tầng không đồng bộ đã làm chậm sự phát triển, đặc biệt là đối với các khu, cụm công nghiệp ở Mộc Bài. Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại ở KKTCK Mộc Bài vẫn được hình thành một cách tự phát, chưa có định hướng cụ thể về thị trường, về thương nhân, về cơ cấu ngành hàng.

Cơ cấu hàng hoá chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu phía Campuchia và cư dân biên giới, phần còn lại tập trung nhiều ở những ngành hàng có thuế nhập khẩu cao và nhu cầu tiêu thụ nội địa mạnh như rượu, bia, mỹ phẩm.

Diễn biến thực tế trong thời gian qua tại KKTCK Mộc Bài cho thấy, do chạy theo lợi nhuận đơn thuần nên nhiều doanh nghiệp ít chú trọng khai thác nguyên liệu nhập khẩu từ phía nước láng giềng Campuchia về phục vụ sản xuất trong nước. Những yếu tố trên làm cho hiệu quả xuất nhập khẩu chưa cao, hàng hoá nhập khẩu vẫn còn tác động tiêu cực đến thị trường nội địa và chưa hỗ trợ nhiều cho hoạt động sản xuất trong nước.

Ngày nay, ai có dịp quay lại KKTCK Mộc Bài, nhìn cảnh vắng lặng điêu tàn, nhìn những công trình hoang sơ đổ nát, rêu phong sẽ không khỏi chạnh lòng nhớ tiếc một thời náo nhiệt tưng bừng trên vùng đất biên giới này.

ĐÌNH CHUNG