Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xóa đăng ký thường trú: Sửa đổi để thuận lợi hơn cho công dân
Thứ ba: 09:19 ngày 26/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Với những bất cập trong quy định về xóa đăng ký thường trú dẫn đến công dân phải đi lại nhiều lần, tốn nhiều thời gian, chi phí. Còn đối với lực lượng công an, nhất là công an cấp xã cũng gặp nhiều khó khăn.


Hình minh họa

Tù chung thân cũng không thuộc diện xóa đăng ký thường trú?

Sau thời gian thi hành Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) Bộ Công an cho biết đã góp phần giải quyết những vướng mắc phát sinh liên quan đến chỗ ở của công dân và việc quản lý nhân khẩu của cơ quan nhà nước, ngăn ngừa việc lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân...

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Cư trú, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, thực tiễn thi hành cho thấy một số nội dung cụ thể của pháp luật cư trú vẫn còn một số vướng mắc, bất cập. Trong đó có có quy định về xóa đăng ký thường trú.

Tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú quy định trường hợp người bị xóa đăng ký thường trú khi chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết, tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào quy định về việc thỏa thuận giữa những người trong hộ về việc cử người là chủ hộ mới khi chủ hộ cũ chuyển đi, chết hoặc trường hợp những người còn lại trong hộ gia đình không tự thỏa thuận được ai làm chủ hộ thì chưa thể xem xét giải quyết.

Tại Điểm b Khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú quy định trường hợp người bị xóa đăng ký thường trú khi được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại; tuy nhiên, có trường hợp khi công dân được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại lại không đến để thực hiện việc xóa đăng ký thường trú tại nơi ở cũ, dẫn đến nhiều trường hợp còn có hai nơi đăng ký thường trú khác nhau.

Tương tự, đối với trường hợp công dân chuyển đi nơi khác nhưng không làm thủ tục chuyển hộ khẩu hoặc người đang chấp hành án phạt tù giam có thời hạn từ 12 tháng trở lên, tù chung thân tại các trại giam cũng không thuộc diện xóa đăng ký thường trú, dù theo quy định về việc giảm án tha tù, những người đang chấp hành án chung thân vẫn có cơ hội trở về tái hòa nhập với cộng đồng nhưng thực tế họ phải bảo đảm chấp hành án trong thời gian rất lâu; trong suốt thời gian phải chấp hành án, họ không có mặt tại địa phương nơi đã đăng ký thường trú, điều này dẫn tới sự khác biệt giữa quản lý hồ sơ và quản lý thực tế việc công dân cư trú.

Quản lý bằng Cơ sở dữ liệu: sẽ bãi bỏ thủ tục hành chính

Tại Điểm đ Khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú quy định trường hợp người bị xóa đăng ký thường trú khi “đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xóa đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ”; tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp chuyển đến nơi ở mới nhưng Công an nơi cấp giấy chuyển hộ khẩu không nhận được thông báo của Công an nơi đến, gây khó khăn trong việc quản lý, có khả năng công dân đăng ký thường trú tại 02 nơi.

Bên cạnh đó, trường hợp khi nhận được thông báo của Công an nơi đến thì Công an nơi cấp giấy chuyển hộ khẩu phải mời chủ hộ đến để tiến hành làm thủ tục xóa đăng ký thường trú cho thành viên đã chuyển hộ khẩu đi, như vậy chủ hộ phải đi đến cơ quan Công an ít nhất 02 lần, tốn nhiều thời gian, có trường hợp chủ hộ không đến để xóa đăng ký thường trú.

Bên cạnh đó, Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định xóa đăng ký thường trú đối với các trường họp công dân không còn đảm bảo điều kiện về chỗ ở hợp pháp như nhà ở thực tế không còn do di dời, đền bù, giải tỏa hay đã bán nhà cho người khác, trường hợp hết hợp đồng thuê nhà, mượn nhà hoặc không còn được ở nhờ... nên gây khó khăn trong công tác quản lý cư trú; nhiều trường hợp hộ gia đình có nhà bị giải tỏa hoặc bán nhà chuyển đi nơi khác sinh sống, có nhiều trường hợp sau khi đã được đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới thì không quay lại để xóa tên trong sổ hộ khẩu dẫn đến việc quản lý số lượng người thường trú thực tế tại địa phương còn chưa được sát, đúng với thực tế.

Dự kiến, khi nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể của Luật Cư trú sẽ xem xét vấn đề về quyền và trách nhiệm của công dân về cư trú, việc xóa đăng ký thường trú, khai báo tạm vắng… để bao quát đầy đủ hơn các trường hợp phát sinh trong thực tiễn quản lý cư trú; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân không phải đi lại nhiều lần, vừa đẩy nhanh thủ tục đăng ký cư trú, vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ biến động về nhân, hộ khẩu.

Thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân trên cơ sở khai thác, cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay thế hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú dẫn tới những thay đổi quan trọng trong công tác quản lý cư trú.

Theo đó, một số thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý cư trú cũng được bãi bỏ do các thông tin liên quan đến vấn đề nơi thường trú, nơi tạm trú, điều chỉnh thông tin liên quan của công dân đã được cập nhật và khai thác sử dụng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có xóa đăng ký thường trú.

Nguồn baophapluat

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh