Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xóa sạch sim rác
Thứ hai: 22:53 ngày 29/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cơ quan chức năng sẽ thu hồi toàn bộ sim kích hoạt sẵn để chặn vấn nạn sim rác, tin nhắn rác

Các nhà mạng phải cam kết trước tháng 9, thu hồi toàn bộ các sim kích hoạt sẵn còn trên thị trường. Đây là động thái quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) nhằm xóa sổ sim rác, tin nhắn rác (TNR) gây bức xúc, làm phiền người dùng thời gian qua.

Bảo vệ người dùng

Bộ TT-TT cho biết bộ và các doanh nghiệp viễn thông đã thống nhất thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn việc mua bán sim kích hoạt sẵn. Bộ yêu cầu các nhà mạng phải chủ động rà soát, phát hiện và có biện pháp thu hồi sim có dấu hiệu nghi vấn sim được kích hoạt sẵn tồn tại trên thị trường, hoàn thành trong tháng 9. Trước đó, từ tháng 6, các nhà mạng đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ tự động nhận dạng hình ảnh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng độ chính xác trong kiểm tra đăng ký thông tin thuê bao.

Theo đại diện nhà mạng MobiFone, VinaPhone, Viettel, một số kênh phân phối mua bán rộng rãi những thông tin cá nhân, CMND từ rất nhiều nguồn khác nhau. Từ ngày 15-6, MobiFone, VinaPhone, Viettel đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc đăng ký thông tin hàng loạt như: chặn đăng ký thông tin giờ thấp điểm; mỗi đại lý chỉ được đăng ký 3 thuê bao (user)/giấy tờ tùy thân và chỉ cập nhật 1 giao dịch/phút, từ thuê bao thứ 4, khách hàng phải ra cửa hàng chính thức của nhà mạng để làm thủ tục. Tất cả user vi phạm đều bị khóa quyền đăng ký thông tin.

Bên cạnh đó, nhà mạng đã có phương án chặn toàn bộ các thuê bao thuộc diện kích hoạt sẵn trước ngày 30-9. Theo đó, VinaPhone thực hiện quản lý chặt chẽ việc đăng ký thông tin ở các điểm bán như chỉ cho phép kênh bán đăng ký thông tin từ 6 - 22 giờ trong ngày, kiểm soát các thông tin thuê bao được đăng ký đúng, đáp ứng đầy đủ các quy định của Nghị định 49 về kích hoạt và quản lý thông tin thuê bao. Theo Bộ TT-TT, với những động thái và biện pháp đồng bộ, quyết liệt của bộ cùng với sự cam kết của các nhà mạng về tiến độ xử lý, nạn sim rác được hạn chế tối đa và sẽ không còn sim rác trên thị trường.

Theo Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), tổng số thuê bao di động ở Việt Nam đã đạt hơn 130 triệu, Việt Nam đã xuất hiện nhiều đối tượng dùng sim di động để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: đe dọa, tống tiền, nhắn tin, quấy rối, lừa đảo.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng quy định sẽ tạo điều kiện để các cơ quan chức năng nhanh chóng xử lý, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; đồng thời bảo vệ, bảo đảm quyền lợi của người dùng, tạo nền tảng cho hoạt động kinh tế số, phát triển các dịch vụ mới như Mobile Money (chuyển tiền qua di động), cấp mã số định danh điện tử.

Một tiệm bán sim trên đường 3 Tháng 2, quận 10, TP HCM Ảnh: Hoàng Triều

Bán sim rác, phạt 40 triệu đồng

Theo báo cáo của Bộ TT-TT, 6 tháng đầu năm 2019, đã có 1.855.849 thuê bao di động trả trước vi phạm thủ tục đăng ký bị cắt, ghi nhận 21.888 lượt phản ánh TNR, giảm 48,7% so với cùng kỳ năm trước (42.708 lượt). Bên cạnh đó, so với cùng kỳ năm 2018, các phản ánh về tin nhắn quảng cáo cho dịch vụ nội dung là 3.627 lượt chiếm 16,6%, giảm 72%; quảng cáo cho dịch vụ bất động sản là 525 lượt (2,4%), giảm 61,5%; quảng cáo cho sim là 472 lượt (2,2%), tăng 3 lần…

Như vậy, có thể lượng sim rác đã giảm nhưng chưa chấm dứt hoàn toàn, quảng cáo dịch vụ tăng lên cho thấy sim rác vẫn là công cụ để nhiều tổ chức, cá nhân quảng bá sản phẩm, dịch vụ.

Bộ TT-TT khuyến cáo để chấm dứt tình trạng mua bán sim kích hoạt sẵn, người dùng nên sử dụng sim thuê bao chính chủ, không tham gia mua bán sim kích hoạt sẵn, không cho cá nhân khác mượn, sử dụng giấy tờ cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao hoặc chuyển nhượng sim.

Nhà mạng sẽ thực hiện các biện pháp chế tài người dùng như: khi có khiếu nại từ thuê bao chính chủ, người dùng sim không chính chủ có nguy cơ bị mất số thuê bao đang dùng; nhà mạng sẽ cắt các ưu đãi, không cho sử dụng dịch vụ gia tăng tiện ích như Mobile Money, định danh điện tử; cắt liên lạc hoặc thậm chí cắt dịch vụ khi không đăng ký thông tin thuê bao.

Theo Sở TT-TT TP HCM, các đại lý bán sim điện thoại kích hoạt sẵn có thể bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng nếu bán sim thuê bao di động mà không được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền; bán sim điện thoại đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt dịch vụ di động trả trước; giả mạo giấy tờ của người khác để ký hợp đồng sử dụng thuê bao di động. Để bảo đảm quyền lợi của chính bản thân mình, người dùng di động cần kiểm tra thông tin thuê bao của mình bằng cách nhắn tin theo cú pháp TTTB gửi tới số 1414 hoặc kiểm tra trên trang thông tin của nhà mạng.

Theo Cục Viễn thông, theo các quy định pháp luật hiện hành, các cá nhân khi chuyển nhượng quyền sử dụng thuê bao cho cá nhân khác mà không thực hiện thủ tục giao kết lại hợp đồng theo mẫu, ký kết điều kiện giao dịch với nhà mạng… được xem là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính. Ngoài ra, khi xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, các vụ án có liên quan tới số thuê bao di động do cá nhân hay tổ chức đứng tên chủ thuê bao nhưng cho người có hành vi vi phạm pháp luật sử dụng thì chủ thuê bao phải giải trình, chứng minh mình vô can khi cơ quan chức năng yêu cầu, thậm chí phải chịu trách nhiệm liên đới về hình sự nếu hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Kỷ luật lãnh đạo nhà mạng còn sim rác

Bộ TT-TT cho biết đã quy trách nhiệm cụ thể cho chủ tịch, tổng giám đốc các nhà mạng trong việc chỉ đạo xử lý sim kích hoạt sẵn, sim rác. Chủ tịch, tổng giám đốc của doanh nghiệp viễn thông để xảy ra hiện tượng bán sim rác sẽ bị nhắc nhở 2 lần. Lần thứ 3, bộ sẽ có công văn báo cáo Thủ tướng xem xét chỉ đạo việc xử lý kỷ luật hành chính, kỷ luật theo quy định của pháp luật, đồng thời không xem xét tặng các danh hiệu đối với lãnh đạo nhà mạng.

Nguồn NLD

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục