Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đại diện Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO vừa gõ búa, ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (thứ 3 từ phải qua) cùng các cô gái bản Lai Châu múa xòe TháiẢnh: NHẬT MINH |
Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Paris (Pháp), kết hợp trực tuyến. Chủ trì phiên họp gõ búa thông qua hồ sơ Xòe Thái, ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vào chiều tối 15/12 (giờ Hà Nội).
Mặc dù động tác múa đơn giản, nhưng xòe biểu trưng cho khát vọng về sức khỏe và hòa hợp của cộng đồng. Đặc biệt là những động tác múa uyển chuyển hòa với âm nhạc của các nhạc cụ như tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm chọe, pí pặp, bẳng bu; những nhạc cụ cùng với bài hát, trang phục áo cóm, âm thanh phát ra từ trang sức bạc đeo quanh thắt lưng của người phụ nữ Thái. Xòe trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách và như là một dấu ấn văn hóa quan trọng của người Thái ở Tây Bắc Việt Nam.
Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhận định, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã đáp ứng một số tiêu chí nhất định để ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó có tiêu chí về sự độc đáo của di sản, sự tham gia của Chính phủ, chính quyền địa phương và đặc biệt là vai trò của cộng đồng nhằm gìn giữ, phát huy nghệ thuật Xòe Thái.
Cộng đồng dân tộc Thái cùng nhau gánh vác trách nhiệm và có vai trò khác nhau trong việc gìn giữ, bảo tồn và tổ chức thực hành Xòe. Cả đàn ông và phụ nữ đều có thể là nhạc công, vũ công trong các cuộc Xòe. Xòe được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng tới tất cả mọi người, mọi lứa tuổi giới tính khác nhau. Trẻ em học Xòe từ ông bà, cha mẹ. Các thầy cúng truyền dạy Xòe cho các con nuôi.
Các nghệ nhân và những người thực hành Xòe còn truyền dạy trong các đội văn nghệ, các trường phổ thông và trường nghệ thuật. Xòe phản ánh thế giới quan và vũ trụ quan của người Thái, được trình diễn vào dịp xuân về, trong lễ hội, các cuộc vui. Xòe Thái cởi mở cho tất cả mọi người không kể tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, nghề nghiệp và tộc người.
Nỗi lo hậu vinh danh
Ủy ban Liên chính phủ đánh giá, sự ghi danh Xòe Thái nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nghệ thuật này, cũng như về di sản văn hóa nói chung. Sự ghi danh sẽ thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thể hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại.
Ở cấp độ quốc gia, sự ghi danh sẽ nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của những truyền thống vũ đạo tương tự trong các vùng miền khác ở Việt Nam, tăng thêm niềm tự hào về bản sắc văn hóa và phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc ở Việt Nam.
Đây cũng là sự khẳng định chính sách bảo vệ và tôn trọng các biểu đạt văn hóa. Ở cấp độ quốc tế, sự ghi danh sẽ nâng cao tầm nhìn về di sản văn hóa phi vật thể nói chung, tăng cường đối thoại giữa các đội văn nghệ và cộng đồng người Thái.
Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, đám cưới, lễ hội truyền thống và các hoạt động của cộng đồng gồm ba loại: Xòe nghi lễ, xòe vòng và xòe trình diễn. Xòe nghi lễ và xòe trình diễn được gọi theo tên các đạo cụ sử dụng, như xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe gậy, xòe hoa. Xòe vòng phổ biến nhất, là màn đồng diễn mà người xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người. Các động tác múa cơ bản của xòe là tay giơ lên cao, mở ra, hạ xuống, nắm lấy tay người bên cạnh cùng bước chân nhịp nhàng. Người hơi ưỡn ngực, lưng ngả về phía sau.
Cộng đồng dân tộc Thái tập trung nhiều nhất ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, họ tham gia vào quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO, cũng như thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ di sản. Hồ sơ đề cử thể hiện sự tham gia rộng rãi của cộng đồng trong nghiên cứu, tư liệu hóa và kiểm kê vào năm 2017-2018 và sau đó sửa lại hồ sơ vào năm 2019.
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Giống như nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh, chuyên gia và không ít nghệ nhân đều chung nỗi lo hậu vinh danh. Đó chính là sự biến tướng, méo mó trong quá trình thực hành và phát triển di sản. GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia-một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng hồ sơ- nhận định: Môi trường diễn xướng của Xòe Thái có sự thay đổi lớn cả về không gian diễn xướng, thời gian sinh hoạt, các điệu múa, đạo cụ, trang phục. Điều này không tránh khỏi ít nhiều phá vỡ tính nguyên bản của Xòe truyền thống.
Còn nhớ năm 2019, Yên Bái phải tạm dừng đăng ký kỷ lục 5.000 người tham gia Xòe trong khuôn khổ sự kiện văn hóa-du lịch do một số ý kiến trái chiều, dù vậy tỉnh vẫn tổ chức màn Đại xòe này.
“Vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người nhiều khi biến thành sự sáng tạo phá vỡ truyền thống. Đó là một trong những vấn đề đáng lo ngại trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta cần nghiêm túc thực hiện những cam kết với UNESCO khi đệ trình hồ sơ ghi danh; cần xây dựng Chương trình hành động về các biện pháp bảo vệ di sản hậu vinh danh”, GS.TS Từ Thị Loan nêu.
Nguồn TP