BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xóm “3 không” ven hồ Dầu Tiếng

Cập nhật ngày: 05/11/2010 - 12:26

Khu vực bến đò ven hồ Dầu Tiếng tại ấp Đồng Kèn 2, xã Tân Thành (Tân Châu), hiện có 18 hộ với 79 nhân khẩu là dân Việt kiều từ Campuchia về đây sinh sống. Trong đó có 11 hộ mới về từ đầu năm 2010 đến nay. Theo báo cáo của Công an xã Tân Thành thì tất cả những hộ trên đều thuộc diện “3 không”: không có nhà, đất (phải sống trên bè cá, ghe, xuồng và những căn chòi tạm); không giấy tờ tuỳ thân và không nghề nghiệp. Cách mưu sinh của họ chủ yếu là đánh bắt cá và làm thuê.

Theo chân ông Trần Bá Thành, trưởng ấp Đồng Kèn 2, chúng tôi tìm đến bến đò. Đập vào mắt chúng tôi là những cái chòi tạm mọc lên rải rác quanh mép hồ. Khoảng 4, 5 chiếc ghe được đắp tăng, bạt để làm nhà. Những đứa trẻ đầu tóc đỏ hoe đang tung tăng bên mép nước vui đùa. Khi chúng tôi đến nơi, có khá đông người đang ở nhà vì không có việc để đi làm.

Một góc xóm “3 không”

Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Lợi, vợ anh Phan Văn Tiến cho biết: cả hai vợ chồng chị từ bé đều theo gia đình qua Campuchia sống trôi nổi trên Biển Hồ. Cuộc sống vất vả nên anh, chị đều không biết mặt chữ, chỉ biết nối tiếp cha mẹ làm nghề đánh bắt cá trên hồ. Cuộc sống khó khăn lắm, cho tới giữa năm nay mới gom đủ tiền để về Việt Nam. Hiện tại anh Tiến, chị Lợi đang cùng 5 người con sống trong căn lều tạm, được những người họ hàng giúp đỡ dựng nên. Chị Lợi năm nay đã 41 tuổi, vừa sinh con chưa tròn 2 tháng. Con gái lớn của chị ở trong căn lều tạm, kế bên cũng đang nuôi con nhỏ. Chị Lợi nói: “Về đây cũng chỉ làm nghề đánh cá trên hồ, mấy đứa con thì đi bạn (làm thuê) kiếm sống”. “Bây giờ có ra sao nữa thì chúng tôi cũng quyết ở lại nơi này. Vì đây là quê hương”.

Nheo nhóc hơn gia đình chị Lợi, anh Tiến là cảnh nhà của chị Trần Thị Sáu. Gia đình chị vừa trở về vào giữa tháng 9 vừa qua. Trong căn lều tạm rách nát, nhỏ hẹp, cả gia đình 9 người nhà chị cùng ráng “bám trụ” hơn tháng nay. Người phụ nữ có vẻ ốm yếu này chỉ mới 34 tuổi nhưng lại có tới 7 đứa con. Đứa lớn nhất 16 và nhỏ nhất mới 5 tháng tuổi. Quá nửa trong số chúng đã phải ra đồng kiếm sống. Chị Sáu chỉ đứa con gái đang chăm chú nghe chúng tôi nói chuyện, tuy đã 10 tuổi nhưng trông chẳng khác một đứa trẻ chỉ mới lên sáu cho biết:  cô bé là đứa duy nhất trong đám con lít nhít của chị được đến trường (mà cũng chỉ mới được hơn một tháng). Theo tay chị chỉ tôi nhìn ra phía bờ đê, một cô bé dáng nhỏ nhắn tay xách chiếc giỏ nhựa khá to- một trong số những đứa trẻ nhà chị Sáu, vừa đi mót mì về.

Theo quan sát của chúng tôi, số trẻ đang tuổi đến trường ở cái xóm nhỏ ven hồ này có trên chục em. Sẽ về đâu khi cứ tiếp diễn cái cảnh đời cha mẹ, rồi đời con, cháu đều thất học và thất nghiệp?

Theo những người dân địa phương thì các hộ ở xóm Việt kiều nói trên đã cư ngụ nơi đây được 3, 4 năm, cũng có hộ chỉ mới ở một vài tháng. Do đã quen với cuộc sống khá “tự do” trong những ngày còn lênh đênh trên Biển Hồ nên khi về đây sinh sống, nhiều bà con vẫn giữ thói quen rất “thoải mái”. Nhiều hộ không có khái niệm về vệ sinh môi trường. “Mùa nước lên còn đỡ, chứ vào mùa khô nước lòng hồ cạn, đủ thứ loại rác thải và cả phân người đều được thải xuống lòng hồ, bốc mùi rất khó chịu”- một người dân địa phương phản ánh. Chúng tôi cũng tận mắt chứng kiến bọc ni-lông, rác sinh hoạt thải bừa bãi xuống lòng hồ.

Theo lời chị Lợi: “Tôi bơi ghe ra phía xa xa của hồ lấy nước về để nấu ăn, sinh hoạt. Muốn đi cầu thì lên trên bờ”. Tôi ngó thấy một người đàn ông đang cắm cúi rửa thức ăn ngay mé hồ, mặc cho xung quanh đó là rác rến nổi lềnh bềnh. “Dùng nước này nhưng chưa thấy ai bị bệnh gì cả” (!?)- một người khác lên tiếng như để thanh minh. Ông trưởng ấp Đồng Kèn 2 nói: “Chúng tôi có hướng dẫn bà con lên những nhà gần đấy xách nước về dùng nhưng họ không nghe mà chấp nhận dùng nước hồ như thế”.

Một gia đình sống trong căn chòi tạm ven hồ

Tình trạng những hộ dân Việt kiều sinh sống tạm bợ quanh khu vực bến đò đã làm nảy sinh nhiều vấn đề khó khăn cho công tác quản lý dân cư. Đa số họ đều không có giấy tờ tuỳ thân. Theo ông Thành, tình hình an ninh ở khu vực này khá phức tạp, thường xuyên có chuyện cãi vã, đôi khi là đánh nhau. Ông Phạm Văn Phận, chủ khu vực bến đò đã nhiều lần đề nghị chính quyền giải quyết tình trạng trên nhưng vẫn chưa cải thiện được gì. Việc vận động kế hoạch hoá gia đình và giữ gìn vệ sinh môi trường sống đối với các hộ Việt kiều ở đây còn rất khó khăn, trong khi tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng của xã Tân Thành luôn ở mức khá cao, trong đó không ít trẻ là con em của xóm Việt kiều này.

Ông Bùi Văn Nhẫn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành xác nhận: khoảng 5 năm trở lại đây, lượng Việt kiều từ Campuchia trở về khá đông và con số không ngừng tăng lên. Địa phương thường xuyên cho cán bộ y tế, dân số, công an đến hướng dẫn bà con làm thủ tục, giấy tờ theo quy định, vận động giữ gìn vệ sinh môi trường, tuyên truyền về kế hoạch hoá gia đình… nhưng rất ít được hưởng ứng. Chúng tôi cũng đã tiến hành làm giấy khai sanh để giúp trẻ đến trường, làm giấy chứng minh, hộ khẩu cho những người đủ điều kiện theo quy định. Tuy nhiên những việc khác như cấp đất, cấp nhà ở thì không thuộc thẩm quyền của xã. Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên huyện và được trả lời: “sẽ tạo điều kiện cấp đất cho những hộ nghèo, khó khăn theo quy định nếu những hộ này có thiện chí định cư ở địa phương”. Ông cho biết, sắp tới xã sẽ tiến hành điều tra rà soát lại những hộ kể trên.

NGÔ TUYẾT