Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xóm
Chủ nhật: 23:51 ngày 18/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sở dĩ người ta gọi là xóm Mồ Côi là vì xóm chỉ có vài ba cái nhà chơ vơ giữa ruộng, nằm tách biệt với thế giới bên ngoài.

“Ầu ơ… trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng, con ở với ai… ầu ơ...”. Tiếng ru não lòng kèm theo tiếng ho húng hắng của bà Tư- nội của em Hoa và bé Bông, vọng ra từ mái tranh xơ xác cùng với tiếng mưa rào rào của tiết trời tháng bảy tạt vào bên hiên càng làm cho xóm Mồ Côi vốn đã buồn, càng thêm hiu hắt.

Sở dĩ người ta gọi là xóm Mồ Côi là vì xóm chỉ có vài ba cái nhà chơ vơ giữa ruộng, nằm tách biệt với thế giới bên ngoài. Gọi là nhà cho sang vậy thôi chứ thực ra nó cũng chỉ giống như mấy cái chòi giữ ruộng nhưng có điều to hơn và cứng cáp hơn một chút thôi. Bao quanh là các tấm vách được đan bằng những nan tre đập giập, bốn bề gió lộng.

Bà con chòm xóm, láng giềng cũng không ai khác ngoài chú Hai Xe Ôm, cô Ba Khoai Lang và cô Út Ve Chai. Họ cũng là những mảnh đời có hoàn cảnh éo le, bất hạnh khác nhau: mồ côi có, sa cơ thất thế có, nghèo rớt mồng tơi từ hồi mấy đời trước cũng có… nhưng chỉ có duy nhất một điểm chung là: nghèo!

Dĩ nhiên, gia đình Hoa cũng không ngoại lệ. Ngày đó, Tuấn là một thanh niên hiền lành, chất phác, chí thú làm ăn. Do duyên nợ, Tuấn gặp và yêu Huệ, một cô gái miền Tây, có đôi mắt đen láy và làn da trắng mịn, rời quê nghèo, lên đây xin làm công nhân cho cụm công nghiệp Tân Hiệp. Sau đám cưới đơn sơ, tình yêu của họ bắt đầu đơm hoa, kết trái là sự ra đời của em Hoa và tròn năm năm sau thì mẹ có thêm bé Bông nữa, niềm vui như được nhân đôi. Họ cũng đã từng có những tháng ngày hạnh phúc bên nhau trong căn nhà nhỏ rộn tiếng cười của trẻ thơ. Hoa và bé Bông luôn ngập tràn niềm vui trong vòng tay đầy yêu thương của ba Tuấn và mẹ Huệ. Tất cả đối với Hoa như một giấc mơ…

- Hoa! Hoa ơi! Con xem ai về kìa con!

Tiếng mẹ trong bếp vọng ra. Đang chơi sau nhà, Hoa nhảy chân sáo, lòng đầy hớn hở, ríu rít mừng vì biết đó là ba. Vì ngày nào cũng vậy, giờ này là ba về:

- A! Ba về! Ba về! Mừng quá!

Bà Tư đang bế bé Bông vừa tròn một tuổi, đứng trên bậc thềm, mắng yêu:

- Cha mày, chậm thôi con! Coi chừng vấp!

Ba cười, xoa đầu Hoa, lôi trong ba lô ra một bịch bánh ống:

- Ba có quà cho con gái cưng của ba nè!

Hoa ôm cầm lấy cố ba, hôn lên đôi má thơm nồng mùi nắng cả ba, cảm ơn ba rối rít. Vì nó biết thế nào ba cũng mua quà bánh cho nó. Hôm thì vài viên kẹo dừa béo ngậy, bữa thì mấy vắt cốm nếp tròn xoe, ngọt lịm. Đôi khi, sang hơn một chút là vài thanh chocolate thơm lừng mà khách của ba nó tặng. Nó rất thích, cười tít mắt

Cùng lúc đó, mẹ cũng vừa dọn cơm xong, giục:

- Mấy cha con ra rửa tay, vô ăn cơm nè!

- Dạ, mẹ! Nói rồi, Hoa chạy vù đi trong niềm vui sướng

Cả nhà quây quần bên mâm cơm chiều, tiếng cười nói râm ran trong không gian thật đầm ấm. Ngoài vườn, những chú chim cũng trò chuyện líu lo, tìm về tổ ấm sau một ngày vất vả kiếm ăn. Vài sợi nắng cuối ngày vắt qua luỹ tre làng rì rào ca hát, đâu đó tiếng í ới gọi nhau của đám trẻ thả diều trên bãi đất trống gần đó. Chiều bình yên đến lạ!

Những năm trước, Tuấn làm thợ xây. Tuy không nhiều tiền nhưng Tuấn biết tiết kiệm, Huệ lại khéo vun vén nên cuộc sống cũng có phần tạm ổn. Do hơn một năm trước, Tuấn không may bị tai nạn lao động, cú ngã từ tầng hai giàn giáo khiến anh bị chấn thương cột sống, phải bỏ nghề. Trong lúc đi bán vé số, vốn có tính nhạy bén, ham học hỏi nên anh cũng có thêm chân cò đất. May mắn sao, dạo này lại đang lên cơn “sốt đất”. Việc làm ăn của Tuấn ngày càng khấm khá lên nhiều. Cuộc sống gia đình vì thế mà đầy đủ hơn, đầm ấm hơn.

Thấy vợ vất vả. Ban ngày quần quật ở công ty. Tối về phải trông con nhỏ. Vả lại bà Tư cũng lớn tuổi nên cũng rất vất vả để chăm sóc cháu và làm việc nhà. Tuấn e dè đề nghị:

 - Hay em xin nghỉ việc ở công ty đi!

- Sao được anh? Mình anh lo sao nổi? Chi phí mỗi tháng nhiều lắm! Huệ tròn mắt:

 - Không sao! Nay, đang “sốt đất”, với công việc này thì em đừng lo. Ở nhà lo cơm nước, chăm sóc bé Bông, đưa rước bé Hoa đi học. Vả lại, mẹ cũng lớn tuổi rồi, mẹ cần được nghỉ ngơi! Tuấn trấn an vợ.

Nghe lời chồng nói cũng thấu tình đạt lý. Huệ không nghĩ nhiều, gật đầu, đồng ý:

- Dạ, vậy sáng mai, em sẽ nộp đơn xin nghỉ.

Chủ nhật được nghỉ ngơi, đang quây quần bên gia đình thì Tuấn nghe tiếng điện thoại reo. Đầu dây bên vọng lại giọng thằng bạn có vẻ khẩn trương, gấp gáp:

- Alo! Tuấn hả? Trong tài khoản còn tiền không? Chuyển cho tao mượn một trăm “chai”, cọc gấp miếng đất. Kèo này thơm hơn mấy kèo trước nữa. Vài ngày nữa, tao gửi lại cho.

- À, ờ...Ok! Mày chờ tao chút nha!

Tuấn vội rút điện thoại ra, gọi cho ai đó hỏi mượn mượn tiền và chuyển liền cho bạn một trăm triệu vừa mượn được. Chẳng là, hôm qua, Tuấn đã gom hết số tiền của mình để cọc miếng đất. Nay, vì chỗ bạn thân nên Tuấn đành vay giùm bạn vậy. “Kệ! Lãi cũng không bao nhiêu”- Tuấn nghĩ thầm. Thấy vậy, bà Tư ngạc nhiên xen lẫn lo lắng:

- Trời đất ơi! Con cho người ta mượn số tiền lớn vậy mà sao không cho họ ký giấy nhận nợ vậy con?

- Ôi! Mẹ ơi! Thời buổi công nghệ này rồi mà mẹ còn xài tiền mặt sao?- Tuấn trố mắt.

- Thì cho dù tiền mặt hay chuyển khoản cũng phải có giấy làm tin chứ con, rồi khi người ta không trả, mình còn có cái để mà đòi - bà Tư sốt ruột.

- Mẹ ơi! Buôn có bạn, bán có phường mà mẹ. Lâu nay, tụi con rất nhiều lần mượn qua mượn lại, có sao đâu mẹ! Vả lại, mẹ coi, với công việc của tụi con mà mẹ còn kêu người ta lại lấy tiền rồi ký giấy nhận nợ thì đất vào tay người khác mất rồi. Chắc chết đói thôi, mẹ ạ! - Tuấn cố giãi bày

Bà Tư chép miệng, lắc đầu, lòng đầy lo lắng:

- Alo! Sao rồi, hổm rày không thấy mày vậy? Vụ tiền bạc hôm trước sao rồi? Tuấn sốt ruột. Tuy lãi không cao lắm nhưng số tiền khá lớn nên trả lãi cũng không ít.

- Ờ, mày chờ tao thêm vài hôm nữa nha! Thằng bạn nài nỉ.

Cứ như vậy, mỗi lần Tuấn gọi, hắn lại cứ hẹn lần hẹn lựa, ngoài tiền vốn để làm ăn, còn phải tiền sinh hoạt phí gia đình, tiền học của con, tiền thuốc thang cho mẹ. Giờ, còn phải nai lưng ra đi làm để trả thêm khoản lãi “tự nhiên đâu trên trời rớt xuống”, đúng là Tuấn đau đầu thật.

“Cơn sốt đất” hạ nhiệt dần. Mà thằng bạn Tuấn hết lòng tin tưởng vẫn bặt tăm. Áp lực kiếm tiền bắt đầu đè nặng lên đôi vai gầy guộc của Tuấn. Đầu óc quay cuồng, Tuấn nghĩ đủ mọi cách để kiếm tiền. Tuấn bắt đầu lao vào những cuộc nhậu không giới hạn sau giờ làm việc. Say quá rồi đầu óc trở nên mụ mị. Về đến nhà là la hét, chửi bới, hết chửi bạn bè rồi đến chửi vợ con. Vì chỉ như vậy Tuấn mới có thể tạm quên đi mọi thứ. Huệ cũng không thể chịu nổi cảnh nợ nần bủa vây và sự bạo hành của Tuấn, thế là những cuộc cãi vã bắt đầu và ngày càng dữ dội hơn. Huệ đã năm lần bảy lượt dắt con, bỏ về nhà mẹ ở. Tuấn tất tả đi tìm, năn nỉ vợ về với anh nhưng chứng nào tật nấy, Tuấn không làm sao bỏ được.  Tuấn đập phá, chửi bới lúc say xỉn còn Huệ thì đay nghiến, oán trách chồng sau khi Tuấn tỉnh rượu. Không khí gia đình ngày càng thêm ngột ngạt, nặng nề.

Sức khoẻ ngày càng sa sút nghiêm trọng, bệnh cũ lại tái phát, những cơn đau lại ngày đêm giày vò thể xác của Tuấn. Tuấn dở sống dở chết, lây lất sống qua ngày.

Tuấn vừa chống xe trước sân, chạy ào vô nhà, mặt lộ vẻ vui mừng, đưa cho bà Tư một xấp tiền:

- Mẹ! Phần này con biếu mẹ, mẹ coi muốn ăn gì thì kêu vợ con mua cho mẹ ăn nha mẹ!

Tuấn quay qua Huệ:

- Còn này là phần của em. Em giữ để xoay xở mọi việc trong ngoài. Hổm rày, mấy mẹ con cũng không được đầy đủ rồi. Đã vậy, anh còn nhậu xỉn, quậy mấy mẹ con nữa. Cho anh xin lỗi! Anh hứa, từ nay, anh sẽ không vậy nữa đâu, nha! Tuấn vừa nói vừa cúi xuống hôn bé Bông, lòng Huệ ngập tràn niềm hạnh phúc!

Bà Tư và Huệ vẻ ngờ vực: “Quái! Tiền đâu ra mà lắm vậy”, nhưng niềm vui làm họ quên bén đi tất cả. Không phải vui vì Tuấn mang tiền về cho bà mà vui vì hôm nay, Tuấn không nhậu nhẹt, say sưa như thường ngày. Bà hy vọng rằng, rồi đây Tuấn sẽ sớm đổi thay. Nghĩ đến đây, bà Tư cười mãn nguyện.

Bà Tư chợt nghe tiếng xe của Tuấn từ đầu xóm nhưng sao hôm nay lại rú ga lạ thường. Chưa kịp nghĩ được gì, bà thấy một cái bóng đen lao thẳng vào hàng dâm bụt, người một nơi, xe một ngã. Hốt hoảng, bà Tư lật đật chạy lại, Huệ đang ru bé Bông, cũng chạy tất tả ra đỡ Tuấn dậy:

- Trời ơi! Có sao không anh, chạy đi đâu mà dữ thần vậy? Rồi uống chi mà say bất biết vậy nè?

Tuấn vùng dậy như người mất trí, đôi mắt đỏ ngầu, mặt lộ vẻ hung dữ, vung tay làm Huệ ngã lăn ra đất:

- Tránh ra, tránh ra hết đi! Toàn là đồ ăn hại! Sao tôi khổ thế này!

Huệ lồm cồm đứng dậy, đỏ bừng mặt;

- Bây giờ sao? Anh gây nợ, rượu chè. Rồi giờ, về đánh vợ quậy con nữa là sao? Anh đã hứa gì với tôi, anh quên sao? Ly hôn đi!

- Cô, cô…Tuấn giơ tay lên, định tát nhưng kịp thời kiềm lòng lại. Loạng choạng bước vào nhà.

Huệ đứng như trời trồng, nước mắt tuôn lã chã…

Thì ra, vì muốn kiếm tiền thật nhanh, thật nhiều để trả nợ nên Tuấn bị mù quáng, dính vào vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của bọn xấu trên không gian mạng. Theo lời chúng dẫn dụ Tuấn đã dốc hết số tiền kiếm được để nạp vào tài khoản cho chúng, bằng những thủ thuật tinh vi, chúng đã cho Tuấn thấy tài khoản liên tục có lợi nhuận cao gấp nhiều lần số tiền mà Tuấn đã bỏ ra. Nhưng khi Tuấn rút tiền thì bọn chúng bảo do sai nội dung nộp tiền nên hệ thống chưa xử lý kịp, hoặc phải chuyển thêm phí rút tiền... chỉ cho rút vài lần với số tiền không lớn để tạo lòng tin. Đến lúc đã không còn tiền, Tuấn hỏi bà Tư mượn sổ đỏ miếng đất hương hoả để thế chấp ngân hàng, với lý do lấy vốn làm ăn. Nhưng tất cả đã đổ sạch vào trong cái tài khoản đó. Đến khi hết tiền, Tuấn quyết định rút lại số tiền đã chuyển để nhằm trang trải mọi thứ thì… hỡi ơi! Tài khoản đã bị chúng vô hiệu hoá, cũng đồng nghĩa với số tiền đã nạp trong thời gian qua đã bị bọn chúng chiếm đoạt hoàn toàn. Tuấn giờ như cái xác không hồn.

Còn Huệ, cô quay lại làm việc ở công ty. Trớ trêu thay, cô gặp lại người yêu cũ của cô ngày xưa. Điều đáng nói là anh vẫn chưa lập gia đình vì không thể quên được hình bóng của cô. Ngược lại với sự vô tâm, ngược đãi của Tuấn, anh quan tâm, chăm sóc Huệ mỗi ngày. Từ bữa ăn sáng đến ly nước giải khát vào giữa buổi trưa và đưa đón mỗi ngày. Huệ bỗng thấy mình như trẻ con, cần được sự chăm sóc, yêu thương, che chở từ anh. Con tim cô lại một lần nữa, đập lỗi nhịp…

Thời gian vụt trôi nhanh, mới đó mà đã hơn một năm, Tuấn gồng gánh với bao nỗi lo toan, kiệt cùng. Bệnh tật hành hạ đêm ngày cũng đồng nghĩa với mẹ con Huệ cũng ăn không ngon, ngủ không yên sau mỗi lần Tuấn bù khú cùng đám bạn về. Và cũng chính vì thế mà Huệ càng ngày càng muốn rời xa anh. Rồi đùng một cái, miếng đất hương hoả cũng bị ngân hàng phát mãi do nợ xấu quá quy định. Cả nhà dắt díu nhau về xóm Mồ Côi để tá túc. Mới sáng ra, Tuấn còn nghe mọi người kháo nhau việc Huệ có “bồ” ở công ty. Với tính khí của Huệ thì anh cũng biết đó chỉ là chuyện sớm muộn nhưng anh không nghĩ nó lại xảy ra vào lúc này. Tuấn như người “rơi tự do” xuống tận cùng của sự đau khổ!

Tuấn chạy như bay về nhà:

- Em đâu rồi, Huệ? Ra đây tôi hỏi.

- Gì mới sáng, anh chạy như ma đuổi? Huệ liếc mắt.

- Tôi nghe mọi người ngoài quán cà phê nói em có nhân tình, là sao vậy Huệ?

- Nếu đúng thì sao?

- Bốp! Cái tát nảy lửa của Tuấn làm Huệ càng điên tiết. Huệ đay nghiến:

- Anh đánh tôi? Được lắm! Anh coi lại anh đi. Tôi không thể chịu nổi cảnh nghèo đói, nợ nần này nữa rồi. Đã vậy, anh còn ngược đãi tôi. Ly hôn đi! Vừa nói Huệ vừa vào trong lấy đơn đơn ly hôn ra, chìa trước mặt anh.

- Còn con thì sao? Tuấn bất ngờ, nước ực miếng nước bọt nhạt thếch, vẻ van lơn.

- Để cho anh cả, anh không phải lo! Tui chán lắm rồi! Tui phải lo cho thân tui nữa vì anh mà mất hết cả thanh xuân rồi- Huệ lạnh lùng.

- Thôi mà em. Cho anh một cơ hội nữa đi mà em. Anh hứa sẽ bỏ tật mà.

- Bao nhiêu lần rồi hả anh? Đã quá trễ rồi!

Huệ lẳng lặng vào trong nhà xếp đồ vào vali, đi thẳng. Mặc cho Tuấn ngồi thất thần trên bậc cửa, thở dài, anh biết tất cả đã chấm hết thật rồi…

Mấy tháng sau, Tuấn cũng lâm vào vòng tù tội vì lãi mẹ đẻ lãi con, số nợ đã lên đến cả tỷ, không tài nào xoay trở được nữa.

- Hoa! Con đưa cho nội cái gối, con!

Tiếng gọi của nội làm Hoa giật thót người, đưa Hoa về thực tại. Tiếng khóc ngặt nghẹo của em Bông cũng đã dứt tự lúc nào. Bông đang ngủ say trên tay bà. Hoa “dạ” một tiếng rõ to, lật đật chạy đi lấy cái gối đưa cho nội. Rồi chạy một mạch ra chiếc xe đạp dựng trên vách, với tay lấy bịch khoai bình tinh, vô đưa cho nội:

- Hồi sáng, cô Út Ve Chai kêu con vô, cho mấy củ bình tinh nè, nội!

- Ờ, con ăn đi, để nội qua nhờ cô Ba Khoai Lang trông bé Bông, con tranh thủ cùng với nội đi bán cho hết mớ vé còn lại. Chứ không là “ôm”, mai không có tiền mua thức ăn cho em Bông, tội nghiệp em, con!

Từ ngày chỉ còn ba bà cháu, nội đau ốm suốt. Hoa bỗng trở thành trụ cột chính của gia đình. Trọng trách đó quá nặng với một cô bé vừa tròn tám tuổi. Cũng may nhờ có thêm sự hỗ trợ của các cô bác hàng xóm tốt bụng đùm bọc. Ba bà cháu cũng có cái ăn lây lất qua ngày.

Hoa nhìn ra sân, mưa vẫn còn lắc rắc. Em nói khẽ vào tai nội như sợ em Bông thức giấc:

- Trời vẫn còn mưa, nội chưa hết bệnh nên nội ở nhà trông em Bông đi, con đi vòng ra quán cà phê là bán hết liền!

Bà Tư nhìn gương mặt ngây thơ, đáng yêu như thiên thần của Hoa, rồi nhìn xấp vé số trên tay em. Hai hàng nước mắt lăn dài trên má, bà lẩm bẩm: Giá như bọn lừa đảo đó đừng quá ác tâm, giá như con mình đừng quá tin người, giá như mẹ của bọn trẻ biết yêu thương bọn trẻ hơn một chút thì đâu có cảnh “trời mưa bong bóng phập phồng…”.

T.C

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục