Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xóm Bàu Bắc- địa bàn cư trú lâu đời của người Chăm Tây Ninh
Chủ nhật: 23:25 ngày 06/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đây là xóm có rất đông bà con dân tộc Chăm làm ăn sinh sống. Có thể nói, địa bàn này là nơi định cư đầu tiên cũng như lâu đời nhất của người Chăm Tây Ninh từ hơn hai trăm năm mươi năm qua.

Làng Chăm Bàu Bắc

Bàu Bắc là tên cái xóm cũ thuộc xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, nay là khu vực liên thông giữa hai ấp Tân Trung A và Tân Trung B, nằm ven trục tỉnh lộ 785. Đây là xóm có rất đông bà con dân tộc Chăm làm ăn sinh sống. Có thể nói, địa bàn này là nơi định cư đầu tiên cũng như lâu đời nhất của người Chăm Tây Ninh từ hơn hai trăm năm mươi năm qua.

Xã Tân Hưng thành lập từ năm 1958 trên cơ sở của làng Khedol xưa. Làng Khedol được chính thức thành lập từ năm 1865. Theo “Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ” của Nguyễn Đình Tư, Khedol cùng với bốn làng khác là Cà Nhum, Rùng, Thùng, Ampil đều thuộc Tổng Chơn Bà Đen lập năm 1865. Ngày 6.3.1891, làng Ampil giải thể, nhập vào Cà Nhum. Năm 1930 thuộc quận Thái Bình, năm 1942 thuộc quận Châu Thành, sau năm 1956 thì được gọi là xã.

Ngày 28.3.1957 giải thể các xã Rùng, Thùng, Cà Nhum, tất cả đều nhập vào xã Khedol. Ngày 4.3.1958 thì xã Khedol đổi thành xã Tân Hưng (bấy giờ thuộc tổng Lộc An), sau đó Tân Hưng lại chia làm ba xã là Tân Hưng, Tân Hội và Tân Long, tương đương cả huyện Tân Châu ngày nay. Vậy, trước kia Khedol là một vùng đất vô cùng rộng lớn, qua bao năm tháng, Khedol nay thuộc ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh; còn xóm Bàu Bắc thì thuộc hẳn về xã Tân Hưng, huyện Tân Châu.

Nói về sự trở về của người Chăm từ Chân Lạp, trong lịch sử từ thời Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược phương Nam cho đến thế kỷ XVIII là có đến vài lần. Nhưng lần trở về và định cư lâu dài tại Tây Ninh là do quân đội của Nguyễn Cư Trinh hộ tống vào năm 1755. Sự kiện này có ghi chép trong bộ biên niên sử Việt Nam “Đại Nam Thực Lục” của Quốc sử quán Triều Nguyễn. Cụ thể như sau: “Ất Hợi, năm thứ 17 [1755], mùa xuân, thống suất Thiện Chính đem quân về đồn Mỹ Tho trước, ra lệnh cho người Côn Man ở Kha Khâm đem bộ lạc và xe cộ đến đóng ở Bình Thanh. Đi đến Vô Tà Ơn bị quân Chân Lạp hơn vạn người đuổi theo đánh úp. Người Côn Man thế bí, xếp xe lại làm luỹ để chống giữ và cáo cấp. Thiện Chính bị chằm rừng ngăn trở không ứng cứu được. Cư Trinh tức thì đem năm đội binh đến cứu. Quân Chân Lạp phải rút lui. [Trinh] bèn hộ vệ hơn 5.000 trai gái Côn Man về đóng ở chân núi Bà Đinh, rồi tâu hặc Thiện Chính về tội bỏ lỡ cơ hội và bỏ rơi dân mới quy phụ. Chúa giận triệu Thiện Chính về, giáng xuống làm cai đội” (“Đại Nam thực lục”, quyển X, trang 164, tập 1, NXB Giáo Dục 2006, phiên dịch Nguyễn Ngọc Tỉnh, hiệu đính Đào Duy Anh).

Về con đường mà Nguyễn Cư Trinh rước người Chăm về Tây Ninh thì sách “Địa chí Tây Ninh” có chép: “Lịch sử thế kỷ XVIII cũng ghi nhận một trục giao thông quan trọng khác từ Kà Tum về núi Bà Đen. Đó là đường chuyển quân của Nguyễn Cư Trinh vào năm 1755 với quân số lớn cùng người Côn Man và xe cộ từ Kha Tung (Kà Tum) xuống Vô Tà Ơn rồi đóng đồn ở Bình Thạnh. Bị quân Chân Lạp hơn vạn người đuổi đánh, người Côn Man xếp xe làm luỹ để chống cự. Cư Trinh đem 5 đội quân đến cứu, quân Cao Miên không dám đánh. Cư Trinh bèn đón người Côn Man cả trai lẫn gái hơn ba vạn người đến đóng ở chân núi Bà Đinh (Bà Đen). Theo mô tả trong sách sử, con đường từ Kà Tum về Bà Đen và Tây Ninh chắc phải có kích thước rộng lớn, tuy chưa được như quy mô hiện nay nhưng cũng không nhỏ thua bao nhiêu so với đường tỉnh 785 để có thể di chuyển quân binh và thường dân Côn Man từ 10.000 đến 30.000 người cùng với xe cộ” (sđd, trang 313).

Thực ra, đoạn văn trên các tác giả của sách “Địa chí Tây Ninh” đã nhầm. Làm sao mà Nguyễn Cư Trinh lại đưa người Côn Man “từ Kha Tung (Kà Tum) xuống Vô Tà Ơn rồi đóng đồn ở Bình Thạnh” được? Bởi vì Vô Tà Ơn là một địa danh ở đất Chân Lạp, còn Kà Tum lại là một địa danh của Đại Nam. Trục đường phải từ Kà Tum về núi Bà Đen rồi mới về Bình Thạnh mới là hợp lý. Còn “từ Kha Tung (Kà Tum) xuống Vô Tà Ơn rồi đóng đồn ở Bình Thạnh” là cách đi sai và ngược hướng. Mặt khác của vấn đề là Nguyễn Cư Trinh rước người Chăm sinh sống bên Chân Lạp trở về là ở chỗ nào? Cụ thể là người Chăm ở Tbong Khmum. Địa danh Tbong Khmum được cổ sử nhà Nguyễn phiên ra âm Hán Việt là Kha Khum (hoặc là Kha Khâm), chứ không phải là Kà Tum như một số người nhầm tưởng. Chính vì qua Tbong Khmum (Kha Khâm) đón người Côn Man nên quân Chân Lạp mới chặn đánh ở Vô Tà Ơn (Vô Tà Ân). Mà Vô Tà Ân chính là Wat Tà Âm, nghĩa là chùa Tà Âm, thuộc xã Choam Ta Mau, huyện Memot, tỉnh Tbong Khmum ngày nay.

Một câu hỏi đặt ra là khi Nguyễn Cư Trinh đưa người Chăm về Tây Ninh đóng ở chân núi Bà Đen chính xác là khu vực nào? Và cũng xin nói thêm rằng, các vùng quanh sát chân núi Bà Đen xưa chủ yếu là rừng và cũng là trung tâm của các phum sóc Khmer bản địa sinh sống từ rất lâu đời, nên người Chăm không thể đến ở chung chạ được vì bản sắc tôn giáo tín ngưỡng cho đến nếp sống, sinh hoạt là rất khác nhau. Vì thế, làng người Chăm ở phải vừa có khoảng cách nhất định về mặt địa lý với làng người Khmer vừa phải làm nhiệm vụ “trái độn” để khống chế người Chân Lạp ở bên kia biên giới thường qua quấy nhiễu. Cũng vì lẽ đó mà khu Bàu Bắc xưa kia chính là địa bàn thuận lợi nhất để người Chăm định cư an toàn và đúng ý đồ quân sự nhà Nguyễn Cư Trinh.

Ban đầu là vậy, nhưng tại sao người Chăm lại chuyển chỗ ở ra làng Đông Tác (phường 1, thành phố Tây Ninh ngày nay)? Thứ nhất, là từ khu Tân Hưng ngày nay lên tận biên giới Kà Tum xa xưa rất ít người sinh sống, cho nên việc giao thương, giao lưu về mọi mặt là không thể. Thứ hai, hệ thống giao thông chính trước thời Pháp thuộc ở Tây Ninh chủ yếu là đường sông, những xóm làng sơ khai của người Việt đi lên vùng đất mới này khai hoang lập ấp cũng chủ yếu tập trung ven các sông rạch. Chính vì xu hướng này mà người Chăm mới di dời chỗ ở ra ven rạch Xỉ Khê (rạch Tây Ninh ngày nay), mà cụ thể là khu Thanh Điền rồi khu Bến Trường Đổi sau đó. Thứ ba, là từ rạch Xỉ Khê, người Chăm sẽ rất thuận tiện ra vàm Cái Răng, xuôi dòng Vàm Cỏ Đông để về các miền đất khác của Tây Nam bộ, mà đặc biệt là Châu Đốc - An Giang để kết nối văn hoá cộng đồng Chăm Islam.

Từ sau khi vua Minh Mạng lập phủ Tây Ninh năm 1836 cho đến sau Hoà ước năm Nhâm Tuất 1862 thì khu trung tâm Tây Ninh dân cư ngày càng đông, các làng được thành lập mới ngày càng nhiều, bên cạnh đó là ruộng đất canh tác ngày một thu hẹp, nên người Chăm Đông Tác mới quay trở lại vùng đất cao phía Bắc ngày xưa, đó chính là làng Tạo Tác (khu Bàu Bắc xã Tân Hưng ngày nay) để khai thác rừng và làm ruộng rẫy. Thứ nữa là người Chăm lại rất không ưa người Pháp, mà thành Săng Đá của Pháp lại sát sườn làng Đông Tác, nên phần lớn người Chăm đi tìm chỗ định cư mới cũng là lẽ đương nhiên. Về thái độ của người Chăm đối với Pháp, sách “Tây Ninh Xưa và Nay” của Huỳnh Minh có chép như sau: “Ngày xưa khi Tây Ninh còn dưới quyền cai trị của Nam triều, vốn là phủ Tây Ninh. Sau quân đội Pháp chiếm đóng, đặt guồng máy hành chính tại đây, nhưng đa số không khuất phục. Nhất là người Chàm, tỏ ý chán ghét người Pháp ra mặt. Không phục tùng người Pháp. Nên nhóm người Chàm không chịu đem các sản vật ra chợ bán cho quân giặc, để mua hàng hoá ở chợ đem về dùng. Họ lãnh đạm không muốn giao thiệp gì với người Pháp. Mặc dù người Chàm thuộc nhóm dân thiểu số, nhưng họ có tinh thần đoàn kết, gom nhau ở một xóm. Trên nói dưới nghe. Khi họ truyền nhau bất hợp tác thì ai nấy đều nhất luật tuân theo. Quân đội Pháp thấy thế hạ lịnh cho một tốp lính đi ruồng trong xóm, ra chỉ thị buộc người Việt đem đồ ra chợ bán, rồi mua hàng hoá vào xóm người Chàm mà đổi chác mua bán với nhau. Người Chàm thấy người Việt tổ chức các cuộc đổi chác, mua bán cũng thuận giao tiếp, miễn sao không có người Pháp chen vào thì thôi. Địa điểm nhóm họp giữa người Việt và nhóm người Chàm mang tên là Bến Trường Đổi” (tác giả tự xuất bản - 1972 - sđd trang 81). Sau khi trở lại khu Bàu Bắc, người Chăm bắt đầu tiến lên các khu vực khác của vùng đất Tân Châu - Tân Biên ngày nay để thành lập các làng mới như Bàu Châu É, Suối Dây, Tân Hội, Thạnh Bình… để làm ăn sinh sống.

Trải qua hơn 260 năm kể từ khi Nguyễn Cư Trinh đưa người Chăm về định cư tại Bàu Bắc - Tây Ninh cho đến nay đã có rất nhiều đổi khác. Các làng Chăm sạch đẹp, khang trang và đều có thánh đường riêng để sinh hoạt tôn giáo. Cộng đồng dân tộc Chăm ở Tây Ninh vẫn giữ được bản sắc riêng từ trang phục, ẩm thực, sinh hoạt, lễ hội truyền thống của dân tộc mình; đời sống của người dân ngày càng cải thiện, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Đào Thái Sơn

Tin cùng chuyên mục