BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xóm “cà phê thư giãn”

Cập nhật ngày: 10/05/2010 - 10:32
HTML clipboard

(BTN) - Dọc đoạn đường chưa đầy 1 km từ chợ Cầy Xiêng (xã Đồng Khởi, Châu Thành) trên QL22B ngược lên hướng Tân Biên lâu nay được người qua lại thường xuyên và dân cư ngụ tại đây thường gọi là “xóm cà phê thư giãn”. Các tiếp viên luôn túc trực ngồi trước quán công khai mời khách giữa thanh thiên bạch nhật. Về đêm khu vực này quán nào đèn cũng lờ mờ, các “em” ăn mặc khá “mát mẻ” í ới réo gọi khách một cách lộ liễu khiến người đi đường không khỏi ái ngại…

Một chuyến thâm nhập thực tế

Quyết định thâm nhập vào xóm cà phê “thư giãn”, bộ tứ chúng tôi lên đường bằng hai xe máy. Với phong cách lịch sự, ai cũng mang cặp táp giống như nhân viên tiếp thị, chúng tôi rà xe vào ba quán “không tên” gần khúc quanh cánh đồng ấp Cầy Xiêng. Xe chưa dừng lại đã thấy cùng lúc bốn “em” chạy ra đon đả mời chào: “Vô uống cà phê đi mấy anh”. Chần chừ một lúc, chúng tôi chọn quán phía sau cái miễu thờ và một bụi tre. Bước vào quán, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy quán chỉ có hai bộ bàn ghế nhựa cũ kỷ đặt ở giữa. Sau khi kéo ghế đủ cho “bốn anh” an toạ, hai “em” kéo ghế lại ngồi sát. Bốn ly cà phê đá, một gói thuốc con mèo được mang ra. Nhìn ly cà phê, bình trà đóng bợn màu đen ở quay cầm, chúng tôi cố gắng hớp một ngụm lấy lệ rồi… bỏ mứa. Thấy chúng tôi ngồi thừ ra, một “em” mặc chiếc áo thun đỏ, quần Jean bó sát trễ lưng thủ thỉ “Đi đường xa, mấy anh mệt thì vô trong có võng nằm nghỉ, thoải mái lắm”. Hai người trong nhóm khách cùng đứng dậy theo chân hai “em”. Tôi và người bạn còn lại ngồi tại bàn để quan sát. Giả vờ vào hỏi mượn bạn chiếc quẹt ga đốt thuốc, tôi bước vào trong quan sát nơi hai ông bạn đang “thư giãn” là mái lá thấp lè tè, phía ngoài che bằng tấm bạt ni-lông chỉ cao khỏi đầu, phía sau là vách bồ che chắn phía mí ruộng. Mỗi “buồng” được ngăn đôi bằng tấm mủ khung tre, có mắc hai chiếc võng, một bàn nước. Trở lại bàn, tôi hỏi chị chủ quán tướng tá phốp pháp “Quán có hai buồng, lỡ khách đông chỗ đâu mà nằm?”. Chỉ tay sâu vào phía trong, chủ quán cười nói “ở trỏng còn “ba thiên”, chục người cũng dư sức…”. Hơn mười phút “thư giãn” hai người bạn trong nhóm chúng tôi bước ra tính tiền. Hai “em” tính gọn hơ mỗi anh 135.000 đồng?! Hai bạn trẻ của tôi bấm bụng móc bóp trả tiền. Riêng bàn nước bên ngoài bà chủ cũng “chém” chúng tôi không nương tay “Dạ, bốn ly cà phê đá 48.000 đồng, một gói Mèo 25.000 đồng cả thảy 73.000 đồng”. Thanh toán xong cả nhóm ra xe, hai “em” còn chạy theo nói “chiều về nếu khoẻ, ghé quán em nha, ủng hộ quán nghèo em cảm ơn…”.

Lều lá kín bít, nơi tiếp viên “hành nghề”

Trời chiều tắt nắng, nhóm chúng tôi trở lại Cầy Xiêng. Lúc này có thêm 2 thành viên mới, thành một nhóm 6 người. Chúng tôi chọn quán T.N cũng ở khu vực đồng ruộng, cách quán lúc sáng vài trăm mét. Ba xe mô tô vừa ngừng trước quán, một “em” mặc “đồ bộ” màu tím nhanh chân ra tận cổng đón khách. Quán không đông khách, chỉ có một bàn nhậu gồm hai thanh niên cùng ba phụ nữ. Gã thanh niên lưng trần chạy ra niềm nở: “Mấy đứa hướng dẫn mấy anh chạy luôn ra đàng sau”. Được hai “em” dẫn đường, chúng tôi chạy xe theo. Trên nền sân cao ráo, tám chiếc lều lợp lá hình chữ A dựng cặp theo hàng rào, ba bên phía ngoài là đồng ruộng mênh mông. Cửa vào mỗi lều được chủ quán thiết kế lệch nhau để “bên này không thấy bên kia” và khá nhỏ hẹp chỉ đủ một người khom lưng chui vào. Sau khi chọn lều, bốn người trong nhóm “chui” vô bốn lều, còn tôi và một người bạn cùng chui vô một lều nằm võng hút thuốc. Khoảng hai mươi phút sau, bốn chàng “ngự lâm” bước ra khỏi lều, gọi chúng tôi lên xe ra về.

Chẳng lẽ không còn phương cách nào?

Hôm sau tôi trở lại Cầy Xiêng gặp một người bạn tên T, xưa làm nghề “gõ đầu trẻ”. Đề cập đến chuyện “cà phê kích dục” ở đây, anh T cho biết: “Nhiều năm rồi, tệ nạn này vẫn không thể nào dẹp nổi, chính quyền địa phương nhiều lần phối hợp với công an triệt xoá, nhưng sau đó thực trạng cũ lại tái diễn. Bởi lẽ khó mà có bằng chứng để buộc tội các tiếp viên quán cà phê “kiêm” nghề kích dục. Khi nghe “hơi” công an kiểm tra thì đâu vào đấy, tiếp viên ngồi tiếp chuyện với khách bình thường. Quán nào cũng vậy, luôn có đội ngũ cảnh báo ngồi phía trước canh chừng. Buồn cho nơi mình sinh sống, có truyền thống tốt đẹp lâu đời mà tệ nạn này không thể giải quyết dứt điểm, gây tai tiếng, bất bình dư luận”.

Một cựu chiến binh bức xúc: “Trong ấp này gần mười quán cà phê kích dục hoạt động ì xèo, công khai, ai cũng biết. Thế nhưng không hiểu sao lại cứ tồn tại mãi như thách thức dư luận. Theo tôi nếu có cấp huyện kết hợp chặt với chính quyền địa phương quyết tâm triệt xoá thì chắc cũng không khó lắm. Chỉ cần thường xuyên sinh hoạt các chủ quán thực hiện đúng nghĩa kinh doanh lành mạnh. Chủ quán phải làm cam kết, quán nào có biểu hiện “kích dục” là rút phép kinh doanh. Hoặc chủ cho thuê đất dựng quán phải cắt hợp đồng cho thuê. Đồng thời phải tích cực “kiểm tra đột xuất” vừa để ngăn ngừa tệ nạn, vừa để khách “ham vui” ngán ngẩm không bén mãng đến quán là các chủ quán tự động dẹp tiệm như ở phường 4, Thị xã trước đây…”.

HUY LÂM


 
Liên kết hữu ích