BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xóm dân cư triền miên khát nước

Cập nhật ngày: 02/03/2010 - 03:18

Nước kênh rạch được lóng phèn để tắm, giặt

30 hộ dân sống ven đường 786 từ cầu kênh 1 ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành đến chân cầu Gò Chai đã nhiều năm nay sống trong tình trạng thiếu nước sạch. Người dân nơi đây phải tắm giặt trên dòng kênh sặc mùi ô nhiễm bởi xác mì, phân gà vịt. Cuộc sống hằng ngày của họ ngoài chuyện bươn chải lo kiếm miếng cơm manh áo còn bị đè nặng bởi mối lo về nguồn nước sinh hoạt hằng ngày. Sống ở khu vực này, từng giọt nước sạch đối với họ quý giá biết bao!

Tuổi thơ của chị Lý Thị Hồng Nhung, 24 tuổi, sống gần cầu Gò Chai là những tháng ngày bươn bả chèo ghe vượt sông Vàm Cỏ Đông, qua tận xã Long Vĩnh xin nước về xài. Để có nước sạch cho gia đình sử dụng phải là cả một kỳ công. Vì vậy, nhà chị Nhung chỉ dám dùng nước sạch để nấu cơm và uống, còn tất cả phải sử dụng nước sông, rạch.

Đến khi Nhà nước xây dựng cầu Gò Chai và đường 786 thì chuyện đi lấy nước có dễ dàng hơn trước một chút nhưng vẫn còn rất vất vả. Bây giờ chị Nhung đã có gia đình riêng và chuyện đi lấy nước sạch từ nơi khác về sử dụng vẫn là một điệp khúc không thể quên. Mỗi ngày 3 bận, chị rời nhà với một chiếc can màu trắng 20 lít cột chặt đằng sau xe, một chiếc ràng đằng trước. Cứ thế, ngày này qua ngày khác.

Khổ nhất có thể nói đến gia đình chị Lý Thị Lan. Nhà có 8 người chen chúc nhau trong căn nhà sàn chưa đầy 15m2. Căn nhà xập xệ nửa doi ra kênh, nửa nằm trên hành lang đường 786. Khi chúng tôi đến thăm, hai thùng nước của chị (mỗi thùng 10 lít) đã cạn. Trên chiếc ghế gỗ chất hai bình nước lọc, một bình đã hết, một bình cũng vừa cạn. Chị Lan cho biết, dù nhà nghèo nhưng chị vẫn phải “xài sang”: dùng nước lọc với giá 10.000 đồng/bình. Cứ trung bình 3 ngày là hết một bình. Cả nhà ai cũng phải tiết kiệm nước tối đa. Sàn nước nhà chị chênh vênh giữa dòng kênh, một chiếc bồn bằng nhựa đặt ngang lối đi. Bên trong bồn, nước màu xanh xám- như màu nước của dòng kênh đang chảy phía dưới. ở đáy bồn toàn là lăng quăng, rêu, đất. Vậy mà nhiều năm nay, gia đình chị Lan phải sử dụng nước trong bồn đó để tắm giặt. Chị Lan cho biết, nước trong bồn được lấy từ dưới kênh lên, để lóng phèn qua một đêm là dùng. Như vậy đã quen rồi.

Theo lời ông Trương Thanh Bình, trưởng ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền: Bà con ở khu vực cánh đồng từ cầu kênh 1 đến chân cầu Gò Chai không có nước sạch sử dụng từ trước năm 1975. Trước đây, một số người cất chòi để canh lúa, một số khác cũng sống định cư ở đó nhưng vì điều kiện sống quá khó khăn nên cuối cùng nhiều người đã phải bỏ đi. Hiện tại, khu vực này chỉ còn khoảng 30 hộ với trên 150 người còn ở lại, hằng ngày vẫn phải vật lộn với chuyện nước nôi.

Xin nước của chủ cây xăng

Đất khu vực này bị nhiễm phèn nặng, khoan giếng sâu 20m vẫn có phèn. Đa phần dân sống ở đây là dân nghèo nên chuyện đầu tư để có một cái giếng đã là khó, nói chi đến chuyện lọc nước sinh hoạt. Chuyện thiếu nước sạch đã trở thành chuyện bình thường đối với họ.

Ấp Thanh Trung đã có một trạm cấp nước sạch. Tuy nhiên, trạm nằm ở trung tâm ấp, cách xa khu vực “khát nước” đến gần 2 km nên chuyện dùng được nguồn nước của trạm cũng không đơn giản.

Rất may là từ năm 2000, có người- là bà Bùi Thị Hải đến khu vực trên lập một cây xăng giữa cánh đồng, ngay trung tâm khu “khát nước”. Bà cho xây dựng hệ thống lọc nước và bơm miễn phí cho bà con xung quanh dùng. Tuy nhiên, nhờ vả mãi, bà con cũng rất ngại. Chính vì vậy, bà con rất giới hạn việc xin nước, chỉ với những khoản sinh hoạt tối cần như: ăn, uống hằng ngày mới tìm đến vòi nước nhà bà Hải. Còn tắm giặt, rửa rau thì vẫn phải sử dụng nước kênh. Đó là điều kiện thuận lợi cho những nguy cơ về bệnh tật: bệnh đường ruột, bệnh ngoài da... Bởi dòng nước Vàm Cỏ Đông “nước xanh biêng biếc” đã lùi vào dĩ vãng, thay vào đó là dòng nước màu xám xịt, chuyên chở những mầm bệnh từ… xác mì, phân gà vịt.

Chúng tôi có gặp bà Hải, bà chủ cây xăng tốt bụng để hỏi thăm bà bảo: “Tui làm từ thiện đừng lên báo đài làm gì, mang tiếng lắm! Nhưng những người ở khu vực này khổ lắm, viết về họ đi!”.

Còn những hộ dân ở khu vực “khát nước” thì nói rằng những năm qua, họ chưa một lần đi họp hay tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri nên không biết phản ánh tình hình và đề đạt nguyện vọng của mình với ai, như thế nào!

THANH PHƯƠNG