BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xóm Đầu Cầu

Cập nhật ngày: 12/02/2014 - 09:45

Không có ruộng đất sản xuất, nhiều lao động ở xóm Đầu Cầu đi làm thuê vác mướn.

(trong ảnh một người dân ở tổ dân cư tự quản số 2 ấp Chánh đang vác muối mướn ở bến ghe gần cầu Gò Dầu)

Ở ấp Chánh, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu có một xóm ven sông Vàm Cỏ Đông và gần cầu Gò Dầu, nên được gọi xóm Đầu Cầu. Xóm có 68 hộ dân và chia thành hai tổ dân cư tự quản. Đa số hộ dân ở đây là từ các nơi khác mới đến sinh sống từ sau ngày miền Nam giải phóng.

Sống ở vùng ruộng đồng sông nước, nhưng hầu hết bà con lại không có ruộng đất sản xuất và cũng không có nghề nghiệp ổn định, nên hiện nay xóm này vẫn còn nhiều hộ nghèo. Chỉ cách thị trấn Gò Dầu bề ngang con sông Vàm Cỏ Đông, rộng khoảng 100 mét, nhưng lại cách xa trung tâm xã trên 3km, nên việc quan hệ với chính quyền, việc học hành của con em ở xóm Đầu Cầu cũng gặp không ít khó khăn. Ở đây còn có nghịch lý nữa là thừa nước sông rạch, nhưng lại thiếu nước uống.

Gần chợ, nhưng xa chính quyền, xa trường học 

Xóm Đầu Cầu rất gần chợ, ngó qua bên kia sông là thấy chợ Gò Dầu. Những người có tàu ghe, vừa nổ máy là đã đến chợ. Còn đi vòng qua cầu Gò Dầu thì vừa hết chiều dài cây cầu là đã đến chợ Gò Dầu. Nhưng xóm nằm biệt lập cách xa khu trung tâm ấp Chánh và xã An Thạnh đến trên 3km. Đi chợ thì dễ, nhưng quan hệ với ấp, với xã, hay cho con em đi học thì bà con ở đây gặp rất nhiều khó khăn.

Có thể nói ở đây “gần chợ, nhưng xa chính quyền, xa trường học”- Ông Trần Hiệp Hoà (sinh năm 1952) ngụ tổ dân cư tự quản (DCTQ) số 1, ấp Chánh mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế. Ông Hoà cho biết, gia đình ông là một trong hai hộ dân sống ở xóm Đầu Cầu này từ trước ngày miền Nam giải phóng. Trước kia đây là vùng đất hoang hoá. Cha ông Hoà đến khai hoang vỡ hoá lập nghiệp.

Nhờ sống lâu năm nhất ở đây và được cha mẹ chia cho, nên hiện nay ông Hoà còn được 30 cao ruộng vừa trồng sen, vừa trồng rau muống. Để đảm bảo cuộc sống gia đình, ông Hoà phải mướn thêm 1 mẫu ruộng sản xuất lúa. Gia đình ông Hoà là một trong số ít hộ ở xóm Đầu Cầu này thuộc diện có ruộng đất sản xuất. Còn lại hầu hết bà con ở đây, mà nhất là khu vực tổ DCTQ số 2 (gần chân cầu) không có miếng ruộng nào hết, ngoài cái nền nhà.

Những năm đầu nước nhà mới được giải phóng, có một hộ dân đến đây đầu tư xây dựng một cái lò đường thủ công. Một số người từ các nơi khác đến làm công nhân lò đường, sau đó mua đất cất nhà định cư. Lúc ấy, xóm Đầu Cầu được gọi là xóm Lò Đường. Lò đường tồn tại chỉ vài năm rồi ngưng hoạt động, địa danh xóm Lò Đường từ đó cũng không còn được nhắc đến nữa, mà được gọi lại là xóm Đầu Cầu.

Những năm sau này, nhiều người từ nơi khác cũng đến đây sinh sống, nên xóm ngày càng đông dân. Do hầu hết là hộ nghèo phải làm thuê làm mướn đủ việc để kiếm sống, mà trường học của địa phương lại quá xa, đường đi khó khăn, nên phần lớn trẻ em ở xóm này được cha mẹ cho đi học vừa biết đọc biết viết là phải nghỉ học. Có nhiều em học khá giỏi nhưng vẫn bị cha mẹ cho nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không có điều kiện đưa đón con.

Vài năm trước có trường hợp em N. V. T con của ông N.V.Đ học rất giỏi, nhưng học chưa xong bậc tiểu học, gia đình em bắt nghỉ học. Giáo viên cùng với tổ trưởng tổ DCTQ đến nhà động viên phụ huynh cho con  đi học lại, thì phụ huynh nói: “Đèn nhà ai, nhà đó sáng. Gia đạo nhà ai, nhà đó rõ, đừng ép buộc con tôi phải đi học nữa”. Và tất nhiên em T phải nghỉ học đi làm thuê làm mướn, bắt cá, hái rau... kiếm sống như cha mẹ mình.

Xóm “Nước Đen”  

Ông Nguyễn Văn Mẫn (sinh năm 1954), tổ trưởng Tổ DCTQ số 2 cho biết, người dân ở đây còn gọi xóm Đầu Cầu là xóm “Nước Đen”, vì ở đây thiếu nguồn nước sạch để dùng. Còn nước dưới sông, rạch thì ngày càng ô nhiễm. Ngoài ra gọi  xóm “Nước Đen” còn có nghĩa nữa là cuộc sống của bà con ở đây quá khó khăn, không mấy sáng sủa.

Ông Mẫn cho biết thêm, quê ông ở huyện Hoà Thành. Năm 1982 một mình ông rời quê đến xóm Đầu Cầu mua miếng đất vừa cất đủ căn nhà tạm để ở. Hằng ngày ông đi qua Campuchia bán vé số. Năm 1985, ông lập gia đình. Có vợ con ông vẫn tiếp tục đi bán vé số cho đến nay. Trước đây gia đình ông cũng thuộc diện hộ nghèo trung ương. Những năm gần đây, con trai lớn ông đi làm công nhân ở khu công nghiệp, nên gia đình ông không còn được xếp diện hộ nghèo nữa.

Kế cận nhà ông Mẫn là gia đình của dì cháu bà Võ Thị Dậm 78 tuổi. Bà Dậm thuộc diện nghèo neo đơn, sống với hai đứa cháu gọi bà bằng dì. Ngoài diện tich đất cất đủ căn nhà tạm, bà cháu bà Dậm không có tấc đất nào sản xuất. Hai cháu của bà làm thuê làm mướn đủ việc để nuôi thân và nuôi bà.

Chung vách với gia đình bà Dậm là gia đình ông Trương Văn Hương (66 tuổi) thuộc diện nghèo “cha truyền con nối”. Các con ông hằng ngày đến bến ghe gần cầu Gò Dầu vác muối mướn kiếm sống. Không chỉ riêng các con ông Hương đi vác muối mướn, mà ở tổ DCTQ số 2 còn có một số người khác cũng đi vác muối mướn. Công việc vác muối thì ít, mà người vác thì nhiều, nên anh em phải chia nhau mà kiếm sống. Mỗi ngày tiền công vác muối của mỗi người ở đây khoảng từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng/ngày. Nhưng không phải ngày nào cũng có việc làm.

Mỗi tháng mỗi người làm được từ 10 ngày đến 12 ngày mà thôi. Thời gian còn lại đa số  thất nghiệp… Xóm đã nghèo, nhiều người thiếu công ăn việc làm, đã vậy mà đến nguồn nước sạch cũng thiếu. Do đặc điểm địa hình, mạch nước ngầm ở khu vực này nhiễm phèn nặng. Nước giếng khoan uống không được, chỉ để tắm giặt thôi. Để có nước uống, bà con xóm “Nước Đen” phải mua nước giếng khoan của những người từ bên thị trấn Gò Dầu mang sang bán, với giá 2.000 đồng/can (mỗi can 20 lít).

Một hộ dân ở tổ dân cư tự quản số 1 ấp Chánh bị ngập nước trong mùa lũ.

Cần có giải pháp xoá hộ nghèo bền vững

Ông Lữ Văn Thảo, Trưởng ấp Chánh cho biết, toàn ấp có 940 hộ dân, được chia thành  24 tổ DCTQ. Trong đó xóm Đầu Cầu có hai tổ là tổ 1 và tổ 2. Tổ 1 có 33 hộ. Trong đó có 20 hộ ở cách khá xa đầu cầu Gò Dầu và nằm giữa vùng ruộng đồng sông nước, không có đường bộ đi đến được. Phương tiện giao thông của các hộ dân ở đây chỉ bằng ghe xuồng.

Vào mùa nước lũ các hộ dân ở tổ 1 thường bị ngập nước, việc đi lại sinh hoạt hằng ngày càng khó khăn hơn. Ở tổ này có một số hộ có ruộng sản xuất lúa. Ngoài làm ruộng ra các hộ dân  ở đây đánh bắt cá. Còn tổ 2 có 35 hộ. Hầu hết các hộ dân ở tổ này đều không có ruộng đất, quanh năm sống bằng nghề làm thuê, làm mướn, có người đi bán vé số, nhìn chung cuộc sống bấp bênh.

Những năm qua, các cấp lãnh đạo cũng đã quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ cho bà con ở đây phát triển kinh tế gia đình. Một số ít lao động trẻ ở đây đi làm công nhân. Từ đó số hộ nghèo cũng đã giảm được phần nào. Tuy nhiên, số hộ nghèo diện trung ương ở xóm Đầu Cầu hiện nay vẫn còn đến 15 hộ, chiếm tỷ lệ trên 22% (toàn ấp có 50/940 hộ nghèo trung ương, chiếm tỷ lệ trên 5,3% so với số hộ trong ấp).

Qua trao đổi với ông Trưởng ấp Chánh cũng như một số hộ dân ở đây, chúng tôi được biết, hiện nay xóm Đầu Cầu còn những khó khăn lớn như: Hầu hết hộ dân không có ruộng đất sản xuất, không có nghề nghiệp ổn định, một bộ phận trình độ học vấn thấp khó xin được việc làm, kể cả làm công nhân ở các khu, cụm công nghiệp.

Đa số người dân thiếu nước sạch để dùng. Đáng lưu ý là điều kiện học hành của trẻ em gặp nhiều khó khăn. Do quy định của ngành giáo dục, dù ở rất gần thị trấn Gò Dầu, nhưng rất ít trẻ em ở xóm Đầu Cầu được sang học trong các trường ở thị trấn này. Muốn đi học, các em phải đến trường của địa phương mình mà học. Mà từ xóm Đầu Cầu đến các trường tiểu học, trung học cơ sở xã An Thạnh xa từ 3km đến 4km.

Có những hộ dân ở tổ DCTQ số 1 còn phải qua sông, qua rạch nữa. Nhà nghèo, lo chạy ăn từng bữa thời gian đâu cha mẹ đưa đón con đi học suốt được. Một số cha mẹ cố gắng lo cho đi học vài năm đầu bậc tiểu học rồi nghỉ, như trường hợp em N. V. T. con của ông N.V.Đ, nêu ở phần đầu không phải là cá biệt. Không được học hành đến nơi đến chốn, không có nghề nghiệp ổn định, các em lại đi theo con đường của cha mẹ mình là... làm thuê, làm mướn kiếm sống.

Theo chúng tôi, để giảm nghèo và đi đến xoá nghèo một cách bền vững, lâu dài cho người dân xóm Đầu Cầu, trước hết các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng cần tạo điều kiện, khuyến khích động viên, giúp đỡ cho tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học ở xóm này được sang thị trấn Gò Dầu học tập ở các trường từ mẫu giáo cho đến trung học phổ thông.

Nước sạch, vệ sinh môi trường cũng là nỗi bức xúc của bà con xóm Đầu Cầu, bà con đang mong có trạm cấp nước sạch tập trung. Các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về vốn, phát triển thêm ngành nghề địa phương, nhất là những ngành nghề cần lao động phổ thông để tạo thêm công ăn việc làm ổn định cho người lao động ở khu vực này.

 N.H