BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xóm Lò Rèn - thời hoàng kim đã xa

Cập nhật ngày: 09/02/2010 - 01:52

Ô Lò Rèn, thường gọi xóm Lò Rèn, thuộc địa bàn ấp Lộc Trát, xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng. Gọi là xóm Lò Rèn vì nơi đây có nghề rèn truyền thống, tồn tại đã gần 100 năm nay. Vào xóm Lò Rèn những ngày này, lúc nào cũng nghe tiếng đe búa chan chát tới tận đêm. Đang vào “mùa vụ làm ăn”, các lò rèn đều khẩn trương, để kịp giao hàng cho vựa trước khi nghỉ Tết.

Các lò rèn ở đây thường mua sắt thép, than củi, than đá từ một chủ vựa. Thành phẩm sau khi ra lò được bán lại cho chủ vựa đó. Chỉ một số ít thợ rèn tự lo khâu tiêu thụ. Xóm Lò Rèn có 3 vựa đang hoạt động. Bà Lê Thị Ninh, một chủ vựa cho biết, mối tiêu thụ sản phẩm của vựa chủ yếu là ở Thị xã, chợ Long Hoa, Chợ Lớn (TP.HCM), Bình Dương và cả miền Tây. Thỉnh thoảng, cũng có mối từ Campuchia.

So với các năm trước cùng thời điểm, sức tiêu thụ nay đã giảm phần nào, do sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc với mẫu mã vừa đẹp, vừa rẻ, dù xài không bền như hàng thủ công của xóm Lò Rèn. Tuy vậy, hiện đang là thời điểm bán được nhất so với các thời điểm khác trong năm, nên các lò rèn đều đỏ lửa, có lò làm tới gần sáng.

 Ông Nguyễn Văn Rộng, 52 tuổi, cho biết: vào mùa cao điểm, ông làm đến 2 giờ sáng mới nghỉ. Vợ ông cũng thức làm thợ phụ giúp ông. Con cái trong nhà không ai theo nghề rèn “gia truyền”, nên vợ chồng ông phải cáng đáng hết mọi việc. Mỗi ngày vợ chồng ông làm được trên dưới 20 lưỡi dao. Quá trưa, nắng như đổ lửa xuống nóc lò lợp bằng tôn. Mồ hôi ròng ròng nhưng vợ chồng ông Rộng vẫn miệt mài tay quai tay búa. Nếu giữ được “tốc độ” này, ông có thu nhập (sau khi đã trừ chi phí, vốn bỏ ra) khoảng trên 2 triệu đồng/tháng.

Lò rèn cuốc của gia đình anh Nguyễn Vũ Thuận

Tại lò rèn cuốc của gia đình anh Nguyễn Vũ Thuận không khí cũng đang khẩn trương, nhộn nhịp. Anh mướn thêm một thợ phụ quai búa lớn đập sắt. Anh làm thợ chính, sử dụng búa nhỏ chỉnh hình sản phẩm. Mẹ anh thổi lửa, nung sắt, vợ anh đảm trách khâu còn lại: mài cuốc. Nhà chị gái của anh Thuận cách đó không xa cũng đang làm những công việc tương tự. Cũng nhờ đang thời điểm nhu cầu sử dụng nông cụ để trồng hoa màu vụ xuân hè tăng lên nên lò rèn của gia đình anh Thuận “làm ăn được”.

Lò rèn của nhà ông Nguyễn Văn Bổn cũng đỏ lửa từ sáng đến tối, dù chỉ có mình ông “ôm sô” hết tất cả các công đoạn, vì cũng như ở gia đình ông Rộng, con cái ông Bổn không ai chịu theo nghiệp làm rèn của cha. Lò của ông Bổn chuyên làm dao. Ông cho biết, nghề rèn trước kia phải có ít nhất 2 người mới làm nổi, vì nghề này rất cực nhọc. Thế nhưng bây giờ, nhiều lò chỉ còn có một người mà vẫn phải ráng làm. Vì đang là mùa cao điểm, các lò tích cực làm để có tiền mà ăn Tết. Chỉ những người lớn tuổi đã già yếu không còn cầm búa được nữa mới nghỉ (ông Bổn nay cũng đã ngoài 60).

Hiện xóm Lò Rèn có khoảng gần 40 lò rèn đang hoạt động. Mỗi lò chuyên làm một sản phẩm nhất định như dao, cuốc, cày, rựa…

Một điều dễ thấy là ở các lò rèn bây giờ ít thấy bóng dáng thanh niên. Một cô gái trẻ tên T lắc đầu quầy quậy: “Con gái làm nghề rèn sẽ xấu đi nhanh lắm. Lúc nào cũng tiếp xúc với lửa than sẽ bị hư da mặt. Tay chân sẽ mang đầy thẹo, trầy xướt tùm lum. Cha mẹ em kêu em đi học nghề khác để đỡ cực hơn làm rèn”.

Ngay với cánh thanh niên, nghề rèn cũng là một nghề quá vất vả. Người thợ phải dùng búa quai đập cật lực trong một bầu không khí nóng bức nên mất sức rất nhanh. Thế nhưng, thu nhập từ cái nghề lao lực này thậm chí không cạnh tranh nổi với thu nhập của công nhân xí nghiệp. Nếu làm miệt mài từ sáng tới khuya, may ra mỗi tháng mới có từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Hiện giá than, giá sắt đều tăng, nhưng giá bán thành phẩm lại không dám tăng, vì sẽ không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc. Thêm vào đó, đầu ra của sản phẩm khá phập phù. Lúc vào vụ thì không đủ hàng để bán, có lúc lại tồn kho cả một thời gian dài.

Thế nên, chuyện thanh niên xóm Lò Rèn chẳng mấy ai mặn mà với nghề rèn cũng dễ hiểu. Nếu không đi học lên cao đẳng, đại học thì cánh trẻ cũng đi học nghề hoặc vào làm trong các khu công nghiệp. Đó là con đường an toàn hơn so với cái nghề rèn “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mà thu nhập lại không đảm bảo. Ông Bổn có 6 người con, không một ai theo nghề của gia đình: một số đang theo học đại học, một số đã đi làm nghề khác.

Anh em ông Rộng cũng đã giải nghệ gần hết. (Trước đó, cả 7 anh em ông đều là chủ lò rèn, nay nhiều người xoay qua buôn bán, làm vườn).

Theo một số người lớn tuổi, sau giải phóng năm 1975, xóm Lò Rèn có hơn 100 lò hoạt động nhộn nhịp, đông vui. Đó là thời hoàng kim của xóm, “thương hiệu” Lò Rèn đi khắp các tỉnh phía Nam. Nhưng thời đó, giờ chỉ còn trong ký ức.

Một số bậc trung niên và cao niên của xóm Lò Rèn vẫn đang cố gắng giữ nghề truyền thống và truyền những tinh hoa của nghề cho người “kế nhiệm”, ngay cả thợ phụ được thuê làm cũng được tận tình chỉ bảo. Một bậc cao niên nói với chúng tôi rằng, ngày nào mà xóm Lò Rèn thưa tiếng búa chan chát, ông thấy buồn lắm. Tuy nhiên, các cháu ông đều nhất quyết không theo cái nghề vừa cực, vừa… nghèo. Giờ chỉ còn người con trai lớn của ông theo nghề của cha. Sau này anh “gác búa”, ắt cái nghề rèn truyền thống mà gia đình anh đã theo đuổi từ 60 năm qua cũng coi như “bế mạc”.

Hồng Minh