BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xã Truông Mít, Dương Minh Châu:

Xóm Mồ Côi sẽ không còn “khát” điện

Cập nhật ngày: 20/05/2015 - 03:48

 

Vì không có điện chạy mô- tơ, nên tất cả nông dân ở xóm Giữa phải mua máy xăng về bơm nươc tưới nhãn.

Trước đây, ở xóm này có khoảng 30 hộ, nhưng hiện nay chỉ còn 16 hộ. Sở dĩ có tình trạng này vì đa số bà con chờ điện hoài không được nên đã chuyển nhà về gần xã, hoặc đi nơi khác. Những ai không nỡ rời xa nơi “chôn nhau cắt rốn” thì tiếp tục chờ, hoặc chấp nhận bỏ ra một khoản tiền lớn để có điện.

Cụ thể, cách đây khoảng 4 năm đã có 9 trong 16 hộ còn “trụ” lại phải bỏ hơn 6,5 triệu đồng mới có điện “yếu” để dùng. Đó là chỉ mới tính tiền hùn để kéo đường dây từ lộ 784 về xóm, còn cần phải đầu tư thêm khoảng 2 triệu đồng nữa điện mới vào tới nhà. Những hộ không có tiền đành phải thắp sáng bằng cách đốt đèn dầu hoặc bình ắc quy.

Sau khi bỏ hơn 8 triệu đồng để có điện, lúc đầu ai cũng mừng, nhưng xài lâu ai cũng “sợ”. Bởi điện thì quá yếu mà tiền điện thì lại quá cao. Lúc đầu chỉ có 7 hộ sử dụng đường dây này, điện cũng đã yếu rồi, vì tình làng nghĩa xóm nên sau đó có thêm 2 hộ nữa tham gia, điện lại càng yếu hơn. Vì vậy nên vài năm sau, có thêm một số hộ khác đủ điều kiện hùn tiền, nhưng không câu điện được. Từ đó ở đây xảy ra cảnh nhà này bơm nước thì nhà kia khỏi nấu cơm, khỏi mở quạt.

Ông Cao Văn Vũ- một nông dân có nhà ở ngoài xã nhưng làm ruộng trong xóm này tâm sự: “Muốn tưới cái gì cũng phải bơm bằng máy xăng, máy dầu, thật bất tiện và tốn kém. Nếu có đường điện quốc gia kéo vào đây thì đỡ biết mấy”.

Theo ông Nguyễn Văn Châu- một trong 9 hộ dân đang sử dụng điện trong xóm, điện yếu, lúc sử dụng được lúc không, nhưng hao hụt thì quá cao. Cuối tháng mỗi nhà phải trả gần 3 nghìn đồng một ký điện. Trước đây có tháng còn phải trả đến 4 - 5 nghìn đồng một ký, đây là bức xúc chung của những hộ đang sử dụng điện tại xóm này.

Ông Nguyễn Văn Phép- người đứng ra vận động hùn tiền kéo điện trình bày: “Tôi cũng quá mệt mỏi với chuyện điện đóm. Bốn năm trước tôi đứng ra “rủ” được 7 hộ hùn tiền kéo điện về xài, sau đó có cho thêm 2 hộ nữa vào.

Tôi được bầu làm tổ trưởng, hằng tháng có nhiệm vụ đi thu tiền điện để đóng cho điện lực. Nhưng do đường điện khá xa, dây điện lâu ngày cũ kỹ, có thể bị rò rỉ nên lượng điện bị hao hụt khá lớn, người sử dụng phải chịu cả khoản này nên tiền điện cao”. Qua thăm dò ý kiến của các hộ, chúng tôi được biết tất cả họ đều đồng tình giao đường điện này lại cho Điện lực tiếp quản.

Một hộ dân ở xóm Giữa phải sử dụng bình ắc quy để thắp sáng.

Ông Trần Huỳnh Thanh- Chủ tịch UBND xã Truông Mít cho biết, trong những lần tiếp xúc cử tri, bà con xóm Giữa có yêu cầu được sử dụng điện lưới quốc gia để cải thiện đời sống. Thật ra trước đây, khi có chủ trương điện khí hoá nông thôn, phía Điện lực có đề nghị địa phương giao đường điện này (không hoàn vốn), nhưng ông Phép không chịu. Một thời gian sau ông Phép mới đại diện cho 8 hộ dân còn lại đồng ý bàn giao. UBND xã đã có tờ trình và Điện lực huyện Dương Minh Châu tiến hành khảo sát. Hiện nay, các bên đang tiến hành giải quyết vấn đề này. 

Ông Lê Hồng Thu- Trưởng phòng tổng hợp Điện lực huyện Dương Minh Châu cho biết: “Nếu muốn kéo điện quốc gia vào xóm Giữa thì Điện lực phải tiếp quản đường dây điện tư nhân hiện có, sau đó đầu tư đường dây mới hoàn toàn.

Chúng tôi sẽ báo phòng chức năng khảo sát kỹ lại một lần nữa, nếu đúng theo quy định của ngành thì sẽ đầu tư thực hiện. Nhưng nếu dân cư xóm Giữa sống không tập trung, đầu tư không hiệu quả thì sẽ chỉ cải tạo lại đường điện hiện có để nâng cao chất lượng điện mà thôi”.

Ông Thu cũng cho hay, trong tháng 5 này Điện lực Dương Minh Châu sẽ tiếp quản đường điện vào xóm Giữa, trong quý 3 năm nay sẽ cho cải tạo đường dây cũ, khắc phục những chỗ lắp đặt không đúng kỹ thuật, lắp mới đồng hồ điện cho từng nhà… tạm thời giải quyết vấn đề điện yếu cũng như điện hao hụt. Năm 2016, Điện lực Dương Minh Châu sẽ cho thay mới hoàn toàn đường điện này. Nhà bà con nào chưa có điện đều có thể xin được sử dụng lưới điện quốc gia.

Vậy là tin vui đã đến với xóm Mồ Côi, hy vọng lần này bà con nơi đây không còn “khát” điện nữa.

Quốc Sơn - Đại Dương