BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xóm nhà tường ở Hiệp Phước

Cập nhật ngày: 26/12/2010 - 11:35

“Xóm nhà tường” là tên thường gọi của một cụm dân cư thuộc tổ 4 và tổ 5, ấp Hiệp Phước, xã Hoà Thạnh (huyện Châu Thành). Xóm được hình thành từ năm 2004 đến nay, chính là khu định cư dành cho những hộ sinh sống ven sông Vàm Cỏ Đông và những hộ gặp khó khăn về nhà ở. Tất cả giống nhau ở chỗ: nghèo, cảnh sống bấp bênh.

Nhưng đó là chuyện đã qua. Nay, 90% hộ dân ở đây đều đã được xây tặng nhà đại đoàn kết, không còn phải sống trong những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ như trước kia. Đến thăm “xóm nhà tường” bây giờ, người ta dễ dàng nhận ra cuộc sống của người dân nơi đây đã nhiều đổi thay. Hai bên đường là những căn nhà tường san sát nhau. Có những căn chưa kịp tô xi măng nhưng cũng có những căn đã rất khang trang, đẹp đẽ.

Buổi đầu thành lập, đa số các hộ ở khu định cư nói trên đều thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương hoặc nghèo liền kề. Bên cạnh đó, còn có các thầy cô giáo từ địa phương khác đến công tác nhưng chưa có nhà ở. Từ khi có nơi ở ổn định, các hộ dân trong xóm yên tâm chăm chỉ làm ăn, từng bước vươn lên. Hiện trong số 60 hộ của “xóm nhà tường” đã có nhiều hộ thoát nghèo.

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Đại, 50 tuổi, chúng tôi thấy ông đang tỉ mẩn chăm chút đám hoa kiểng trước sân nhà, chuẩn bị cho chúng kịp ra hoa đúng Tết. Ông không ngại kể những ngày tháng vất vả trước kia: “Quê tôi ở Yên Bái. Năm 2000, gia đình vào Tây Ninh sinh sống. Chúng tôi cất một căn nhà lá lụp xụp trên bờ kênh Sóc So (thuộc ấp Hiệp Phước), hằng ngày kiếm sống bằng nghề chài lưới và nuôi cá trong ao. Hằng năm, cứ vào mùa lũ là nước ngập nhà lênh láng”. Cảm thông cuộc sống khó khăn của gia đình ông Đại, năm 2005, chính quyền địa phương đã đưa gia đình ông vào khu định cư sinh sống và xây tặng căn nhà đại đoàn kết. Đỡ mối lo về nhà ở, gia đình ông Đại tập trung sức lo làm ăn. Vợ chồng ông thuê đất trồng hoa màu, 3 người con trai đi làm thợ hồ. Chỉ 4 năm sau, từ một hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương, hộ nhà ông Đại đã thoát nghèo. “Bây giờ không phải lo nghĩ gì nữa về chỗ ở. Mặc dù hiện tại, cuộc sống cũng còn khó khăn, nhưng tôi tin, từ cái đà này gia đình tôi sẽ ngày càng ổn định hơn”, ông Đại tự tin nói.

Trẻ em khu dân cư Hiệp Phước tập nghi thức đội

Hộ bà Phạm Thị Bé Ba, 49 tuổi, cũng là trường hợp thoát nghèo tương tự. Chúng tôi đến thăm nhà bà vào một ngày gần cuối năm. Bà đang tất bật lau dọn lại bàn thờ gia tiên. Niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt và qua câu chuyện của bà. Mới 3 năm trước đây, có nằm mơ bà cũng không thể nào ngờ được, từ cảnh ngộ cả gia đình sống chen chúc trong căn nhà tạm bợ ở mé sông, bây giờ bà có được căn nhà tươm tất, đàng hoàng trong cụm dân cư. 3 người con lớn của bà đều đã có gia đình riêng và có cuộc sống ổn định. Những người con còn lại hằng ngày theo cha đi giữ vịt thuê. Bản thân bà nay không còn phải đi ở thuê, giữ vườn cho người khác. Bà dẫn chúng tôi ra sau nhà, khoe con heo nái sắp tới kỳ sinh sản: “Con heo này là do tôi dành dụm tiền mua được. Sắp tới, chỉ cần nó sinh được 10 con là năm nay gia đình tôi ăn Tết lớn”.

Hạnh phúc của bà Ba cũng đơn giản như niềm vui của thầy giáo Trần Hắc Báo. Người thầy giáo 28 tuổi, quê ở huyện Trảng Bàng đã có hơn 8 năm xa nhà đi dạy học. Đồng lương ít ỏi khiến bao năm qua vợ chồng thầy giáo trẻ không làm sao mua nổi một phần đất để cất nhà, đành phải cất nhờ trên đất mượn. Tới lúc người ta lấy đất lại, gia đình thầy Báo lại “bơ vơ”, chẳng biết ở đâu. Đang lúc vô cùng khó khăn thì được UBND xã cấp cho một phần đất trong khu định cư. Mừng như vớ được phao, vợ chồng thầy Báo liền dọn ngay đến, cất nhà để ở. Hiện tại, hằng ngày vợ bán hàng ở chợ, chồng đến trường dạy học sinh, yên tâm cùng nuôi dạy con cái. Thầy Báo tâm sự: “Có được chỗ ở mới, thật sự tôi thấy thoải mái về mọi mặt. Mặc dù căn nhà chỉ nhỏ thôi nhưng là nhà của mình, có đi sớm hay về muộn cũng không phiền đến ai. Tôi cũng yên tâm công tác hơn”. Không chỉ riêng gia đình thầy giáo Báo, trong “xóm nhà tường” còn có 7 hộ gia đình giáo viên khác cũng đã có được cuộc sống ổn định tại đây.

Ông Trần Hồng Thiện, Chủ tịch UBND xã Hoà Thạnh cho biết: Dự án trung tâm cụm xã dành cho dân nghèo của 3 xã Hoà Thạnh, Hoà Hội và Biên Giới được triển khai từ năm 2004 và kết thúc vào năm 2010, với kinh phí 6,4 tỷ đồng (do Trung ương đầu tư 50%, số còn lại do nguồn kinh phí của tỉnh). Trong đó có đầy đủ cơ cấu hạ tầng: điện, đường giao thông, trường cấp 1, cấp 2 và mẫu giáo. Hiện nay, có 60 hộ dân sinh sống, mỗi hộ được cấp một phần đất thổ cư diện tích 10m x 50m (đang tiến hành làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Trong đó ngoài những hộ nghèo được xây tặng nhà đại đoàn kết, số còn lại cũng đã tự xây dựng nhà tường kiên cố, bán kiên cố. “Nhìn chung, nhờ có khu dân cư được Nhà nước quan tâm đầu tư mà bộ mặt nông thôn của xã Hoà Thạnh cũng thay đổi. Đời sống của người dân trong khu định cư cũng được nâng lên. Tính đến nay đã có hơn 20% hộ dân ở đây thoát nghèo. Nhờ được đầu tư đường giao thông, trường học mà vận chuyển nông sản dễ dàng hơn và con em có đủ điều kiện học tập”.

Điều mà chính quyền địa phương và bà con ở khu định cư mong muốn hiện thời là có được hệ thống loa truyền thanh để người dân dễ dàng được tiếp cận các thông tin cần thiết và đường giao thông trong khu định cư được trải nhựa để việc đi lại dễ dàng hơn.

Ông Trần Hồng Thiện cho biết thêm, phát huy tính hiệu quả từ khu định cư đã có, hiện nay, Hoà Thạnh đang tiến hành xây dựng thêm một khu thứ hai cũng tại ấp Hiệp Phước, với diện tích 4,8 ha, kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, xã đã giải quyết hồ sơ cho 54 gia đình khó khăn đã đăng ký.

Đại Dương