Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
“Năm nay là đúng 10 năm ngày tổ chúng tôi có điện thắp sáng. Nhưng cũng chừng ấy thời gian, người dân chúng tôi luôn sống trong cảnh có điện cũng gần như không”

“Năm nay là đúng 10 năm ngày tổ chúng tôi có điện thắp sáng. Nhưng cũng chừng ấy thời gian, người dân chúng tôi luôn sống trong cảnh có điện cũng gần như không” - một lão nông ở tổ 3, ấp Phước Lập, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành than thở như vậy khi kể về cảnh “sống chung với tù mù” của xóm mình những năm qua.
Ông Lâm Quang Xuân - Bí thư Chi bộ ấp Phước Lập, xã Phước Vinh cho biết: Năm 2002, tổ 3 của ấp Phước Lập chỉ có vỏn vẹn 7 hộ dân. Các hộ này bàn nhau hùn tiền mua dây điện, cột điện về đấu nối từ đường dây trung tâm vào tổ với chiều dài 1,2km. Chi phí kéo điện vào thời điểm ấy hết 10 triệu đồng. Khi số hộ trong tổ tăng lên (hiện có 28 hộ) thì những hộ đến sau dù không phải bỏ tiền đầu tư ban đầu nhưng cũng được dùng điện. Người dân trong tổ cử một người đứng ra thu tiền điện, hằng tháng đóng cho điện lực Châu Thành.
![]() |
Phải mất 15 phút nhấp nháy bóng đèn nhà ông Tới mới phát ra ánh sáng yếu ớt (ảnh chụp lúc 16 giờ, ngày 21.4.2012). |
Theo ông Trần Văn Tới, một nông dân trong tổ 3, một trong những nguyên nhân chính khiến điện yếu là do khoảng cách từ đường dây trung tâm vào ấp khá xa, trong khi đường dây dẫn điện vào tổ là loại dây nhỏ, khả năng tải điện kém. Đây cũng chính là nguyên nhân gây hao phí điện năng rất lớn. Hằng tháng, người dân trong tổ phải chịu mức hao phí lên đến 30%. Chẳng những vậy, giá điện mà 28 hộ dân ở tổ 3 đang dùng lại phải tính theo giá điện sản xuất nên cao hơn nhiều so với giá điện sinh hoạt.
Nguồn điện quá yếu, không ổn định đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất của người dân xóm nhỏ này. Hầu hết các thiết bị điện đều nhanh hư hỏng vì điện chập chờn, muốn bơm được nước, có khi phải thức trắng đêm. Một cô giáo đang dạy ở một trường phổ thông, nhà ở xóm than thở: Do hầu hết công việc của giáo viên hiện nay được thực hiện bằng máy vi tính nên cô đã phải mua một bộ máy về để làm việc. Thế nhưng muốn soạn giáo án hay làm sổ sách, cộng điểm, cứ phải chờ đến 12 giờ đêm khi nguồn điện bắt đầu ổn định. Thương vợ vất vả, chồng cô dành dụm mua ổn áp về dùng, nhưng chưa kịp “ổn” thì cái máy đã bị cháy, thế là hơn một triệu đồng đi tong!
Nói về tình cảnh của người dân tổ 3 có điện cũng gần như không, bà Nguyễn Thị Hồng - Trưởng ấp Phước Lập cho biết: Trong những dịp tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND các cấp đều nói: Sẽ ghi nhận và chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Cách nay đã lâu, cán bộ điện lực Châu Thành có xuống “ngó ngó” nhưng rồi tình hình vẫn như cũ. Ông Nguyễn Văn Nỉa, một cựu chiến binh mong mỏi: Mong Nhà nước quan tâm đầu tư để dân được dùng nguồn điện thật sự ổn định và giá thành phải chăng, đúng quy định của Nhà nước. Tương tự, ông Bảy Hoành, nguyên cán bộ của UBND huyện Châu Thành thắc mắc: “Cán bộ các cấp hứa với bà con lâu lắm rồi, sao mãi chưa thấy làm?”.
![]() |
Đường vào tổ 3, ấp Phước Lập, chạy song song là đường điện quá sơ sài, tạm bợ. |
Nguồn điện mà người dân tổ 3 ở ấp Phước Lập đang dùng trong suốt 10 năm qua chỉ là “điện tổ”. Trước đây Báo Tây Ninh đã từng có nhiều bài viết đề cập những thiệt thòi, bất cập về mô hình “điện tổ” này. Ngày 17.2.2012, Sở Công thương Tây Ninh đã có công văn gửi Điện lực Tây Ninh đề nghị cơ quan này báo cáo về việc kéo điện vào tổ 3, ấp Phước Lập, xã Phước Vinh theo đề nghị của cử tri. Bà con trong tổ thêm một lần hy vọng và mong đợi.
Sau điện là đường. Người dân tổ 3, ấp Phước Lập hiện đang có chung một con đường dài hơn 1km, vừa nhỏ hẹp lại vừa thấp. Khi vụ mùa đến, việc thu hoạch, vận chuyển nông sản rất vất vả. Theo ông Xuân - Bí thư chi bộ ấp và bà Hồng - Trưởng ấp thì con đường vào tổ 3 cũng là đường dẫn đến nhà Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Chiến Thắng. Do nhà ông Thắng ở tận cuối con đường nên khi đồng đội cũ muốn đến thăm ông cũng rất gian nan. Đã có nhiều đoàn khách của tỉnh và TP. Hồ Chí Minh khi đến thăm ông Thắng đều phải lội bộ từ ngoài xa vào nhà. Thấy bất tiện, các vị cựu chiến binh và chính quyền địa phương đã vận động bà con ở hai bên đường tự nguyện hiến đất để nâng cấp con đường. Tất cả các hộ dân này đã đồng ý. Hồi đầu năm 2012, chính quyền huyện Châu Thành cũng đã cử người đến khảo sát nhưng không hiểu vì sao cho đến nay vẫn chưa thấy thi công. Bà con địa phương lại tiếp tục… trông ngóng.
VIỆT ĐÔNG