BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xôn xao lò mì

Cập nhật ngày: 08/10/2009 - 05:36

Phụ nữ và trẻ em trong một lò mì.

Mười giờ sáng, trời mới bật nắng lên. Mấy chiếc xe bò kéo bắt đầu leng keng tiếng chuông, chuyển củ mì tới trước lò. Công việc một ngày ở lò mì bắt đầu.

Đây đó xôn xao tiếng gọi nhau, cánh nam giới thì chuyển mì xuống đưa vô bàn cân. Còn lại là phần việc của phụ nữ, họ tíu tít “nhận phần” bào vỏ mì. Tiền công bào vỏ là 40.000 đ/tấn mì tươi, cứ bốn sọt lớn thì được một tấn. Chiếc sọt chứa củ mì thường đan bằng thép B40, chứa được 250 đến 300 kg mì tươi, tương đương với 10.000đ – 12.000đ tiền công. Dụng cụ bào vỏ mì, qua thời gian dài đã được cải tiến để trở nên tiện dụng nhất. Chiếc bàn bào vỏ giờ cầm nhẹ và gọn, lưỡi dao được đặt trên trục cơ động, có thể lách tới bất kỳ khe góc nào trên củ mì. Thời gian với họ thực sự là “vàng ngọc”, mắt chăm chú, tay thoăn thoắt, làm sao để đảm bảo công sá cao nhất. Cánh nam giới cũng bắt đầu chuyển những cần xé mì đã bào vỏ lên bộ phận dây chuyền rửa và ngâm. Công việc này phải mang vác nặng nhọc, tuy vậy so với việc khiêng vác mì thủ công từ trên xe xuống còn đỡ hơn nhiều.

Anh Năm Dục ở ấp Trường Lưu , xã Trường Đông, huyện Hoà Thành cho biết, công việc khiêng mì dễ kiếm tiền nhất và cũng cực nhọc nhất. Không ít người làm công việc này đã lập kỷ lục với sọt mì nặng tới 400 kg. Và cũng không ít người sau một hai năm khiêng mì đã đổ bệnh. Bây giờ công việc đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Các chủ lò mì cũng nhận thấy cần phải “cơ giới hoá” công đoạn này để giữ sức khoẻ cho người làm, đồng thời giảm giá thành công lao động. Tại lò mì của chị Thuý ở ấp Trường Lưu, cứ hai người một xe đẩy, từ xe mì vào bàn cân với khoảng cách khoảng 15- 20m. So với giá 12.000 đ/tấn mì khiêng vai giờ giá chuyển mì chỉ còn 9.000 đ/tấn, mà công việc lại nhanh và nhẹ nhàng hơn.

Những người đi làm công cho lò mì hầu hết không có hoặc có ít ruộng đất. Làm mướn ở lò mì cho thu nhập khoảng 70.000-80.000 đ/ngày đối với nam giới, phải khiêng vác. Hoặc 40.000 đ/ngày đối với người bào vỏ. Số công nhân kỹ thuật được trả lương tháng từ 1.600.000đ – 2.000.000đ tuỳ quy mô lò mì. Công việc lúc nhiều, lúc ít tuỳ theo vụ mì thất hay trúng, nhưng được cái là có làm quanh năm. Số lao động trong các lò mì thường đi theo từng gia đình. Như hôm nay, tại lò mì chị Thuý có tới “17 hộ” trong số 38 người đang lao động, mỗi hộ từ 2-3 người, thường là hai vợ chồng và một đứa con hoặc hai mẹ con. Chị Hai Lự- một công bào mì vừa bào vỏ vừa nói chuyện với khách cho biết: nếu có mì đều mỗi ngày, hai mẹ con chị cũng kiếm được 80.000 đ/ngày. Hôm nay, mới có ba xe mì về, ít mì nên từ trưa tới giờ chưa được ba sọt, mới được khoảng 25.000đ dù cậu con trai 13 tuổi làm rất siêng.

Còn bà Ba Trung 73 tuổi thì chỉ có một mình, bà lụi cụi một góc xưởng ngồi băm đầu mì vì không đủ nhanh nhẹn và sức khoẻ mà bào vỏ nữa. Bà Ba có thâm niên 30 năm làm ở lò mì này, từ thời cha chồng chị Thuý còn làm chủ, giờ ông đã già yếu, giao cơ nghiệp cho con mà bà Ba vẫn còn làm mướn ở đây. Bà bảo chủ lò thương ba chục năm làm mướn của bà nên vẫn cho bà tới băm đầu mì, chớ ngoài bảy mươi rồi chân tay run rẩy làm sao làm được như xưa. Công việc của bà là băm những mẩu mì đầu thừa đuôi thẹo, với tiền công 500 đồng/kg, ngày ráng băm được 20 ký mới được 10.000đ. Trong khu vực bào vỏ mì, hầu như không có tiếng nói chuyện. Tất cả im lặng, chỉ nghe tiếng bàn bào soàn soạt và tiếng thở gấp gáp của những người phụ nữ. Thi thoảng mới nghe tiếng mấy người đàn ông nhắc nhở nhau lẹ chân tay lên, không để băng chuyền phải chờ. Cường độ lao động ở đây khá

Một góc lò mì ở Trường Lưu.

căng vì làm khoán sản phẩm, không nhanh tay thì tiền công chạy vô túi người khác.

Cuối lò mì là nơi cho ra sản phẩm cuối cùng chỉ có 5 công nhân nam quen việc. Việc của họ nặng nhọc hơn là bốc mì ngâm nát từ các bể chứa lên máy nghiền, lọc bột. Đôi khi hệ thống dây chuyền bị trục trặc phải dừng lại sửa chữa, số mì ùn lại khá nhiều và sau đó là phải hùng hục làm cho kịp. Giữa mùi mì ngâm chua loét, nước mì nhớp nháp mà nhiều người vẫn quần đùi, áo cụt. Một người còn lội trong bể nước mì ngập đến thắt lưng để đánh bột lên cho đều. Hỏi anh đứng như vậy liệu có bị lở ngứa gì không? Anh bảo: ngứa thế nào được, coi vậy chớ nước bột mì… sạch lắm (?).

Theo ôngTrần Quốc Tuấn -Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Đông (Hoà Thành) thì hiện nay trong xã có 17 lò mì đang hoạt động, mỗi ngày thu hút khoảng 600 lao động. Đa số là phụ nữ với công việc bào vỏ mì. Các lò mì hoạt động quanh năm, những ngày giáp tết còn phải tranh thủ làm đêm. Công việc vì vậy luôn duy trì số lao động ổn định với thu nhập cá nhân ở mức đủ sống. Dù thời gian qua có nhiều ý kiến về việc nước thải từ các lò mì làm ô nhiễm môi trường, nhưng nếu các cơ quan chức năng làm tốt việc quản lý, hướng dẫn các chủ doanh nghiệp xử lý nước thải tích cực, thì việc hoạt động liên tục của các lò mì sẽ góp phần giải quyết đầu ra cho cây mì của nông dân và việc làm cho nhiều người lao động tại địa phương.

Phương Quý