BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xót ruột… rừng Chàng Riệc

Cập nhật ngày: 05/05/2016 - 11:10

Nhiều bụi le già bị lửa thiêu rụi hoàn toàn.

Trở lại rừng Chàng Riệc sau mười ngày kể từ khi xảy ra hoả hoạn, chúng tôi chứng kiến: dọc theo cánh rừng vốn bạt ngàn, xanh thẳm trước kia nay đã xen kẽ những khoảnh rừng bị cháy. Rõ nhất là gần khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam- cả một cánh rừng nguyên sinh gần 11 ha bị cháy gần như toàn bộ. Nhiều cây rừng cháy đen, đứng trơ vơ giữa trời, không biết chúng có hồi sinh nổi không? Từ đây, đi bộ vào rừng, thấy hàng trăm bụi le già đã bị lửa thiêu rụi hoàn toàn. Tại hiện trường vẫn còn lại những thân cây le oằn xuống, khô khốc như những chiếc đũa. Những cây rừng nhỏ, các loại dây leo cũng không thoát khỏi cảnh chết khô. Trên mặt đất là một lớp tro than phủ dày- dấu tích còn lại cho thấy nơi đây từng là một biển lửa. Dưới chân một trụ điện, nhiều đoạn dây cáp viễn thông bị cháy vỏ nhựa, nằm lăn lóc trên mặt đất.

Cùng đi thực tế với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Châu- cán bộ kỹ thuật khu rừng Chàng Riệc kể rằng: điểm cháy rừng đầu tiên (xảy ra khoảng 11 giờ) là tại khoảnh 4, tiểu khu 13 (Bàu Le cũ) thuộc xã Thạnh Bắc, diện tích thiệt hại gần 22 ha. Trong đó, có 7,2 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng từ năm 2003 đến nay. Trong khi đám cháy thứ nhất chưa dập tắt xong thì khoảng 12 giờ, đám cháy thứ hai lại xảy ra gần trụ sở Ban Quản lý khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam, đối diện nơi đặt bức tranh hoành tráng. Khi mọi người còn đang tất bật chữa lửa ở đây thì khoảng 13 giờ, tại khu vực Trảng Tà Nốt, cầu 16 lại xảy ra đám cháy thứ ba làm cho 0,6 ha rừng tự nhiên bị thiệt hại. Đến 17 giờ, trước Trạm Bảo vệ rừng cầu 15, đám cháy thứ tư lại bùng lên. Đây là đám cháy lớn nhất với diện tích thiệt hại lên đến 20,3 ha rừng tự nhiên. Đến 22 giờ, tại khu vực Bãi Bàu (di tích Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam) ngọn lửa lại bốc cháy. Khoảng 10 ha rừng tái sinh, trảng cỏ, bụi cây, cao su bị “bà hoả” tàn phá. Diện tích này nằm ngoài quy hoạch của Ban Quản lý rừng văn hoá- lịch sử Chàng Riệc. Các đám cháy được lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng, công an, biên phòng, dân quân cùng cán bộ, nhân viên Ban Quản lý khu di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tích cực tham gia chữa cháy, nhưng cũng phải đến 23 giờ 10 phút cùng ngày, đám cháy cuối cùng mới cơ bản được dập tắt. Riêng đám cháy trước Trạm Bảo vệ rừng cầu 15, đến 20 giờ 20 phút ngày 28.4 (3 ngày sau) mới dập tắt được hoàn toàn.

Mặc dù hiện nay, rừng Chàng Riệc  vừa được tắm mát bởi một cơn mưa khá lớn, nhưng có dịp quan sát thực tế mới thật sự cảm thấy lo lắng về công tác phòng, chống cháy rừng ở đây. Rừng Chàng Riệc đa số là rừng nguyên sinh và rừng trồng lâu năm, trải dài trên một diện tích rộng. Vậy mà cho đến nay, toàn bộ khu rừng chưa có tháp canh lửa. Nếu như có tháp canh lửa cao 30 mét tương tự như ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát thì từ trên tháp này, nhân viên bảo vệ rừng có thể dễ dàng phát hiện sớm các đám cháy, để việc thông báo, chỉ huy công tác chữa cháy rừng được kịp thời và hiệu quả hơn.

Cán bộ kỹ thuật rừng Chàng Riệc đi kiểm tra hiện trường sau vụ cháy.

Theo báo cáo của Ban Quản lý khu rừng văn hoá- lịch sử Chàng Riệc, các công cụ, phương tiện chữa cháy rừng chưa được chuẩn bị tốt. Trong số 29 máy phun xịt có động cơ được trang bị, có đến 14 máy bị hư hỏng, không kịp thời sửa chữa. Thời điểm xảy ra cháy rừng, nguồn nước từ các con suối đã cạn nhưng không có phương án thay thế. Phương án chữa cháy rừng của huyện và Ban Quản lý rừng chưa đề ra được biện pháp ứng phó trong tình hình xảy ra cháy lớn, cháy nhiều điểm cùng một lúc. Từ đó, khi có chuyện xảy ra, ban chỉ huy huyện, ban quản lý rừng và các đơn vị tham gia chữa cháy đều lúng túng trong chỉ huy và phối hợp.

Rừng Chàng Riệc là rừng đặc biệt, trong rừng có khu di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam- di tích quốc gia đặc biệt với  nhiều hiện vật, hình ảnh, tư liệu lịch sử vô giá. Tất cả đều là vật có thể cháy và dễ cháy. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng nói chung là vấn đề không thể xem nhẹ, và với khu rừng này lại càng không thể xem nhẹ. Hiện nay, dự báo cháy rừng đang ở cấp 5- cấp cực kỳ nguy hiểm. Cũng theo dự báo, tình trạng nắng nóng, hạn hán sẽ còn tiếp tục kéo dài, nên nguy cơ xảy ra hoả hoạn trong các khu rừng vẫn đang tiềm ẩn.

Đại Dương