BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ngầm hoá hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên đường:

Xu hướng của đô thị văn minh

Cập nhật ngày: 19/10/2016 - 11:30

Hệ thống dây cáp viễn thông trên đường 30.4 đã được bó lại.

Sự phát triển nhanh chóng do quá trình đô thị hoá trong thời gian qua đã mang lại nhiều nét đổi thay cho bộ mặt đô thị của tỉnh Tây Ninh. Hình ảnh những con đường đã được nâng cấp nay trở nên khang trang, đẹp mắt trên địa bàn thành phố Tây Ninh có thể chứng minh cho sự phát triển ấy. Các tuyến đường chính như đường 30.4, Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Học từ lâu đã trở thành các tuyến phố thương mại của một thành phố trẻ.

Thế nhưng, bên cạnh đó, đây đó trên các tuyến đường vẫn tồn tại hình ảnh những đường dây điện, dây cáp viễn thông… giăng mắc như mạng nhện và “rối như canh hẹ” vừa không an toàn, vừa làm mất vẻ mỹ quan đô thị.

Còn nhớ cách đây vài năm, dư luận người dân ở thành phố Tây Ninh rộ lên khá ồn ào quanh việc hàng cây dầu hàng chục năm tuổi trên vỉa hè đường 30.4 bị ngành Điện lực “thiến” đọt (do sợ ảnh hưởng đến đường dây điện trung thế phía trên) chỉ trong vài ngày ngắn ngủi! Vụ việc đã được chính quyền Thành phố làm “tới nơi, tới chốn” và những cá nhân có trách nhiệm liên quan đã bị xử lý, nhưng hàng cây dầu bị “thiến” đọt thì đến nay vẫn chưa thể trở lại hình dáng bình thường như trước đó.

Tại đường Cách Mạng Tháng Tám có rất nhiều cây xanh trồng trên vỉa hè đã bị kìm hãm bằng các đợt cắt tỉa cành, không cho phát triển cao hơn nữa cốt để chúng khỏi gây ảnh hưởng đến lưới điện ở phía trên. Trong khi đó trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ- con đường mới được nâng cấp mở rộng, được xem là đẹp nhất trong tỉnh hiện nay có 2 hàng cây dầu được trồng song song, thẳng hàng với đường điện trung thế phía trên khiến nhiều người không khỏi lo ngại, e rằng đến một ngày nào đó khi 2 hàng cây lớn lên, chắc ngành chức năng lại phải tiến hành “thiến” đọt cho chúng để khỏi gây ảnh hưởng đến lưới điện.

Ngoài hệ thống đường điện không hề chịu “nhường” không gian cho cây xanh phát triển, hệ thống dây cáp viễn thông chạy qua các tuyến đường đô thị cũng khiến báo chí tốn nhiều giấy mực. Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện việc bó lại các tuyến cáp viễn thông dọc trên các tuyến đường chính để đảm bảo nét mỹ quan cho không gian đô thị và sự an toàn cho người dân.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc bó cáp chỉ giải quyết được “phần ngọn” của vấn đề, còn “phần gốc” là hệ thống dây nhợ được kéo từ các hộp cáp quang đến nhà dân vẫn nguyên hiện trạng giăng ngang, giăng dọc vô tội vạ trên các tuyến đường. Những sợi dây cáp điện thoại “mất trật tự” ấy thời gian qua cũng từng gây hoạ cho người dân khi chúng bị đứt ra và rơi xuống, biến thành “cái bẫy” trên đường. Có người đã phải nhập viện do mắc “bẫy” trong lúc điều khiển phương tiện lưu thông ngang qua. Đó là còn chưa kể tình trạng đường phố cứ bị đào lên, lấp xuống liên miên mỗi khi ngành chức năng tiến hành lắp đặt, sửa chữa hệ thống nước hoặc hệ thống cáp quang…

Ông Hoà, một người dân sống trên đường Cách Mạng Tháng Tám nhận xét: sự phát triển của đô thị cũng làm bộc lộ những nhược điểm tồn tại về kết cấu hạ tầng, không còn phù hợp với đời sống như hệ thống đường giao thông nội thị ở tỉnh ta hiện nay. Theo ông Hoà, trước đây khi đô thị chưa phát triển thì tình trạng đường dây điện, cáp viễn thông đi ngoài trời, ở phía trên dọc theo đường phố là phù hợp. Còn hiện nay, khi thị xã Tây Ninh đã trở thành thành phố, nhu cầu phát triển về nhà cửa, về dịch vụ thương mại… gia tăng, kéo theo hệ thống dây diện, viễn thông… trên đường phố cũng ngày càng “phình ra” thì những điều phiền phức, bất cập cũng bắt đầu nảy sinh từ đó.

Trên các tuyến đường phố chính, dù đã được trang hoàng đẹp đẽ với bồn hoa, cây cảnh, với các trụ đèn trang trí rực rỡ thì cảnh quan vẫn bị phá vỡ ít nhiều do những búi, những đường dây điện, dây cáp… loằng ngoằng, lung tung, lộn xộn bày ra trước mắt mọi người. Đó là chưa kể hệ thống dây điện chằng chịt cũng dễ dẫn đến sự cố cháy nổ do chập điện. Ông Hoà cho rằng, dĩ nhiên muốn làm thay đổi hiện trạng trên, không thể đòi hỏi ngay trong một sớm một chiều, bởi việc này còn phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư, lộ trình thực hiện… Tuy nhiên, về lâu dài thì cũng cần phải tính tới việc “ngầm hoá” hệ thống điện, viễn thông… (đưa toàn bộ xuống lòng đất) trên các tuyến đường đô thị lớn, đặc biệt là ở địa bàn thành phố Tây Ninh, như thế mới phù hợp với xu hướng đô thị văn minh, hiện đại. 

Một chủ quán cà phê trên đường 30.4 cũng chia sẻ ý kiến: trên tuyến đường lớn này tập trung rất nhiều trụ sở cơ quan Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác. Thời gian qua, chính quyền thành phố Tây Ninh đã có tổ chức lấy ý kiến người dân về việc thanh lý hàng cây xà cừ lâu năm trên đường nhằm phục vụ cho công tác chỉnh trang đường phố trong thời gian tới. Vậy khi tiến hành chỉnh trang con đường, chính quyền Thành phố cũng cần xem xét đến việc thực hiện ngầm hoá hệ thống điện, viễn thông dọc trên đường.

“Mạng nhện” lơ lửng trên đường Tôn Đức Thắng (đoạn cửa 5 chợ Long Hoa).

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình ngành giao thông tỉnh Tây Ninh, trong tương lai gần, khi thành phố Tây Ninh phát triển thì nhu cầu vận tải đường bộ sẽ tăng cao, đường 30.4 trên địa bàn Thành phố với phương thức tổ chức giao thông hiện tại sẽ không còn đáp ứng được nhu cầu vận tải. Dải phân cách giữa làn xe hỗn hợp và làn xe cơ giới theo hiện trạng của tuyến đường đã bộc lộ nhược điểm: gây khó khăn cho các hoạt động dịch vụ vận tải hành khách công cộng cũng như hoạt động kinh doanh thương mại và cả sinh hoạt của người dân khu vực dọc tuyến.

Nếu tình hình lưu thông trên đường không được cải thiện, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, làm giảm hiệu quả đầu tư, gây ảnh hưởng đến khả năng phát triển kinh tế của tỉnh nhà. Cũng vì vậy, việc chỉnh trang đô thị theo hướng thay đổi phương thức tổ chức giao thông; đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo và ngầm hoá hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên tuyến đường- phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh là hoàn toàn cần thiết.

Cũng theo Ban Quản lý dự án, việc ngầm hoá các “mạng nhện” với đủ thứ đường dây viễn thông, điện lực, cáp quang, chiếu sáng công cộng, cấp nước, cấp năng lượng cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật khác trên đường sẽ bảo đảm các yêu cầu về an toàn do có khả năng chống thấm nước, xâm thực và ăn mòn; giải quyết được tình trạng “ba hồi đào lên, bốn hồi lấp xuống” như đã từng diễn ra trên nhiều tuyến đường từ nhiều năm qua gây lãng phí tiền của xã hội và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Giải pháp sử dụng hào kỹ thuật để đi ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sẽ giúp khắc phục tình trạng thường xuyên phải “đào lên lấp xuống” mỗi khi cần bổ sung công trình ngầm; tránh được tình cảnh công trình làm sau gây ảnh hưởng xấu đến công trình làm trước mà lại thuận tiện cho việc thi công lắp đặt cũng như duy tu, bảo dưỡng về sau.

Đường 30.4 đã được chọn làm điểm để triển khai dự án nói trên. Theo dự án, công trình thực hiện có điểm đầu tại ngã ba nơi giao nhau giữa đường này với quốc lộ 22B; điểm cuối là nơi giao với đường Bời Lời. Tổng chiều dài công trình 5,4km. Dự kiến công trình được thực hiện và hoàn thành trong thời gian từ năm 2017 đến 2020, với tổng giá trị đầu tư hơn 442 tỷ đồng.

Mai này, khi đã khoác lên mình một diện mạo mới, đường 30.4 sẽ là “điểm nhấn” của thành phố trẻ Tây Ninh. Qua đó, tạo đà cho việc tiến tới ngầm hoá hạ tầng kỹ thuật trên tất cả các tuyến đường đô thị của tỉnh nhà trong tương lai.

THẾ NHÂN