Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, hiện nay, nhiều người hạn chế đến những điểm tập trung đông người, thay vào đó là du lịch theo hình thức phượt.
Những giỏ đầy ắp rác chờ nhóm thanh niên của tỉnh thu gom vác xuống núi.
Tờ mờ sáng thứ bảy, đã có hằng chục xe ô tô, gắn máy gửi vào bãi giữ xe tại quán nước giải khát Cây Sơ Ri (dưới chân núi Bà Đen). Sau khi làm thủ tục cung cấp thông tin cá nhân tại chốt bảo vệ, mọi người xốc lại ba lô và bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh núi Bà Đen bằng đường bộ.
Những năm trước, du lịch theo hình thức phượt đã hình thành, nhưng chỉ đi theo nhóm nhỏ hoặc cá nhân. Năm nay, số lượng tham gia hình thức du lịch này đông hơn, có cả nhóm phượt gia đình.
Anh Hòa, ngụ quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước đây, mỗi độ xuân về, gia đình anh đều đến núi Bà Đen vãn cảnh, cúng chùa. Năm nay, nghe thông tin dịch bệnh ở nhiều nơi, nên vợ chồng anh quyết định không đi chùa Bà bằng cáp treo, mà bốn thành viên trong gia đình chọn hình thức đi bộ lên đỉnh núi. Để thực hiện chuyến đi này, hơn một tháng trước anh Hòa và người con trai 14 tuổi đã đi “tiền trạm”.
Nhóm thanh niên của tỉnh vừa leo núi tập thể dục vừa thu gom các loại rác thải sinh hoạt trên sườn núi.
Người đàn ông 42 tuổi này chia sẻ: “Hai cha con tôi thử sức xem có leo đến đỉnh núi nổi không? Thức ăn, nước uống đem theo bao nhiêu cho đủ? Trang phục như thế nào cho phù hợp?”. Sau khi đi thực tế, nhận thấy gia đình anh có thể chinh phục được "nóc nhà Đông Nam bộ", vì vậy Tết năm nay, cả gia đình anh cùng "phượt". Đây là hình thức đi du lịch mới trong khi dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp.
Trong hành trình chinh phục đỉnh núi với độ cao 986 mét, du khách sẽ học được nhiều bài học thực tế, như tận mắt chứng kiến cảnh nhiều anh, chị trong nhóm thanh niên tình nguyện của tỉnh vừa leo núi tập thể dục vừa thu gom các loại rác thải sinh hoạt do những du khách khác bỏ lại. Trên sườn núi, các anh chị này treo nhiều giỏ đựng rác và gắn khẩu hiệu kêu gọi giữ gìn vệ sinh môi trường....
Dọc theo lối mòn trên sườn núi, nhiều du khách phượt lên xuống rất đông vui. Một phượt thủ tên Phước (59 tuổi, ngụ thị xã Hòa Thành) cho biết, ông là thành viên trong đội xe đạp của thị xã Hòa Thành. Đội xe đạp của ông từng đi nhiều tour xuyên Việt.
Tết năm nay, nhóm xe đạp của ông đã đăng ký chạy một số tour về miền Tây và lên Tây nguyên, nhưng cuối cùng phải hủy, vì sợ dịch Covid- 19. “Gần cả tháng nay, tụi tôi thay đổi việc rèn luyện thể lực bằng cách sáng nào cũng leo lên đỉnh núi rồi đi bộ xuống”, ông Phước nói.
Du lịch theo hình thức phượt là một trải nghiệm đáng nhớ đối với các bạn trẻ.
Một nhóm khác gồm 4 bạn nữ (ngụ phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh) tay xách, nách mang nào là thức ăn, nước uống để chinh đỉnh núi. Các bạn trẻ này không quen vận động nên di chuyển với tốc độ chậm và tỏ ra khá mệt.
Bạn Thủy- một thành viên trong nhóm, tâm sự: “Tụi em định lên đỉnh núi bằng cáp treo, nhưng sợ tập trung đông người không an toàn nên rủ nhau leo bằng đường bộ. Đây là lần đầu tiên tụi em đi đường bộ, chưa có kinh nghiệm, đem theo nhiều hành lý và chưa quen sức nên hơi mệt. Mặc dù vậy, tụi em thấy vui, vì được trải nghiệm nhiều điều thú vị”.
Ở Trảng Tranh, gần đỉnh núi- nơi có mặt bằng rộng, có nhiều bụi tre rậm rạp, mát mẻ, được nhiều du khách nghỉ ngơi, ăn uống, cắm trại qua đêm và có dấu vết của việc nhóm bếp củi trên một vài tảng đá để nấu nướng. Trong khi xung quanh khu vực này có nhiều bụi tre, cây rừng rụng lá và cỏ khô tạo thành lớp thực bì khá dầy, rất dễ bén lửa.
Tương tự, trên đỉnh núi, ngay phía sau công trình tượng Phật cũng có một vài bếp lò vừa được sử dụng xong. Tại hiện trường cho thấy, có bếp còn nguyên tro, củi, thậm chí có cả vỉ nướng bỏ lại.
Nơi đây có nhiều đường dây điện, tủ điều khiển điện đang hoạt động. Nơi này là đỉnh núi cao, thường có giông to, gió lớn và hiện giữa mùa nắng nóng, việc nhóm lửa lấu nướng như thế dễ gây cháy lan, rất nguy hiểm.
Tượng phật “Tây Bổ Đà Sơn” trên đỉnh núi Bà Đen.
Trong tháng Giêng, nhiều khả năng lượng du khách trong và ngoài tỉnh lên đỉnh núi Bà Đen bằng đường bộ sẽ tiếp tục tăng. Du lịch theo kiểu đi phượt là một xu hướng mới, phù hợp với điều kiện phòng chống dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, giữ gìn môi trường sạch đẹp, phòng chống cháy rừng là vấn đề cần được các ngành, các cấp và tất cả "phượt thủ" hết sức quan tâm.
Đại Dương