Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp:

Xu hướng tất yếu 

Cập nhật ngày: 11/07/2022 - 00:07

BTN - Để hiện đại hoá ngành nông nghiệp thì chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, công nghệ tiên tiến sẽ giúp nâng cao năng suất và giá trị nông sản. Trong đó, sự tham gia của nông dân là yếu tố quan trọng, từ khâu tiếp cận khoa học, kỹ thuật, quản lý quy trình sản xuất đến tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Giới thiệu sản phẩm OCOP tại chợ Suối Dây (huyện Tân Châu)

Nông dân dần bắt nhịp chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu của các ngành, các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp và người sản xuất đăng ký mã số vùng trồng và cấp 50.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 9 cơ sở tổ chức, cá nhân sản xuất cây ăn trái; hỗ trợ cấp 100 mã số vùng trồng và 21 mã số cơ sở đóng gói trái cây tươi xuất khẩu sang các thị trường như: EU, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand và Trung Quốc; đã triển khai cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc cho 45 tổ chức, cá nhân với diện tích 280 ha; đến nay, đã thực hiện truy xuất nguồn gốc cho 220 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích 1.600 ha trên các loại cây bưởi, chuối, mãng cầu, xoài, nhãn, táo, bơ...

Ngoài ra, từ tháng 4.2022 đến tháng 5.2022, ngành nông nghiệp thực hiện đánh giá cho 39 tổ chức, cá nhân sản xuất sử dụng phần mềm Kipus vào các năm 2019, 2020 và 2021; sử dụng thiết bị bay không người lái phun thử nghiệm thuốc bảo vệ thực vật trên một số diện tích trồng mía, chuối, lúa; sử dụng phần mềm quản lý chuyên ngành PPDMS (phần mềm quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật) quản lý dữ liệu tình hình sản xuất, sâu bệnh hại cây trồng cụ thể từ cấp tỉnh đến huyện giúp cơ quan quản lý chuyên ngành theo dõi diễn biến tình hình dịch hại... tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

Bà Võ Thị Nuôi- Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã xoài Thạnh Bắc (huyện Tân Biên) cho biết: “Tôi không ngại tiếp cận cái mới, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật và chuyển đổi mô hình sản xuất mà năng suất, chất lượng các loại cây trồng tăng lên; giảm công sức, chi phí đầu tư và tăng thu nhập. Áp dụng công nghệ số, tôi hy vọng sản phẩm có đầu ra tốt, tăng sức cạnh tranh trên thị trường với toàn bộ quy trình sản xuất đều thể hiện rõ ràng và dễ dàng truy xuất nguồn gốc”.

Ông Nguyễn Đình Xuân cho biết thêm, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra với giá cao nhất. Thời gian qua, ngành nông nghiệp hỗ trợ cho nông dân 14 mô hình công nghệ cao, với quy mô 600m2/mô hình về chi phí xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới áp dụng công nghệ cao, bón phân và tưới nước tự động. Kết quả đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.

Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 35 ha; thực hiện truy xuất nguồn gốc cây trồng và cấp tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm để minh bạch thông tin các sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ cấp và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho các cơ sở sản xuất cây ăn trái trên địa bàn tỉnh để xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Cường- chủ trang trại cây ăn trái Cường Niên tại ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Bắc (huyện Tân Biên) trồng cây ăn trái theo hướng bền vững với 20 ha mít Thái siêu sớm và 20 ha bưởi da xanh. Ông Cường cho rằng, từ khi mở rộng diện tích cây ăn trái, ông tích luỹ nhiều kiến thức từ các trang mạng. Chỉ cần cái nhấp chuột, dễ dàng tìm được hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt rất hữu ích. Sử dụng mạng xã hội giúp ông kết nối với các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp để nhờ tư vấn, hỗ trợ, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đồng hành cùng nông dân

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là yêu cầu tất yếu, nhằm tạo môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” và cũng là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ cao trong chuỗi sản xuất, chế biến và thị trường.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, chuyển đổi số trong nông nghiệp của tỉnh còn chậm, trên địa bàn tỉnh đã áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất nhưng số lượng và quy mô còn ở mức nhỏ lẻ, chưa liên kết chuỗi giá trị, sản phẩm chủ yếu bán cho thương lái và không cần dán tem truy xuất nguồn gốc; chưa có doanh nghiệp liên kết thu mua sản phẩm nông sản truy xuất nguồn gốc đến vùng nguyên liệu; người sản xuất đa phần là người lớn tuổi, quen việc đồng áng, chưa quen việc ghi chép nhật ký sản xuất, việc tiếp cận về công nghệ thông tin, cập nhật thông tin dữ liệu thường xuyên trên thiết bị điện thoại di động gặp khó khăn, tương đối chậm.

Ngoài ra, hiện nay, chưa có mô hình khuyến nông, chương trình dự án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mang tính đột phá để từ đó đẩy mạnh đầu tư thu hút chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Việc chuyển đổi số ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn mới, nên việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp còn khó khăn; kết nối thị trường tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử đến các doanh nghiệp, chủ thể OCOP cũng như các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, trang trại nông nghiệp, hộ sản xuất chưa được quan tâm đúng mức; bên cạnh đó, nguồn nhân lực được đào tạo về chuyển đổi số chưa bảo đảm theo yêu cầu nhiệm vụ được giao.

HTX xoài Thạnh Bắc (huyện Tân Biên) ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc trong sản xuất.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Hoà Thành Nguyễn Hoàng Đức, thương mại điện tử là xu thế kinh doanh hiện đại, đồng thời là một trong những nội dung của chuyển đổi số ở lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh tận dụng nền tảng kinh doanh trực tuyến để kết nối tiêu thụ nông sản, thì công nghệ thông tin còn giúp nông dân tiếp cận dữ liệu về khoa học - kỹ thuật mới, thay đổi quy trình sản xuất theo hướng hiện đại, tìm kiếm thị trường và quảng bá sản phẩm. Vì vậy, để thích ứng với chuyển đổi số, bên cạnh sự chủ động học hỏi, việc tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho nông dân là yêu cầu cấp thiết cần được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa.

Ông Nguyễn Hồng Lắm- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Đông cho biết, thời gian qua, Hội phối hợp các đơn vị liên quan tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng dụng khoa học - kỹ thuật cho hội viên, trong đó có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng quảng bá nông sản qua mạng, đăng ký nhãn hiệu hàng hoá; đồng thời giới thiệu một số trang thông tin hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nhà (thị xã Hoà Thành) cho biết, đơn vị đã đồng hành với nông dân trong kết nối và tiêu thụ nông sản qua mạng. Từ những chương trình này, nông dân dần quen với các phương thức giới thiệu, quảng bá, bán hàng trực tuyến- nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, kênh tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với ngành liên quan, các doanh nghiệp tổ chức các chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản cho người nông dân.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số, trong đó, tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, chú trọng chuyển đổi số một số ngành hàng chủ lực của tỉnh; rà soát hiện trạng ngành nông nghiệp để từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu chung ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực bao gồm: sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp, thuỷ lợi, nước sạch, nông thôn mới, sản phẩm đặc thù của tỉnh; các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp, điều kiện đất đai, quản lý thông tin trên cây trồng, vật nuôi.

Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hướng dẫn thực hiện thí điểm chuyển đổi số trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm- đặc biệt là sản phẩm OCOP. Lựa chọn tổ chức, hợp tác xã có đủ điều kiện thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh việc kết nối tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử.

Nhi Trần