Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thông tin tiếp vụ xây mộ giả để chiếm đất nghĩa địa ở Bến Cầu:
Xử lý chưa nghiêm ?
Thứ sáu: 06:05 ngày 07/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa qua, Báo Tây Ninh có đăng bài “Chiếm đất nghĩa địa tại Bến Cầu: San lấp mộ đất, xây lại mộ xi măng”, phản ánh về trường hợp của ông Trương Văn Bổng lấn chiếm đất nghĩa địa, mặc dù trước đó ông từng bị xử lý vì hành vi tương tự. Ngày 4.7.2017, UBND xã Lợi Thuận lại thêm một lần nữa tiến hành xử lý việc làm sai trái của ông Bổng.

3 mộ nghi là giả vẫn tồn tại.

Vi phạm nhiều lần

Như Báo Tây Ninh đã đưa tin, trước đó, ông Trương Văn Bổng (SN 1974, ngụ ấp Thuận Chánh, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) đã đắp 8 ngôi mộ giả bằng đất, đồng thời cắm trụ xi măng định làm hàng rào để bao chiếm một phần “đất mặt tiền” nghĩa địa Xóm Dầu (tổ 5, ấp Thuận Tâm, xã Lợi Thuận).

Chính quyền địa phương đã buộc ông phải san bằng mộ đất, trả lại hiện trạng. Tuy nhiên chỉ ít lâu sau, ông Bổng lại tái chiếm đất nghĩa địa lần thứ hai, và lần này thì xây mộ giả kiên cố bằng xi măng.

Cụ thể, trong lần vi phạm thứ hai, ông Bổng đã tiến hành xây 7 ngôi mộ giả, không “thèm” làm mộ đất mà xây hẳn bằng xi măng trên chính phần đất vừa bị buộc san bằng, trong đó có 2 ngôi mộ đã được dán gạch men.

Đó là chưa kể một ngôi nhà mồ (chiếm diện tích khá rộng, đổ cột bê tông, xây tô, dán gạch men, làm mái chắc chắn) “của cha ông Bổng” trong lần vi phạm trước vẫn còn giữ nguyên.

Giải thích về việc chừa lại ngôi nhà mồ, ông Trần Thiện Trang- Phó Chủ tịch UBND xã Lợi Thuận cho biết: “Có một cái hũ được đem chôn trong mộ, tuy chưa biết được là hài cốt thật hay giả, nhưng do cha ông Bổng được xác định là liệt sĩ, nên xã đã thống nhất giữ lại ngôi nhà mồ xem như để tưởng nhớ, an ủi người đã hy sinh”.

Trong lần chiếm đất thứ hai, ông Bổng đã thuê người khắc ghi tên tuổi “người thân” của mình vào các bia mộ (2 ngôi mộ dán gạch men đã được lắp bia).

Ngày 6.6.2017, xã đã cho mời những người có liên quan đến trụ sở để giải quyết. Tại đây, ông Bổng trình bày: “Đây là các phần mộ của “ông sơ, bà sơ” tôi (không rõ năm sinh, năm mất); anh hai của ông nội, anh năm của ông nội, em út của ông nội; 2 mộ đã gắn bia là của ông cố, bà cố” (!?).

Ông Bổng còn kể rõ là đi bốc cốt với ông chú và các em con của ông chú, bốc ở bên Campuchia mang về. Mới đây, UBND xã Lợi Thuận đã tiến hành xác minh những lời khai của ông Bổng. Cuối cùng, người vi phạm đã nhận sai, nhưng vẫn bảo vệ hành vi sai trái với lập luận theo kiểu không phục.

Do tình làng, nghĩa xóm (!?)

Ông Trần Thiện Trang kể lại, ông và cán bộ tư pháp xã Lợi Thuận đã phải sang tận Campuchia để xác minh lời khai của ông Bổng. Hai ông đã trực tiếp nhờ người được cho là trước đó đã bốc 7 hài cốt “người thân” của ông Bổng dẫn đến hiện trường.

Thế nhưng, người này chỉ chứng minh được 2 chỗ có dấu bốc mộ để lại, còn lại 5 chỗ khác giáo Bổng đã khai là không có thực. Vậy mà khi xã làm việc với ông Bổng, ông vẫn một mực khẳng định có bốc cả 7 hài cốt của người thân, nhưng chỉ mới bốc được 2 mộ của ông cố, bà cố thì người đào mộ say rượu, nên phải thuê một số người Campuchia bốc  5 cốt còn lại, tạm thời chưa liên hệ được những người này, sẽ bổ sung sau.

“Tôi lưu ý người khai phải nghiêm túc, bởi dấu đào huyệt qua nhiều ngày sẽ khác với dấu mới đào (bổ sung sau), nếu cố tình tạo dựng hiện trường giả sẽ bị xử lý nghiêm. Cuối cùng, ông Trương Văn Bổng cũng thừa nhận chỉ thực sự bốc 2 cốt của ông cố, bà cố”, ông Trang cho biết.

Thật ra, hiện trường còn để lại của hai “ngôi mộ” được cho là có bốc cốt cũng cần phải được làm rõ, bởi sự việc mới chỉ dừng lại ở lời khai một phía từ người được thuê đào mộ và ông Bổng.

Trong khi, trong biên bản làm việc vào ngày 6.6.2017 (thời điểm trước khi ông Trang và cán bộ tư pháp xã đi xác minh) có đoạn nhắc đến sẽ kiểm tra lời khai của đương sự. Nghi vấn đặt ra là, có hay không việc ông Bổng đã “đi trước một bước” nhằm minh chứng cho lời khai của mình?

Trong biên bản làm việc với ông Trương Văn Bổng vào ngày 4.7, UBND xã Lợi Thuận buộc người vi phạm phải đập bỏ 5 mộ xi măng chưa gắn mộ bia để trả lại hiện trạng đất nghĩa địa- nghĩa là vẫn cho giữ lại 2 ngôi mộ được cho là của ông cố và bà cố ông Bổng (!?).

Ông Trần Thiện Trang đã giải thích về việc này như sau: “Người đào mộ đã trực tiếp dẫn chúng tôi đến hiện trường nơi có dấu hai chỗ được lấy cốt. Thiết nghĩ, nếu không phải là cốt thật của ông bà đi nữa, nhưng ông Bổng đã có lòng tưởng niệm người quá cố, nên xã mới cho giữ lại để thờ cúng. Lưu ý là việc này không được tái diễn theo kiểu tương tự” (!?).

Khi được hỏi: “trong quy chế sử dụng đất nghĩa địa, được đặt công khai, ghi rõ   là không được đem hài cốt ở nơi khác vào đây chôn?”. Ông Trang trả lời: “Xét thấy ông Bổng là người địa phương, tình làng nghĩa xóm bao nhiêu năm nay, lại thể hiện thành ý con cháu tưởng nhớ đến ông bà, hơn nữa cũng cần phải thông cảm khi chuyển sang áp dụng những quy định về nông thôn mới người dân còn nhiều bỡ ngỡ, nên chúng tôi mới thống nhất giải quyết theo cách đó”.

Được biết, sáng 5.7, ông Bổng đã cho người đập bỏ 5 ngôi mộ xi măng theo nội dung biên bản yêu cầu. Như vậy, hiện tại vẫn còn đến 3 ngôi mộ của “người thân” ông Bổng, đó là mộ cha, ông cố và bà cố của ông Bổng.

Sự thật nằm dưới 3 ngôi mộ này dần hé lộ, khi ông Bổng bày tỏ với phóng viên (qua điện thoại) không “khẩu phục, tâm phục”: “Tất cả đều chỉ là những “nắm đất tượng trưng”, bởi người chết đã từ hàng chục đến hàng trăm năm thì còn đâu xương cốt. Tôi “đã sai khi không trình báo địa phương” về việc làm của mình, nhưng “không sai khi thể hiện tâm linh gia đình”.

Phó Chủ tịch Trang đã cho biết hướng xử lý là sẽ tiến hành xử phạt hành chính đối với ông Trương Văn Bổng. Mức xử phạt được áp dụng theo khoản 2, Điều 10, Nghị định 102/NĐ-CP ngày 15.11.2014 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai; đồng thời, sẽ có kiến nghị xử lý cán bộ gửi đến Phòng Giáo dục, nơi ông Bổng đang công tác.

Điều đáng nói, trường hợp của ông Bổng đã vi phạm nhiều lần, nhưng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, lại còn giữ nguyên một số mồ mả mà người vi phạm đã tự ý cải táng, liệu hướng giải quyết như vậy đã thật sự nghiêm minh và đủ sức răn đe? Bởi trong lần xử lý việc đắp mộ đất giả trước đó, chính quyền địa phương cũng đã “nặng tình” giữ lại mộ cha của ông Bổng và yêu cầu ông không được tái phạm, nhưng rồi thực tế… như chúng ta đã biết.

Qua sự việc của ông Bổng, thử đặt ra một giả thuyết: Nếu tất cả người dân trong vùng đều thể hiện “tâm linh gia đình” như cách của ông, nghĩa là cứ bốc lấy những “nắm đất tượng trưng” được cho là hài cốt từ thời của ông sơ, bà sơ đem về đây cải táng… chắc chắn không bao lâu sau sẽ hết sạch quỹ đất của nghĩa địa Xóm Dầu.

Thế nên, dư luận cho rằng cần phải xử lý nghiêm minh hành vi của ông Bổng để lập lại trật tự quản lý đất công cộng.

Quốc Sơn - Minh Tiên

Tin cùng chuyên mục