Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Khu đất công (khu 309 ha) ở xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu (DMC) được UBND tỉnh giao cho UBND huyện DMC quản lý, sử dụng từ năm 1999…

Khu đất công (khu 309 ha) ở xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu (DMC) được UBND tỉnh giao cho UBND huyện DMC quản lý, sử dụng từ năm 1999. Trước đó, khu đất này do Công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng quản lý trong suốt quá trình thi công hồ nước. Đến nay, có khoảng hơn 200 ha đất ở khu vực này do người dân sử dụng, cất nhà ở, trồng cây…
Trong tổng số diện tích trên, có khoảng 85 ha được Công ty Khai thác Thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng và UBND xã Phước Minh cấp, cho người dân “mượn” từ năm 1999 trở về trước. Còn lại là do người dân tự “xí phần” hoặc sang nhượng lại không đúng quy định của pháp luật. Hầu hết những hộ sử dụng đất ở khu 309 ha đều không được xét cấp sổ đỏ, dù đã “sử dụng ổn định” nhiều năm.
Trước đây, ngành chức năng và UBND huyện DMC đã dự kiến nhiều biện pháp giải quyết tình trạng người dân sử dụng đất công không hợp pháp hoặc “bán hợp pháp” ở khu vực này nhưng đều chưa áp dụng. Khoảng đầu năm 2008, huyện DMC đã lập phương án giải quyết tình trạng “khó xử” ở xã Phước Minh. Theo ghi nhận của phóng viên qua tiếp xúc với một số hộ dân, nếu áp dụng phương án này thì đa số hộ dân đồng tình.
Dự kiến, đối với các hộ sử dụng đất có nguồn gốc do Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng và UBND xã Phước Minh cấp, cho mượn, sau đó các hộ dân tự sang nhượng, cho từ trước năm 1988 (thời điểm chưa có Luật Đất đai): Nếu đất sử dụng phù hợp với quy hoạch thì giao cho các hộ đang sử dụng mỗi hộ 400m2 đất thổ cư, không thu tiền sử dụng đất. Số diện tích đất còn lại (nếu có) thì giao cho các hộ dân sử dụng theo loại đất nông nghiệp. Nếu Nhà nước không giao cho các hộ dân diện tích đất ngoài 400m2 đất thổ cư mà thu hồi thì phải đền bù đất và tài sản, hoa màu trên đất. Nếu đất mà các hộ dân đang sử dụng không phù hợp quy hoạch thì Nhà nước thu hồi đất có đền bù đất và tài sản, hoa màu. Đồng thời, các hộ này sẽ được giao 400m2 đất thổ cư được quy hoạch ở khu tái định cư, có thu tiền sử dụng đất.
![]() |
Cao su trồng trên đất ở khu 309 ha |
Đối với các hộ dân sử dụng đất công có nguồn gốc do Công ty khai thác công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng và UBND xã Phước Minh cấp, cho mượn, sau đó, các hộ dân tự sang nhượng trong thời điểm đã có Luật Đất đai (sau ngày 1.7.1988), nếu đất được sử dụng phù hợp với quy hoạch chung, Nhà nước giao cho mỗi hộ dân 400m2 đất thổ cư có thu tiền sử dụng đất. Nhà nước tiến hành thu hồi số diện tích còn lại (nếu có), người dân được đền bù công khai phá và hoa màu, tài sản trên đất nhưng không được đền bù giá trị đất bị thu hồi. Nếu đất được sử dụng không phù hợp quy hoạch chung, Nhà nước thu hồi đất có đền bù công khai phá và tài sản, hoa màu nhưng không bồi thường đất. Nhà nước giao 400m2 đất thổ cư nơi quy hoạch khu tái định cư, có thu tiền sử dụng đất.
Riêng đối với đất do các hộ dân tự ý bao chiếm, sang nhượng, tặng cho… trái phép: Nếu đất được sử dụng phù hợp với quy hoạch thì Nhà nước giao cho mỗi hộ dân 400m2 đất thổ cư có thu tiền sử dụng đất. Nhà nước tiến hành thu hồi số diện tích còn lại (nếu có), người dân được đền bù công khai phá và hoa màu trên đất nhưng không được đền bù giá trị đất bị thu hồi. Nếu đất được sử dụng không phù hợp quy hoạch chung, Nhà nước thu hồi đất có đền bù công khai phá, hoa màu và hỗ trợ tiền di dời, không bồi thường đất. Nhà nước giao 400m2 đất thổ cư nơi quy hoạch khu tái định cư, có thu tiền sử dụng đất.
Thế nhưng, sau 4 năm đề ra phương án trên và sau khoảng 10 năm giải quyết tình trạng người dân sử dụng đất công ở xã Phước Minh, huyện DMC, đến nay khu đất này vẫn do người dân quản lý sử dụng. Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn còn “lúng túng” chưa thể áp dụng phương án đã đề ra mà cũng chưa có phương án giải quyết khác phù hợp, khả thi hơn. Thiết nghĩ, việc giải quyết tình trạng sử dụng đất công không đúng quy định của pháp luật ở xã Phước Minh không phải là “chuyện nhỏ”, cần sớm được chính quyền địa phương quan tâm, nhằm góp phần tạo điều kiện cho xã Phước Minh phát triển ổn định, các hộ dân yên tâm sinh sống, trồng trọt. Bởi cứ để kéo dài tình trạng như thời gian qua, nhiều người dân cứ mãi phập phồng lo lắng, không biết “số phận” của thửa đất mà họ đang sử dụng sẽ ra sao.
HOÀNG ĐÌNH BẢO