Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông: Cần làm ngay trong thời điểm “thuận lợi” hiện nay
Thứ bảy: 05:47 ngày 07/08/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chỉ trong thời gian ngắn, có 5 doanh nghiệp đã gửi hồ sơ, đề án xử lý lục bình đến các ngành chức năng như Sở Khoa học- Công nghệ, Sở Giao thông- Vận tải để giúp tỉnh nhà giải quyết tình trạng lục bình ngăn cản dòng chảy của sông Vàm Cỏ.

Trong những ngày cuối mùa khô, cả tỉnh xôn xao vì chuyện lục bình mọc tràn sông Vàm Cỏ Đông, ngăn cản các phương tiện vận chuyển nhỏ và trung bình trên sông. Báo Tây Ninh và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã có nhiều bài viết về vấn nạn này, làm cho lãnh đạo chính quyền tỉnh và các huyện có sông Vàm Cỏ đi qua đều quan tâm, như “Cuộc chiến chống lục bình” (ngày 16.3.2010), “Lục bình tấn công sông Vàm” (ngày 27.3.2010),…

Lục bình dưới chân cầu Gò Chai (ảnh chụp ngày 21.4.2010)

Trước tình trạng lục bình sinh sôi nẩy nở nhanh chóng trên sông gây cản trở giao thông đường thuỷ trên sông Vàm Cỏ Đông, nhiều “cây sáng kiến” được sự hỗ trợ của doanh nghiệp đã tập trung nghiên cứu cách trục vớt, chế biến lục bình thành sản phẩm phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Chỉ trong thời gian ngắn, có 5 doanh nghiệp đã gửi hồ sơ, đề án xử lý lục bình đến các ngành chức năng như Sở Khoa học- Công nghệ, Sở Giao thông- Vận tải để giúp tỉnh nhà giải quyết tình trạng lục bình ngăn cản dòng chảy của sông Vàm Cỏ. Các doanh nghiệp tâm huyết với việc xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ là: Công ty TNHH L.C, dự kiến đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng để xử lý lục bình bằng phương tiện cơ giới. Máy trục vớt của công ty sẽ ép lục bình thành khối để dễ dàng vận chuyển đi chế biến. Một đơn vị khác là Công ty TNHH MTV Thương mại- Xây dựng-Đầu tư Mê Kông (TP.HCM) đã gửi Sở GT-VT Tây Ninh đề án tóm tắt về việc thu gom xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. Đề án này cho biết, Công ty Mê Kông sẽ đầu tư khoảng 3 tỷ đồng để đầu tư máy cắt, băng tải, máy tách nước, máy đóng gói và nhân công để xử lý lục bình. Sau khi đóng gói, lục bình sẽ có thể chế biến thành phân mùn hoặc một số sản phẩm khác phục vụ trong nông nghiệp. Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thanh Sơn thì đề ra một dự án có quy mô lớn. Công ty dự kiến sẽ thu gom lục bình và đưa lên 9 địa điểm dọc sông Vàm Cỏ, ở những nơi thuận lợi cho việc vận chuyển lục bình bằng đường bộ. Dự kiến, mỗi địa điểm chứa lục bình vớt từ sông lên rộng khoảng 1 ha. Quy trình vớt lục bình là: Công ty sẽ sử dụng băng chuyền đặt trên bờ, băng chuyền đưa lục bình từ dưới sông lên xe tải chờ tại bãi chứa, sau đó chuyển đi tiêu thụ. Băng chuyền hoạt động 7 giờ/ngày với công suất trung bình 5 tấn/giờ. Lục bình vớt lên có thể được dùng làm phân hữu cơ hoặc thức ăn gia súc.  Công ty dự tính: với công suất 35 tấn/ngày/điểm vớt lục bình, tại 9 điểm sẽ vớt được 315 tấn/ngày. Nếu hoạt động suốt 300 ngày/năm, sẽ có 94.500 tấn lục bình được vớt lên khỏi sông Vàm. Công ty Thanh Sơn dự kiến tổng chi phí hoàn thành việc vớt lục bình trong 1 năm lên đến… trên 9,25 tỷ đồng, gồm: chi phí xây dựng 9 điểm vớt lục bình trên 1 tỷ đồng; chi phí đầu tư xe tải (18 chiếc) hơn 6,1 tỷ đồng; chi phí thiết bị băng chuyền, máy móc hơn 1,2 tỷ và phí dự phòng gần 850 triệu đồng. Trung bình, để vớt mỗi tấn lục bình, phải chi phí hết 200.000 đồng. Để có nguồn vốn cho dự án, công ty đề nghị tỉnh hỗ trợ 60% kinh phí (khoảng 5,5 tỷ đồng),…

Trước sự nhiệt tình của các doanh nghiệp, các ngành chức năng của tỉnh đã mở nhiều cuộc họp, xem xét nhiều phương án để trình UBND tỉnh một đề án tối ưu nhằm nhanh chóng tiêu diệt “giặc lục bình”. Đầu tháng 6.2010, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các Sở Giao thông - Vận tải, Kế hoạch - Đầu tư, Khoa học - Công nghệ và Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn do Sở GT-VT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thí điểm vớt lục bình bằng máy. Sau khi thực hiện thí điểm phải rút kinh nghiệm để hoàn chỉnh dự án vào mùa khô 2010-2011…

Sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh chưa được bao lâu thì mùa mưa 2010 bắt đầu. Khác với mọi năm, năm nay đã gần hết tháng 6 âm lịch nhưng mưa rất ít. Dù vậy chỉ sau vài cơn mưa khá lớn vào đầu tháng 6, nước từ thượng nguồn chảy về đã “lùa” phần lớn lục bình xuống hạ lưu. Nhiều đoạn sông trước đây dày đặc lục bình nay đã thưa thớt. Trưa 4.8.2010, chúng tôi đứng trên cầu Gò Chai nhìn lên thượng lưu, nhìn xuống hạ lưu, nhìn mặt nước sông hiện ra lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời. Chỉ thấy sát hai bên bờ sông những cụm lục bình nhỏ quấn theo những đám chà và bóng cây chưa bị nước cuốn đi.

Hạ nguồn cầu Gò Chai ngày nay (ảnh chụp ngày 4.8.2010)

Không bao lâu nữa, khi mùa mưa bước vào cao điểm, lục bình trên sông sẽ bị cuốn hết xuống hạ lưu. Đây chính là thời điểm chúng ta tiêu diệt lục bình dễ dàng, nhanh chóng và “rẻ” nhất. Để tiến hành việc này, những người am tường “quy luật phát triển lục bình” trên sông Vàm Cỏ Đông cho rằng, các huyện dọc hai bên sông có thể tổ chức cho nhân dân dùng ghe chèo tay vớt hết lục bình trên các rạch thông với sông Vàm Cỏ và ủ đống ngay bên rạch. Đồng thời dùng ghe máy, lấy sào tách các cụm lục bình đang “trốn” ở các vàm, cửa rạch, gốc cây, cụm chà… ven sông và đưa chúng ra giữa dòng để nước cuốn đi. Tất nhiên việc làm trên phải thực hiện đồng bộ, không bỏ sót một đoạn sông, con rạch nào. Rồi sau đó phải làm liên tục quanh năm, khi lục bình vừa “manh nha” xuất hiện, không để cho đến khi lục bình “bành trướng” đặc kín mặt sông. Tuy nhiên, về lâu dài, các ngành chức năng phải kiểm tra, xử lý kịp thời những doanh nghiệp, hộ dân cư xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra sông, tạo môi trường nước thuận lợi cho lục bình sinh sôi nẩy nở.

Chúng tôi hy vọng, với sự chỉ đạo đồng bộ, nhất quán của chính quyền và ngành chức năng tỉnh nhà, Tây Ninh chúng ta sẽ sớm tiêu diệt “giặc” lục bình trên sông Vàm Cỏ bằng biện pháp “thủ công”, tiết kiệm mà hiệu quả chứ còn đợi đến khi lục bình phủ kín dòng sông, các phương tiện cơ giới được đầu tư tiền tỷ mới “ra tay” thì… chậm quá. Đồng thời hiệu quả của việc vớt lục bình bằng máy vẫn là vấn đề gây nhiều bàn cãi bởi tính khả thi và quá tốn kém.

VÕ CƯỜNG - HOÀNG THI

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục