Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ: Không cần “vớt sạch”
Thứ tư: 05:13 ngày 25/05/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo tính toán của Sở GT-VT, tổng diện tích mặt sông cần được bảo đảm thông thoáng là trên 7 triệu m2.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thảo ký 2 văn bản có nội dung “Phê duyệt nhiệm vụ, dự toán công tác xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông” và “Phê duyệt các nội dung yêu cầu để đánh giá hồ sơ đề xuất xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông”.

Trước đó, Sở GT-VT có tờ trình về việc phê duyệt các nội dung yêu cầu để đánh giá hồ sơ đề xuất xử lý lục bình. Nội dung tờ trình cho biết việc xử lý lục bình trên sông để bảo đảm thông thoáng dòng chảy và luồng tàu chạy là “chưa có tiền lệ”. Để có cơ sở tổ chức đấu thầu gói thầu xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông, Sở GT-VT đề xuất vận dụng hình thức chào hàng cạnh tranh.

Theo tính toán của Sở GT-VT, tổng diện tích mặt sông cần được bảo đảm thông thoáng là trên 7 triệu m2. Đơn giá Nhà nước hỗ trợ phần chi phí cho việc xử lý lục bình (bao gồm cả chi phí vận chuyển đến nơi tập kết tính trên 1m2 mặt sông là 850 đồng. Tổng dự toán kinh phí hỗ trợ vớt lục bình là 6 tỷ đồng.

Chỉ cần vớt lục bình cho thông thoáng luồng tàu chạy

Phạm vi yêu cầu về việc xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông không cần phải “làm sạch” lục bình mà chỉ cần làm cho thông thoáng luồng tàu chạy, làm thông thoáng dòng chảy với chiều dài khoảng 101 km (từ rạch Tràm, xã Phước Chỉ, Trảng Bàng đến chốt Biên phòng Đồn 839, xã Hoà Hiệp, Tân Biên), chiều rộng bình quân phải bảo đảm thông thoáng là 70m. Sau khi vớt lục bình lên bờ, doanh nghiệp tham gia xử lý lục bình phải có bãi tập kết, có phương án sử dụng lục bình thành các sản phẩm có ích hoặc có nơi tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, tổ chức, cá nhân tham gia xử lý lục bình phải có phương án bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng xấu đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân ở khu vực ven sông, gần bãi tập kết lục bình.

Ông Nguyễn Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Bước đầu, dự kiến thời gian thực hiện xử lý lục bình trong 90 ngày kể từ khi ký hợp đồng. Sau đó, đơn vị, tổ chức, cá nhân trúng thầu sẽ duy trì cho dòng sông thông thoáng liên tục trong 5 năm.

Để được tham gia đấu thầu, các đơn vị, tổ chức, cá nhân phải có các điều kiện sau: Về năng lực tài chính, nhà thầu phải chứng minh có vốn cố định và lưu động từ 3 tỷ đồng trở lên; phải có đủ phương tiện cơ giới dùng để vớt lục bình; công suất vớt lục bình mỗi ngày từ 78.000m2 trở lên; phải trình bày phương pháp, máy móc, thiết bị vớt hợp lý, khả thi để đạt công suất yêu cầu; phải chứng minh lục bình sau khi vớt được đưa vào bãi tập kết, sử dụng lục bình chế biến thành các sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài hoặc có nơi tiêu thụ ổn định, không gây ô nhiễm môi trường.

Về hình thức thanh toán kinh phí xử lý lục bình, Sở GT-VT đề xuất chia đều 5 kỳ trong 5 năm. Ngay sau khi ký hợp đồng, đơn vị trúng thầu sẽ được tạm ứng tối đa không quá 30% giá trị hợp đồng. “Ngưỡng” giá thầu cao nhất cho gói thầu xử lý lục bình mà UBND tỉnh đã đồng ý theo đề xuất của Sở GT-VT là không vượt quá 6 tỷ đồng.

BẢO TÂM

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục