BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xử lý nghiêm các hành vi buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng 

Cập nhật ngày: 07/02/2023 - 23:02

BTN - Các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc về thực hiện các quy định về mua bán phải có hoá đơn chứng từ hợp lệ...

UBND tỉnh vừa có chỉ đạo Sở Y tế, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh tăng cường công tác quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc, đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Chỉ thị 17/CT-TTg về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng phải quán triệt sâu sắc và đề cao tinh thần trách nhiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt nhóm hàng liên quan đến chăm sóc, nâng cao sức khoẻ con người, phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài.

Thủ tướng Chính phủ nhận định, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền vẫn đang diễn ra rất phức tạp.

Tỷ lệ phát hiện, xử lý còn thấp, vi phạm diễn ra ngày một đa dạng với phương thức thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Các đối tượng lợi dụng những bất cập về cơ chế chính sách, sơ hở trong công tác quản lý và hạn chế của người tiêu dùng để sản xuất, phân phối, hình thành các đường dây, băng nhóm sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nói trên.

Để thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan và UBND các địa phương tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Song song đó, xây dựng và thực hiện kế hoạch thường xuyên về kiểm tra, kiểm soát thị trường thuốc. Thiết lập và công bố các đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân về các hành vi sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng.

Phối hợp Sở Công Thương nghiên cứu, tổ chức hệ thống phân phối thuốc trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu cung ứng thuốc trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh và phù hợp yêu cầu quản lý trong tình hình mới hiện nay.

Tiếp tục triển khai Đề án ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 23.8.2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc.

UBND tỉnh giao Cục Quản lý thị trường phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng phương án chống thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc và thuốc kém chất lượng; phối hợp các cấp, ngành, lực lượng chức năng địa phương triển khai các phương án đã được phê duyệt, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm về sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, vận chuyển, tiêu thụ thuốc giả.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường tập trung điều tra, khám phá và xử lý các đường dây, các cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc giả. Kiểm tra và kịp thời ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán qua biên giới các loại thuốc giả, thuốc nhập lậu, không cho thuốc giả, thuốc nhập lậu lọt qua biên giới, cửa khẩu, xâm nhập vào hệ thống lưu thông phân phối và sử dụng thuốc trong lãnh thổ Việt Nam.

Các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc về thực hiện các quy định về mua bán phải có hoá đơn chứng từ hợp lệ, thông báo kịp thời cho ngành Y tế về trường hợp buôn bán thuốc không đủ hoá đơn chứng từ hợp lệ, có nghi ngờ về nguồn gốc, chất lượng. Xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, vận chuyển, tàng trữ và buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Đức An