Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quản lý, bảo vệ rừng
Thứ hai: 06:18 ngày 15/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Kiên quyết loại thải những cán bộ thoái hoá, biến chất ra khỏi bộ máy; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật hoặc lợi dụng chủ trương cải tạo rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng để trục lợi; xử lý trách nhiệm bồi thường giá trị tài nguyên rừng...

Công tác chăm sóc và bảo vệ rừng tiếp tục được chú trọng trong thời gian tới (Trong ảnh: Rừng Phước Minh, một trong những khu rừng đẹp cần được quan tâm gìn giữ và bảo vệ).

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng, rừng phát triển ổn định về số lượng và chất lượng, độ che phủ tiếp tục tăng, tình trạng phá rừng, lấy cắp lâm sản ngày càng được kéo giảm. Tuy nhiên, ở một số nơi, tình hình phá rừng, lấy cắp lâm sản, lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp vẫn còn xảy ra, nhất là trên địa bàn khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Từ đó, UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian tới, các sở, ban, ngành và các địa phương có giải pháp tiếp tục bảo vệ và phát triển ổn định diện tích rừng hiện có và rừng tạo mới trong giai đoạn 2017-2020; nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, thông qua các hình thức như trồng rừng, bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên rừng, các loại dịch vụ môi trường rừng… để đạt tỷ lệ che phủ rừng 16,3% vào năm 2020.

Tiếp tục tăng cường năng lực thực thi pháp luật, giảm tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, phấn đấu diện tích rừng bị thiệt hại và số vụ vi phạm giảm bình quân từ 70% đến 80% so với giai đoạn 2012-2016. Trồng mới và trồng lại rừng sau khai thác, tỉa thưa 2.500 ha (trong đó trồng mới 1.300 ha rừng phòng hộ, đặc dụng từ những diện tích giải quyết trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp và trồng lại 1.200 ha rừng sau khai thác, tỉa thưa).

UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố có kế hoạch cụ thể thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ hằng năm; triển khai đồng bộ các giải pháp chủ yếu tại Quyết định số 2291/QĐ-UBND, ngày 3.10.2017 của UBND tỉnh, ban hành chương trình hành động thực hiện Kế hoạch số 43-KH/TU ngày 25.4.2017 của Tỉnh uỷ nhằm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020; thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Theo đó, Sở NN&PTNT tổ chức rà soát, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích quốc phòng, an ninh, các dự án phát triển kinh tế - xã hội cần thiết; giám sát chặt chẽ việc thực hiện không để xảy ra sai phạm; chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ, kiểm tra, rà soát và thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ tại các cơ sở chế biến để quản lý nguyên liệu hợp pháp; đình chỉ ngay những cơ sở vi phạm pháp luật, thành lập không đúng quy định của Nhà nước; kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông, xoá bỏ những tụ điểm kinh doanh, buôn bán gỗ, lâm sản trái pháp luật; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng; phối hợp điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời; tổ chức ngăn ngừa hành vi phá rừng nghiêm trọng; kiên quyết loại thải những cán bộ thoái hoá, biến chất ra khỏi bộ máy; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật hoặc lợi dụng chủ trương cải tạo rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng để trục lợi; xử lý trách nhiệm bồi thường giá trị tài nguyên rừng...

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố tiếp tục xác định ranh giới các loại rừng, đất lâm nghiệp ở những nơi chưa rõ ràng trên thực địa; đồng thời tổ chức đo đạc, điều chỉnh bổ sung, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các đơn vị chủ rừng để quản lý theo quy định.

UBND các huyện, thành phố thường xuyên chỉ đạo thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn, tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương, nhất là các xã có rừng. Kiểm điểm, xử lý nghiêm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn quản lý mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.

Đức An

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục