Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ông Nguyễn Văn Huấn- Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh (BHXH) cho biết, trước việc Chi nhánh Công ty taxi Sao Đỏ tại Tây Ninh nợ tiền BHXH, mới đây, BHXH tỉnh đã ban hành quyết định thanh tra đột xuất doanh nghiệp này. Sau khi thanh tra, tuỳ theo mức độ vi phạm, BHXH tỉnh sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật để xử lý, cũng như buộc doanh nghiệp này phải thực hiện việc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Người lao động tại Công ty taxi Sao Đỏ - chi nhánh Tây Ninh.
Theo ông Huấn, theo Luật BHXH năm 2014, có hiệu lực ngày 1.1.2016 và có một vài điều khoản có hiệu lực ngày 1.1.2018, cơ quan BHXH có chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH.
Cụ thể, căn cứ Điều 13 Luật BHXH năm 2014 cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đây là một cơ sở pháp lý quan trọng để ngành BHXH xử lý các doanh nghiệp chiếm dụng tiền BHXH, BHYT, BHTN của người lao động so.
Trước đây, theo Luật BHXH 2005, nếu doanh nghiệp nợ BHXH thì BHXH phải khởi kiện tại toà án. Sau khi có bản án của toà án, BHXH tiếp tục có đơn yêu cầu thi hành án tại các cơ quan Thi hành án nơi doanh nghiệp có trụ sở. Thế nhưng, có những vụ, doanh nghiệp cố tình không thực hiện hoặc kéo dài việc thi hành án gây khó khăn cho cơ quan BHXH.
Đơn cử như trường hợp Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Cỏ Xanh có trụ sở tại huyện Trảng Bàng. Công ty này bắt đầu tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động kể từ tháng 6.2009. Trong suốt quá trình tham gia, công ty luôn chậm trễ trong việc trích nộp BHXH, BHYT, BHTN, đã vi phạm về BHXH, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Từ tháng 1.2012 đến tháng 6.2017, doanh nghiệp này đã nợ BHXH số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.
Từ ngày 2.12.2013, cơ quan BHXH đã nộp đơn khởi kiện công ty ra TAND huyện Trảng Bàng với số nợ hơn 889 triệu đồng. Đầu năm 2014, TAND huyện Trảng Bàng ban hành quyết định công nhận sự thoả thuận giữa 2 bên, công ty đồng ý thanh toán tiền nợ BHXH cho cơ quan BHXH. Sau đó, cơ quan BHXH gửi đơn yêu cầu thi hành án đến Chi cục THADS huyện Trảng Bàng yêu cầu thi hành án. Thế nhưng, công ty không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Đến tháng 8.2016, tổ liên ngành kiểm tra doanh nghiệp trên và lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH. Ngày 18.10.2016, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định xử phạt hành chính với số tiền 75 triệu đồng; và buộc doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, Cỏ Xanh cũng không chấp hành quyết định xử phạt hành chính.
Đầu năm 2017, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính bằng hình thức trích tiền trong tài khoản doanh nghiệp nhưng vẫn không thể thực hiện được vì doanh nghiệp không có tiền trong tài khoản (!?).
Tương tự như Công ty Cỏ Xanh, Công ty sản xuất - thương mại - xuất nhập khẩu Hưng Khang tại thành phố Tây Ninh cũng cố tình nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền hơn 800 triệu đồng- từ tháng 12.2012 đến nay. Cơ quan BHXH tỉnh đã phối hợp với ngành chức năng xử lý nhưng doanh nghiệp... đóng cửa không tiếp đoàn công tác với lý do giám đốc không có ở nhà.
Do đó, BHXH tỉnh đã có văn bản gửi Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ- Công an tỉnh kiến nghị phối hợp xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Theo ông Huấn, trường hợp của 2 doanh nghiệp trên được xử lý theo Luật BHXH 2005 nên các chế tài chưa nghiêm. Còn hiện nay, theo Luật BHXH 2014, qua rà soát, BHXH nắm được việc nợ BHXH của doanh nghiệp kéo dài từ 3 tháng trở lên là có thể thanh tra theo quy định.
Bên cạnh đó, Điều 216 Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực ngày 1.1.2018, quy định về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Theo đó, người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Đây là chế tài quan trọng nhất để ngăn ngừa doanh nghiệp chiếm dụng tiền BHXH, BHYT, BHTN của người lao động. Bởi nếu khi đã có quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực BHXH mà doanh nghiệp còn cố tình vi phạm, cơ quan BHXH tỉnh sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
Ông Huấn cho biết thêm, kể từ tháng 4.2018, cơ quan BHXH tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý các doanh nghiệp nợ BHXH, BHTN, BHYT kéo dài trên địa bàn tỉnh và kiên quyết xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm.
THIÊN TÂM