Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Một công trình khai thác đất khoáng sản (ảnh minh hoạ).
Nhằm nâng cao công tác an toàn và bảo hộ lao động, đầu tư công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến gắn với công tác bảo vệ môi trường; cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ sau khi kết thúc khai thác theo quy định; ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác trái phép - nhất là khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông; công tác cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản... UBND tỉnh chỉ đạo như sau:
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản, tập trung vào công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là hoạt động khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông; kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường theo quy định pháp luật; xử lý nghiêm hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép; rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực theo quy định; triển khai thực hiện Nghị định số 23/2020/NÐ-CP ngày 24.2.2020 của Chính phủ về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đánh giá tình hình nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn, trong đó bao gồm các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức hoạt động khoáng sản thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hằng năm theo quy định, tổng hợp, báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về quản lý khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản và người dân địa phương nơi có khoáng sản.
Sở Công Thương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; nghiên cứu đề xuất công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến, phù hợp với đặc điểm khoáng sản của tỉnh để khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản và bảo vệ môi trường...
Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan thường xuyên kiểm tra hoạt động nạo vét, khơi thông luồng sông, suối thuộc thẩm quyền, đình chỉ và xử lý kịp thời các đơn vị lợi dụng việc nạo vét để khai thác khoáng sản trái phép; phối hợp với cơ quan Công an thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển khoáng sản vi phạm trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, nhất là các phương tiện vận chuyển quá khổ, quá tải, không thực hiện việc vệ sinh xe trước khi ra khỏi mỏ làm rơi vãi đất, cát, đá trên đường...
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan, chính quyền các cấp ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường; vận chuyển, tập kết và kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt là khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn; nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, khai thác khoáng sản trái phép.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố kiểm tra việc trồng rừng thay thế đối với diện tích đã chuyển mục đích để khai thác khoáng sản, tham mưu UBND tỉnh có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện; phối hợp với các sở, ngành và các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các đơn vị khai thác, nạo vét khơi luồng làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu, thoát lũ, sự ổn định của bờ sông, gây sạt lở bờ, bãi sông hoặc làm ảnh hưởng đến sự an toàn của các công trình ven sông; có giải pháp phòng, chống và khắc phục có hiệu quả tình trạng sạt lở bờ sông.
Cục Thuế tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành chế độ hoá đơn, chứng từ kế toán đối với việc kinh doanh cát, sỏi lòng sông; xử lý tình trạng hợp pháp hoá, hợp thức hoá chứng từ đầu vào đối với việc sử dụng cát, sỏi lòng sông tại các công trình, dự án; xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, khai man thuế, nợ đọng thuế, chậm nộp thuế đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật về thuế...
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn.
Ðồng thời, UBND tỉnh có công văn gửi các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Công ty TNHH MTV KTTL Dầu Tiếng - Phước Hoà về việc triển khai thực hiện Nghị định số 23/2020/NÐ-CP ngày 24.2.2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Theo công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về khai thác cát, sỏi trên sông, hồ; bảo vệ, phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát các dự án đang thi công, các bến bãi bốc xếp vật liệu xây dựng; chính quyền địa phương, lực lượng Công an, Thanh tra tài nguyên khoáng sản thường xuyên phối hợp trong công tác quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết bến bãi và trong kiểm tra, xử lý vi phạm; có hình thức xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ sở để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài mà không xử lý triệt để.
Ðình Chung