Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xử lý nghiêm, kịp thời hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng
Thứ tư: 15:20 ngày 29/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - UBND tỉnh đề nghị Hội Nông dân các cấp trong tỉnh, huyện cũng như người dân khi có sự việc liên quan đến chất lượng phân bón nên thông báo đến Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp xử lý đúng quy định.

Thời gian qua, cử tri nông dân trong tỉnh phản ánh tình trạng phân bón giả, kém chất lượng được buôn bán tràn lan, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và cuộc sống của một bộ phận nông dân.

Cử tri còn phản ánh, khi người dân phát hiện có dấu hiệu mua phải phân bón kém chất lượng, nghi ngờ phân bón giả nên đã báo thông tin đến cơ quan chức năng. Tuy nhiên, quá trình xử lý vụ việc rất chậm, không quyết liệt, khiến nông dân bức xúc.

Cụ thể như vừa qua, Báo Tây Ninh phản ánh trường hợp ông Ðặng Văn Thành (sinh năm 1963, ngụ ấp Rộc A, xã Thạnh Ðức) có mua 1.250kg phân NPK cao cấp loại 20-20-15+TE, do một doanh nghiệp ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An sản xuất.

Sở NN&PTNT vừa công bố danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2018, trong đó có nhiều trường hợp buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không có giá trị sử dụng, công dụng...

Cụ thể, các trường hợp buôn bán phân bón không có giá trị sử dụng, công dụng gồm: đại lý Tín Nghĩa 2 (xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu); đại lý Bình Minh (xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu); đại lý Hiệp Kiều (xã Phan, huyện Dương Minh Châu); đại lý Diễm Phúc (xã Hưng Thuận, Trảng Bàng); đại lý Năm Bi (xã Đồng Khởi, Châu Thành).

Các trường hợp buôn bán phân bón có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng như đại lý Minh Trung, đại lý Trung Kiên (xã Tân Hưng, Tân Châu); đại lý Năm Bi (xã Đồng Khởi, Châu Thành).

Đại lý Năm Bi (xã Đồng Khởi, Châu Thành), đại lý Diễm Phúc (xã Hưng Thuận, Trảng Bàng) còn buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có giá trị sử dụng, công dụng. 

Ông Thành mua số phân bón trên từ tháng 8.2017 tại đại lý phân bón P.V, ấp Ðá Hàng, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu.

Sau khi bón phân cho ruộng mía hơn 2 tháng, ông Thành phát hiện hạt phân vẫn gần như còn nguyên vẹn, không tan.

Trong khi ruộng mía còi cọc, vàng úa, kém phát triển. Phân bón kém chất lượng đã gây thiệt hại nặng nề cho vụ sản xuất mía vừa qua.

Ngay khi phát hiện vụ việc, ông Thành thông báo cho Hội Nông dân xã Thạnh Ðức biết. Hội Nông dân xã cử người xuống ruộng mía nhà ông Thành ghi nhận và lấy mẫu phân bón gửi về cơ quan Hội cấp trên cùng văn bản kiến nghị xử lý từ cuối năm 2017.

Tuy nhiên, đến giữa năm 2018, vụ việc vẫn “chìm xuồng”, ông Thành không nhận được câu trả lời, giải thích nào có liên quan đến chất lượng phân bón mà ông mua phải. Ðiều này gây bức xúc trong dư luận, nhất là nông dân ở địa phương.

Từ thực trạng buôn bán, xử lý phân bón giả như đã nêu, cử tri kiến nghị ngành chức năng trong tỉnh cần có giải pháp tăng cường công tác quản lý việc kinh doanh phân bón trên địa bàn để người dân an tâm sản xuất.

Trước phản ánh của nông dân, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo giải trình. Vừa qua, UBND tỉnh có văn bản trả lời về vấn đề này.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 27.6.2018, Ðội Quản lý thị trường số 1 đã cử đoàn công tác làm việc với ông Trương Anh Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Ðức và ông Nguyễn Thành Hay- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gò Dầu.

Ông Dũng cho biết, ngày 2.12.2017, Hội Nông dân xã Thạnh Ðức có nhận được phản ánh của ông Ðặng Văn Thành về việc mua và sử dụng nhằm phân bón kém chất lượng. Ngày 3.12.2017, Hội Nông dân xã gửi văn bản báo cáo, kiến nghị Hội Nông dân huyện Gò Dầu phối hợp với các ngành chức năng xử lý.

Ngày 4.12.2017, Hội Nông dân huyện Gò Dầu gửi văn bản báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Hội Nông dân tỉnh để có hướng giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết từ Hội Nông dân tỉnh.

Từ khi phát sinh vụ việc đến nay, Hội Nông dân cấp tỉnh, huyện, xã cũng không thông báo phản ánh của ông Ðặng Văn Thành về vụ việc nêu trên đến Chi cục Quản lý thị trường, Ðội Quản lý thị trường số 1 để được phối hợp xử lý.

Do đó, UBND tỉnh đề nghị Hội Nông dân các cấp trong tỉnh, huyện cũng như người dân khi có sự việc liên quan đến chất lượng phân bón nên thông báo đến Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp xử lý đúng quy định.

 UBND tỉnh cũng cho biết, công tác kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong quản lý vật tư nông nghiệp.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, Chi cục Quản lý thị trường đã đưa nội dung kiểm tra đối với mặt hàng này trong kế hoạch hằng năm, định kỳ hàng tháng. Chi cục cũng liên tục chỉ đạo các Ðội Quản lý thị trường theo dõi, quản lý địa bàn về các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón nhằm bảo đảm việc chấp hành pháp luật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ðể góp phần quản lý chặt chẽ việc kinh doanh phân bón trong thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo các Ðội Quản lý thị trường thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: phải theo dõi, nắm chắc quản lý địa bàn các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón có dấu hiệu vi phạm để kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như kinh doanh phân bón nhập lậu, phân bón giả, kém chất lượng và các vi phạm khác trong sản xuất, kinh doanh phân bón.

Sở Công Thương, Quản lý thị trường phải chủ động và phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng có liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón; tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, cho ký cam kết “Không kinh doanh hàng hoá nhập lậu, không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hoá không đảm bảo chất lượng và hàng hoá không đảm bảo an toàn thực phẩm” đến các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Mới đây, ông Đặng Văn Thành (xã Thạnh Đức, người mua nhằm phân bón kém chất lượng) cho biết, sau khi Báo Tây Ninh phản ánh vụ việc, phía nhà sản xuất phân bón trên đã cử người liên hệ với gia đình ông để thoả thuận việc bồi thường thiệt hại.

Theo ông Thành, đại diện nhà sản xuất và gia đình ông đã trao đổi, thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho người mua phải phân bón kém chất lượng có điều kiện tái sản xuất. Dù vậy, hiện gia đình ông Thành vẫn chưa được bồi thường.

Phía nhà sản xuất cho biết, sản phẩm phân bón của doanh nghiệp này có mặt ở Tây Ninh đã nhiều năm, mỗi năm tiêu thụ hàng chục ngàn tấn nhưng chưa bao giờ “bị tai tiếng gì”. Việc ông Thành mua nhằm phân bón kém chất lượng, phía nhà sản xuất cho rằng, nếu đúng là sản phẩm của họ (vì không có cơ sở để kết luận) thì đây là sự cố ngoài ý muốn, có thể do lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Do đó, nhà sản xuất sẽ tích cực hợp tác với người sử dụng phân bón kém chất lượng để giải quyết thoả đáng vụ việc.

ÐÌNH CHUNG

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục