Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xử lý nghiêm trường hợp sử dụng hoá đơn điện tử trái phép
Thứ ba: 18:01 ngày 01/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đối với người bán không xuất hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc ghi giá trị trên hoá đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán bị xử phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Cục Thuế Tây Ninh cho biết, trong những năm qua, Nhà nước thực hiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Về cơ bản các doanh nghiệp đã tuân thủ tốt pháp luật về thuế, tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp luôn tìm cách gian lận về thuế, mua bán hoá đơn không hợp pháp nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách Nhà nước.

Người tiêu dùng mua hàng tại cửa hàng Bách Hoá Xanh thị xã Hoà Thành.

Ông Nguyễn Tấn Lợi- Cục trưởng Cục Thuế Tây Ninh cho biết, các hành vi bị cấm khi sử dụng hoá đơn như: bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ không lập hoá đơn hoặc lập hoá đơn không đúng thời điểm theo quy định pháp luật. Sử dụng không đúng hình thức hoá đơn điện tử đã đăng ký với cơ quan thuế; sử dụng hoá đơn, chứng từ của đơn vị không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mua bán, sử dụng hoá đơn, chứng từ giả, không hợp pháp để trục lợi; mua bán, sử dụng hoá đơn, chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng; sử dụng hoá đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hoá đơn. Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan đến lĩnh vực hoá đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.

Sử dụng hoá đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hoá đơn tẩy xoá, sửa chữa không đúng quy định; sử dụng hoá đơn, chứng từ “khống”, không phản ánh đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hoá đơn “khống”, lập hoá đơn giả; sử dụng hoá đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hoá trong khâu lưu thông hoặc dùng hoá đơn của hàng hoá, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hoá, dịch vụ khác; sử dụng hoá đơn, chứng tử của tổ chức, cá nhân khác để hợp thức hoá hàng hoá, dịch vụ mua vào hoặc bán ra.

Với những hành vi vi phạm sử dụng hoá đơn điện tử trái pháp luật, căn cứ theo quy định tại Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19.10.2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn đối với người mua, trường hợp doanh nghiệp sử dụng hoá đơn không hợp pháp dẫn đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế bị xử phạt theo quy định tại Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Trường hợp doanh nghiệp sử dụng hoá đơn không hợp pháp làm giảm số thuế phải nộp, hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng cơ quan Thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện người mua chứng minh được lỗi vi phạm thuộc về bên bán thì xử phạt theo Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng hoá đơn không hợp pháp dẫn đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế bị xử phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Người tiêu dùng mua sắm và thanh toán tại siêu thị Co.opMart thị xã Trảng Bàng.

Đối với người bán không xuất hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc ghi giá trị trên hoá đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán bị xử phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Lập hoá đơn không đúng thời điểm, không đúng thứ tự bị xử phạt lên đến 8.000.000 đồng theo quy định tại Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự về tội in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước thực hiện theo Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015: Người có hành vi vi phạm quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 bị phạt tiền lên đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 5 năm.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 bị phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định lên đến 3 năm hoặc cấm huy động vốn lên đến 3 năm.

Nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng hoá đơn điện tử trái pháp luật, ngày 12.4.2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Công điện số 01/CĐ- BTC về tăng cường công tác quản lý, giám sát việc phát hành, sử dụng hoá đơn điện tử.

Theo đó, Cục Thuế tỉnh Tây Ninh đề nghị người bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hoá đơn để giao cho người mua, không phân biệt giá trị từng lần phát sinh (bao gồm cả hoạt động xuất khẩu). Trên hoá đơn phải lập đúng thời điểm,  bảo đúng đúng, đầy đủ hình thức, nội dung theo quy định pháp luật để gửi cho người mua và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của hoá đơn.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Go huyện Gò Dầu.

Đồng thời, phản ánh trung thực, đúng, rõ ràng, kịp thời nghiệp vụ kinh tế phát sinh vào hệ thống sổ sách kế toán của doanh nghiệp. Kê khai hồ sơ khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ đến cơ quan Thuế qua hệ thống dịch vụ thuế điện tử (eTax) đúng thời hạn quy định.

Đối với các giao dịch xuất khẩu liên quan hoàn thuế, sau khi cơ quan thuế thực hiện trao đổi thông tin với Vụ Hợp tác quốc tế về việc xác minh sự tồn tại của người mua ở nước người. Nếu kết quả xác minh không tồn tại, hợp đồng kinh tế xem như không hiệu lực, cơ quan thuế thực hiện thu hồi tiền hoàn thuế liên quan.

Bên cạnh đó, Cục Thuế đề nghị tổ chức, cá nhân khi mua hàng hoá, dịch vụ phải chủ động đối chiếu thông tin như: tên, địa chỉ, người đại diện pháp luật, trạng thái hoạt động của doanh nghiệp bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ phù hợp với thông tin hợp đồng cung cấp hàng hoá, dịch vụ đã ký kết. Đồng thời tự kiểm tra năng lực cung cấp hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp như: kho hàng, nhà xưởng, phương tiện vận tải...

Hiện nay, ngành Thuế đã triển khai “Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hoá đơn điện tử”, phục vụ cho công tác khoanh vùng rủi ro về hoá đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc; tăng cường kiểm soát, giám sát chất lượng, bảo đảm tối đa tính tuân thủ trong quá trình vận hành hệ thống; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hoá đơn điện tử, đặc biệt tập trung vào ứng dụng xác minh hoá đơn đầu vào, đầu ra; tiếp tục bổ sung, khai thác triệt để các công cụ, ứng dụng cảnh báo, phân tích dữ liệu, truy xuất, phát hiện các trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao về hoá đơn.

Nhi Trần

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục