BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xử lý nghiêm việc sử dụng ngư cụ cấm để đánh bắt cá 

Cập nhật ngày: 28/09/2020 - 00:01

BTN - Sở NN&PTNT cho biết, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh có công văn chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản của tỉnh, trọng tâm là hồ Dầu Tiếng.

Ghe nhủi đậu tại bến ghe đội 25, ấp B4, xã Phước Minh (huyện Dương Minh Châu).

Thời gian qua, tình trạng ngư dân sử dụng ngư cụ cấm để đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng được các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh phản ánh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, các địa phương, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh hoạt động đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng, từ đó, đề xuất các giải pháp xử lý việc sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản.

Theo phản ánh của Báo Tây Ninh, ngày 16.8, Phòng NN&PTNT Tân Châu phối hợp với Công an huyện, UBND các xã Suối Dây, Tân Thành và Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà tổ chức kiểm tra thực tế tình hình khai thác và đánh bắt cá tại các nhánh suối đầu nguồn hồ Dầu Tiếng trên địa bàn hai xã Suối Dây, Tân Thành tại 3 địa điểm khác nhau và ghi nhận như sau:

Tại các khu vực suối Mật Cật thuộc địa phận ấp 6 (xã Suối Dây), tiếp giáp với ấp Ðồng Rùm và ấp Tân Hoà (xã Tân Thành); khu vực nhánh suối thuộc địa phận ấp 5 - 6, xã Suối Dây (Suối Nhỏ); khu vực suối thuộc địa phận ấp Tân Hiệp và ấp Ðồng, xã Tân Thành (khu chuồng bò), các hộ dân dùng các ngư cụ đánh bắt gồm: vó cá, lồng xếp (lờ dây, bát quái, dớn...), đăng, lưới vây, chà cây dẫn dụ cá để khai thác và đánh bắt cá với mật độ dày đặc.

Các ngư cụ mà các hộ dân sử dụng để khai thác, đánh bắt cá chưa phù hợp theo quy định tại phụ lục II, Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Việc hộ dân sử dụng xung điện để khai thác và đánh bắt cá, tại thời điểm kiểm tra không phát hiện.

Ðại diện Phòng NN&PTNT huyện cho biết, Phòng đã kiến nghị UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn mời các hộ dân có sử dụng ngư cụ cấm đánh bắt cá trên địa bàn quản lý đến tuyên truyền và yêu cầu các hộ dân tự tháo dỡ các loại ngư cụ cấm khai thác, đánh bắt cá trong thời gian 14 ngày tính từ ngày ký cam kết thực hiện.

Nếu các hộ dân không tháo dỡ các ngư cụ cấm thì tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NÐ-CP của Chính phủ. Ðồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng ngư cụ được phép khai thác đánh bắt cá tại phụ lục II, Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT.

Chỉ đạo Công an huyện, UBND các xã, thị trấn thường xuyên tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng ngư cụ cấm để đánh bắt cá trên địa bàn huyện (đặc biệt là sử dụng xung điện để đánh bắt cá) theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NÐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản.

Tiếp đến, ngày 10.9.2020, Báo Mới Online có đăng bài “Khai thác cá kiểu tận diệt”. Thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến, Văn phòng Ðoàn ÐBQH, HÐND và UBND tỉnh đã có văn bản truyền đạt: giao Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật (nếu có vi phạm).

Theo Sở NN&PTNT, từ ngày 17-18.9, Sở đã tổ chức đoàn kiểm tra, xác minh hoạt động đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng. Thành phần đoàn gồm: Thanh tra Sở; Chi cục Chăn nuôi và Thú y; đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh; UBND huyện Dương Minh Châu; Công an huyện Dương Minh Châu; Ðồn Công an hồ nước Dầu Tiếng - Công an huyện Dương Minh Châu; đại diện Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà; UBND các xã Phước Minh, Phước Ninh.

Ðoàn đã kiểm tra, xác minh thông tin và khảo sát thực tế tại các bến ghe ấp Phước An, xã Phước Ninh; bến ghe đội 25, ấp B4, xã Phước Minh; các khu vực Gò Ðá, Sân Chầu, rừng Cấm; khu vực ấp Ðồng Kèn, xã Tân Thành, huyện Tân Châu trong hồ Dầu Tiếng.

Tại thời điểm kiểm tra, ở các bến, bãi đậu ghe trong hồ Dầu Tiếng có khoảng 55 chiếc ghe nhủi neo đậu, không có sự hiện diện của chủ ghe. Cụ thể, khu vực đội 25, ấp B4, xã Phước Minh có 29 chiếc; khu vực ấp Phước An, xã Phước Ninh có 6 chiếc; khu vực ấp Ðồng Kèn, xã Tân Thành có khoảng 20 chiếc.

Kiểm tra trong hồ Dầu Tiếng tại các khu vực Gò Ðá, Sân Chầu, rừng Cấm; khu vực ấp Ðồng Kèn, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, không phát hiện ghe nhủi hoạt động khai thác thuỷ sản.

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra phát hiện 3 trường hợp đang chở ngư cụ lồng xếp chuẩn bị khai thác thuỷ sản trong hồ. Ðoàn yêu cầu 3 chủ ghe di chuyển về Chốt kênh Tây - Ðồn Công an hồ nước Dầu Tiếng để xử lý.

Khi về đến Chốt, cả 3 người vi phạm đều không phối hợp, không chấp hành yêu cầu giao nộp ngư cụ cấm và ký cam kết không sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản của đoàn, với lý do họ không biết các quy định của pháp luật về khai thác thuỷ sản. Ngoài ra, cả 3 người còn có hành vi chống đối, chửi bới, xúc phạm các thành viên trong đoàn.

Mới đây, tại UBND huyện Tân Châu, Sở NN&PTNT có buổi làm việc với địa phương, UBND các xã ven hồ và các đơn vị có liên quan để có giải pháp xử lý hiệu quả việc sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản.

Ông Huỳnh Tấn Hiệp- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành (huyện Tân Châu) cho biết, xã có diện tích mặt nước giáp với lòng hồ Dầu Tiếng khoảng 5.300 ha, địa bàn rất rộng nên công tác quản lý ngư cụ đánh bắt cá rất khó vì địa phương không có phương tiện (ghe, tàu...) để đi kiểm tra; bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, công tác phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan chức năng có liên quan còn chưa nhịp nhàng.

Lãnh đạo UBND thị trấn Tân Châu cho biết, địa phương có diện tích mặt nước chỉ 79,2 ha gồm khu vực thuộc đập Tha La và khu vực thuộc lòng hồ Dầu tiếng. Tuy diện tích mặt nước nhỏ nhưng qua thống kê, số lượng ghe trên địa bàn có đến 43 chiếc, khu vực đánh bắt của ngư dân không phải ở địa phương mà chủ yếu ở vùng thuộc xã Tân Hiệp, Tân Phú và hồ Dầu Tiếng. Do vậy, cần thành lập đoàn liên ngành để bảo đảm công tác kiểm tra, xử lý có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phải xử lý nơi sản xuất, kinh doanh các ngư cụ, dụng cụ cấm này mới có thể chấm dứt được hoạt động đánh bắt cá kiểu “huỷ diệt” trên.

Ông Bùi Ðăng Khoa- Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà cho biết, việc thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng hằng năm nhằm tái tạo và đa dạng nguồn lợi thuỷ sản trong lòng hồ, cải tạo môi trường nước và tăng giá trị đánh bắt cho người dân.

Tuy nhiên, đánh bắt cá tận diệt sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định, chất lượng nguồn nước. Ông đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm các hộ dân vi phạm, đánh bắt trái phép- nhất là trong các tháng cao điểm. Trên tinh thần phối hợp chặt chẽ, đơn vị sẵn sàng phối hợp với địa phương, ngành chức năng để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Theo Sở NN&PTNT, nhằm xử lý có hiệu quả các trường hợp sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng, Sở đã đề xuất UBND tỉnh một số giải pháp: Do công tác thanh, kiểm tra việc sử dụng ngư cụ cấm khai thác thuỷ sản tiến hành trong môi trường đặc thù, tiềm ẩn nguy hiểm; thường xuyên gặp sự chống đối của các đối tượng vi phạm, đề nghị lực lượng công an là lực lượng nòng cốt, hỗ trợ tích cực trong công tác thanh tra, kiểm tra và có các biện pháp xử lý hành vi chống người thi hành công vụ của các cá nhân, tổ chức vi phạm (nếu có).

Ghe nhủi neo đậu tại suối Tha La. Ảnh: Minh Quốc

Ðề nghị UBND các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu chỉ đạo UBND các xã ven hồ tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác thuỷ sản; trong đó, nhấn mạnh nội dung Quyết định số 32/2020/QÐ-UBND ngày 25.8.2020 của UBND tỉnh quy định bổ sung ngư cụ cấm sử dụng khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh và việc nghiêm cấm các trường hợp tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản theo Công văn số 2127/UBND-KTTC ngày 7.9.2020 của UBND tỉnh về việc nghiêm cấm khai thác thuỷ sản trong thời gian thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng. Vận động ngư dân ký cam kết không mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản.

Sở sẽ xây dựng các pano tuyên truyền các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thuỷ sản, sau khi xây dựng, lắp đặt, sẽ bàn giao cho UBND các xã nơi đặt pano quản lý. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện Tân Châu, Dương Minh Châu phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm mọi vi phạm trong lĩnh vực thuỷ sản; xử lý tình trạng tàng trữ, mua bán, vận chuyển các loại ngư cụ cấm để khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.

Ðề nghị UBND huyện Dương Minh Châu chỉ đạo Công an huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương có hình thức kiểm tra, xử lý 3 trường hợp ngư dân chống đối nêu trên và siết chặt công tác khai báo tạm trú, lưu trú trong phạm vi hồ.

 Sở NN&PTNT cho biết, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh có công văn chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản của tỉnh, trọng tâm là hồ Dầu Tiếng.

Giang Hà