Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Xử lý nước thải chế biến hạt điều bằng lục bình: Đơn giản mà hiệu quả
Thứ bảy: 08:27 ngày 25/12/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Dùng cây lục bình hút chất bẩn, để biến nước thải thành nước sạch- câu chuyện nghe rất khó tin này đang được hiện thực hoá ở Công ty TNHH Tân Hoà (Công ty Tân Hoà) toạ lạc tại ấp Tân Hoà, xã Tân Bình, Thị xã.

Dùng cây lục bình hút chất bẩn, để biến nước thải thành nước sạch- câu chuyện nghe rất khó tin này đang được hiện thực hoá ở Công ty TNHH Tân Hoà (Công ty Tân Hoà) toạ lạc tại ấp Tân Hoà, xã Tân Bình, Thị xã.

Tác giả của công trình là ông Nguyễn Quốc Như, 58 tuổi, Giám đốc doanh nghiệp nói trên. Ngày 14.12.2010, phóng viên Báo Tây Ninh đã theo chân đoàn cán bộ lãnh đạo Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Tây Ninh đến Công ty Tân Hoà. Ông Như vui vẻ giới thiệu với đoàn về công trình xử lý nước thải chế biến hạt điều khá độc đáo của ông.   

Nước chế biến hạt điều khi mới thải ra

Trước tiên, ông hướng dẫn chúng tôi tham quan nơi ngâm hạt điều (sau khi hấp). Nước thải sau khi ngâm có chứa nhiều nhựa hạt điều, được dẫn cho chảy ra một hồ chứa nhỏ, diện tích khoảng 1,5m x 3m. Từ hồ chứa nhỏ, ông  Như cho đặt ống dẫn đưa nước thải sang một hồ chứa thứ 2 lớn hơn, khoảng 4m x 8m, theo nguyên lý nước chảy từ cao xuống thấp. Ở hồ này, thả nhiều lớp lục bình chồng chất lên nhau. Trong đó, hầu hết lục bình đều chết cả, chỉ một hai cây sống ngắc ngoải, yếu ớt. Từ hồ thứ 2, nước thải được dẫn tiếp sang hồ thứ 3. Cứ lần lượt như vậy đến hồ thứ 5, mỗi hồ cách nhau khoảng 30 mét. Nước thải càng qua nhiều hồ càng trong dần, lục bình cũng sống được nhiều hơn. Từ hồ thứ 5, nước theo mương dẫn chạy vòng vèo khoảng 80 mét đến hồ thứ 6 có diện tích lớn hơn- khoảng 15m x 30m, sâu khoảng 1,5 mét (tất cả 6 hồ và mương dẫn nước đều xây bằng xi măng, đáy bê tông chống thấm). Ở hồ thứ 6, nước đã khá trong, lục bình bắt đầu sinh sôi nảy nở. Từ hồ thứ 6, nước không chảy trực tiếp sang hồ thứ 7 mà thẩm thấu qua một con đê, chiều ngang 1 mét, cao 1 mét, dài 20 mét. Trong con đê chứa đầy cát và đá mi (loại đá nhuyễn). Nước từ hồ thứ 6 rỉ từ từ sang hồ thứ 7- diện tích 20m x 50m, sâu khoảng 2 mét. Ở hồ thứ 7 cũng là hồ cuối cùng, bày ra một cảnh tượng thú vị: nước trong veo, không còn mùi gì, lục bình dày đặc, nở hoa tím ngát và hàng ngàn con cá bơi lội tung tăng. Một công nhân lấy cám thức ăn rải xuống, đàn cá lóc, trê, rô phi, tai tượng và cả ếch ào ào bơi lại tranh nhau đớp mồi.

Ông Như kể: để có được công trình xử lý nước thải ấy, ông đã mất 10 tháng ròng rã nghiên cứu, thử nghiệm và đã nhiều lần thất bại. Mọi việc bắt đầu từ cái lần ông đọc được một tài liệu trên sách báo và biết được cây bèo lục bình là loại thuỷ sinh có nhiều vi sinh vật bám trên thân, rễ. Chúng có khả năng hấp thụ mạnh các chất dinh dưỡng, phân giải và đồng hoá các chất bẩn trong môi trường nước. Trong đầu ông loé lên ý nghĩ dùng cây lục bình để xử lý nước thải chế biến hạt điều cho công ty mình. Nghĩ là làm, đầu năm 2010, ông Như bắt tay vào xây hồ chứa nước thải và thả lục bình xuống. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Bao nhiêu lục bình thả xuống đều… chết sạch, nằm chồng chất lên nhau thành một lớp dầy. Nản quá, ông ném luôn mớ lục bình còn lại lên đó, coi như bỏ cuộc. Hôm sau ra xem, bất ngờ ông thấy một vài cọng lục bình còn sống. Ngạc nhiên, ông vớt lên xem. Thì ra là qua nhiều lớp rể lục bình đã chết, nước thải đã nguội đi và chất thải đã bị phân huỷ bớt nên những cây lục bình trên cùng đã sống được. Nắm bắt nguyên lý ấy, ông bắt đầu đào đất, xây dựng thêm 6 cái hồ liên tiếp, cố ý dẫn nước thải đi vòng vèo hàng trăm mét để chúng có thời gian nguội lại và hoai đi. Ông tiếp tục thả lục bình vào các hồ và nhận thấy ở hồ cuối cùng chúng đã sinh sôi nảy nở. Mừng quá, ông thả thử một số cá vào nuôi, thấy chúng cũng sống khoẻ. “Lúc đó tôi mừng không thể tả. Tôi mới hiểu vì sao ngày xưa nhà bác học Asimet đã nhảy cẫng khỏi bồn tắm khi phát hiện ra lực đẩy của nước”- ông Như vui vẻ nói.            

 Tuy nhiên, mọi chuyện lại một lần nữa trêu ngươi với ông. Sau một đêm mưa lớn, sáng ra cá chết trắng, đám lục bình cũng “đội nón ra đi”. Xem lại nước dưới ao, ông phát hiện ra nước mưa đã làm tràn các hồ chứa nước thải đang trong giai đoạn xử lý xuống hồ cá. “Lượng nước thải xuống đột ngột, nhiều quá khiến cá và lục bình không thể thích ứng kịp. Vì vậy chúng chết”, ông Như kết luận. Lại một lần nữa, ông bắt tay vào cải tạo lại hệ thống hồ xử lý nước thải. Ông cho tách đường dẫn nước thải và nước mưa thành hai hệ thống riêng biệt. Đồng thời làm con đê bằng cát trộn đá nhuyễn để nước thải thẩm thấu qua từ từ. Sau 10 tháng nâng cấp, cải tiến, cuối cùng đến đầu tháng 10 vừa qua, công trình xử lý nước thải hạt điều bằng lục bình của ông Như đã thành công. Kinh phí xây dựng hệ thống chỉ khoảng 300 triệu đồng, diện tích đất chỉ tốn khoảng 0,5 ha.

Ông Như cho biết: “Vừa qua, có đoàn cán bộ của Hiệp hội Điều Việt Nam đến tham quan và đã đánh giá đây là mô hình đứng đầu trong các mô hình xử lý nước thải ngành điều hiện nay. Một số doanh nghiệp ở các tỉnh miền Trung cũng đã tìm đến học tập kinh nghiệm để về áp dụng. Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh cũng tán thành cách làm này. Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy- Công an Tây Ninh đã đồng ý cho lấy nước từ ao nuôi cá làm nguồn nước phòng cháy chữa cháy cho công ty”. 

Hồ chứa nước đã qua xử lý

Công trình xử lý nước thải của Giám đốc Nguyễn Quốc Như chỉ mới thực hiện trên cơ sở thí nghiệm. Theo dự tính, sắp tới ông sẽ lấy mẫu nước sau xử lý gửi đến cơ quan chức năng nhờ kiểm tra, kết luận. Ông còn dự kiến sẽ viết thành đề tài khoa học tham dự thi hội thi sáng tạo, cải tiến khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và toàn quốc. Nếu qua kết quả xét nghiệm, nước thải chế biến hạt điều đã qua xử lý của ông được công nhận đạt tiêu chuẩn yêu cầu, đó sẽ là mô hình có nhiều ưu điểm tuyệt vời: rẻ, ít tốn đất, không tốn điện năng vận hành lại thân thiện với môi trường và hoàn toàn có thể thu hồi vốn sau một vài năm bán cá nuôi trong hồ.

Theo kinh nghiệm của ông Như, ngoài việc xử lý nước thải chế biến hạt điều, mô hình trên còn có thể áp dụng để xử lý nước thải chế biến mủ cao su và bột khoai mì nhưng diện tích đất cần tốn hơn và phải xây hồ lớn hơn. Nếu các công ty, nhà máy, cơ sở chế biến cao su, bột mì trong tỉnh có nhu cầu, ông sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật.

ĐẠi Dương

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh