Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Từ ngày 15.4:
Xử phạt nghiêm việc thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận
Thứ hai: 13:29 ngày 13/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nghị định 15 ra đời trong thời điểm hiện nay là cần thiết, giúp đưa các hoạt động trên không gian mạng đi vào nề nếp, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, tạo thói quen cho người dùng có trách nhiệm với phát ngôn cũng như việc đưa thông tin của mình.

Lực lượng Công an làm việc với trường hợp đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội (ảnh minh hoạ).

Vào ngày 15.4 tới, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3.2.2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử chính thức có hiệu lực, thay thế Nghị định 174/2013/NĐ-CP. 

Trước đây, Nghị định 174/2013/NĐ-CP chỉ có 114 điều liên quan đến việc xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, Nghị định 15 vừa được ban hành với 224 điều, quy định khá chi tiết từng hành vi, có những hành vi mới được đưa vào như “cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân”.

Điều 101 quy định mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xuý các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn. Cung cấp, chia sẻ thông bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc. Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hoá, dịch vụ bị cấm. Ngoài phạt tiền, nghị định còn quy định biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Nghị định 15 ra đời trong thời điểm hiện nay là cần thiết, giúp đưa các hoạt động trên không gian mạng đi vào nề nếp, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, tạo thói quen cho người dùng có trách nhiệm với phát ngôn cũng như việc đưa thông tin của mình. Việc đưa thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Hy vọng đây sẽ là giải pháp mạnh trong việc phòng, chống thông tin giả, sai lệch trên mạng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan tổ chức và người dân nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Người dùng mạng xã hội cần cảnh giác, sàng lọc, kiểm tra độ chính xác của thông tin, hình thành thói quen so sánh, đối chiếu với thông tin chính thống được đăng tải từ các đơn vị có thẩm quyền. Hãy tỉnh táo, không vì thiếu hiểu biết hay bức xúc mà vô tình tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Phương Thảo

Tính đến ngày 14.3, lực lượng Công an trong tỉnh đã phát hiện 27 trường hợp sử dụng mạng xã hội facebook để đăng tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19; xác minh, xác định chủ các tài khoản facebook và mời làm việc 18 đối tượng, lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 trường hợp với số tiền 10 triệu đồng/ trường hợp, buộc tất cả phải đăng tin đính chính, tháo gỡ thông tin sai về dịch bệnh và cam kết không tái phạm. 9 đối tượng không có mặt ở địa phương, các đơn vị chức năng đã điện thoại, nhắn tin tác động tháo gỡ bài viết. 
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục