Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất quy định xử phạt vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, theo dự thảo, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có một trong các hành vi sau đây sẽ bị trục xuất: 1- Làm việc nhưng không có giấy phép lao động theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động; 2- Sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn.
Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không thông báo tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động hoặc báo cáo nhưng chưa đảm bảo những nội dung, thời hạn theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền người sử dụng lao động sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn theo một trong các mức sau đây: Từ 30 – 45 triệu đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người; từ 45 – 60 triệu đồng với vi phạm từ 11 người đến 20 người; từ 60 – 75 triệu đồng với vi phạm từ 21 người trở lên.
Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 1 - 3 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm này.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người lao động Việt Nam nhưng không báo cáo tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam về tình hình tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam theo quy định của pháp luật; phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người lao động Việt Nam mà không thông báo bằng văn bản kèm bản sao hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động Việt Nam cho tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Nguồn chinhphu