Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Xứ Thanh không những là miền quê của dân ca Đông Anh, hò sông Mã, của hát bội (hát Tuồng), hát chèo (hát chèo thờ làng Mưng, chèo cạn Quỳ Chử, chèo Ma Cẩm Thành) hát ghẹo, hát khúc, hát đối đáp nam nữ... mà còn là một trong những cái nôi của ca trù.
Xứ Thanh không những là miền quê của dân ca Đông Anh, hò sông Mã, của hát bội (hát Tuồng), hát chèo (hát chèo thờ làng Mưng, chèo cạn Quỳ Chử, chèo Ma Cẩm Thành) hát ghẹo, hát khúc, hát đối đáp nam nữ... mà còn là một trong những cái nôi của ca trù.
Hát ca trù ở Thanh Hoá có từ lâu đời, theo cách gọi xưa là hát ca công, hát cửa đình. Qua thần tích làng Ngọc Trung (xã Xuân Minh - Thọ Xuân) thì hát ca công có ở đất này từ thời Hán Vũ đế (năm 111 tr.CN). Triều đình nhà Hán xâm lược nước ta, bắt những người đàn hay hát giỏi về phương Bắc để phục vụ cho vua quan nhà Hán. Lê Phong, chàng trai làng Ngọc Trung có giọng hát mê hồn cũng bị bắt về phương Bắc. Mỗi khi tiếng hát của Lê Phong cất lên làm cho từ vua đến quan quân nhà Hán như bị hút hồn. Lời ca có sức lay động diệu kỳ đã thổn thức trái tim nàng công chúa con vua, nàng đã cầu xin và vua Hán đành phải ưng thuận cho nàng kết duyên cùng chàng trai tài hoa ấy.
Sống trong cung vua phủ chúa, bên vợ đẹp giàu sang quyền quý, nhưng trái tim chàng trai làng Ngọc Trung không lúc nào nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà, tuy nghèo khó mà ấm êm hạnh phúc. Mãn hạn phục dịch, Lê Phong một mực xin nhà vua được trở về quê. Mặc dù không muốn rời xa đứa con gái yêu và chàng trai có giọng hát hay, vua Hán phải ưng thuận cho hai vợ chồng Lê Phong trở lại cố hương. Về làng hai ông bà đã dạy hát, truyền nghề cho dân. Từ đó Ngọc Trung trở thành làng hát ca trù nổi tiếng và sớm nhất ở tỉnh Thanh. Sau khi mất, ông bà được dân làng suy tôn là tổ sư nghề hát ca trù với duệ hiệu là Thanh Xà đại vương và Mãn Đường Hoa công chúa.
Ở tỉnh Thanh xưa kia có rất nhiều làng có nghề hát ca trù (ca công). Đến miền quê nào, nhất là trong dịp xuân thu nhị kỳ, cũng đều gặp tiếng hát của các đào nương vang lên xao xuyến bồi hồi, điểm với tiếng trống chầu, tiếng đàn đáy, tiếng phách làm cho lời ca thêm da diết, mênh mang. Những làng hát ca công có tiếng ở xứ Thanh tiêu biểu như: làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang, làng Ngọc Trung, xã Xuân Minh (Thọ Xuân), làng Bái Thủy, xã Định Liên (Yên Định), làng Hoa Nhai, xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc), làng Nổ Giáp, xã Nguyên Bình (Tĩnh Gia), làng Chẩn Xuyên, Tòng Tân (Thiệu Hoá). Những địa danh ở thị xã Thanh Hoá như: Quán Giò, cầu Sâng, cầu Chanh, Cửa Hậu...
Ca trù ở Thanh Hoá được bắt nguồn từ gia đình sang dòng họ rồi mới tới làng. Các dòng họ sống bằng nghề ca trù chủ yếu là họ Nguyễn (Bái Thượng, Định Liên), họ Lê ở Bàn Thạch vốn là họ Nguyễn được vua ban cho Quốc tính mà trở thành họ Lê vì có công phò vua chống giặc. Họ Đinh (Đinh Lễ, Đinh Dự, Đinh Triết), họ Đào (Nổ Giáp), họ Trần...
Từ xa xưa các làng, các dòng họ ca công có nếp sống sinh hoạt riêng để bảo tồn vốn nghệ thuật cổ truyền đặc sắc này. Trong làng, người trong họ thường truyền nghề cho con cháu vào những thời điểm nông nhàn. Những khi trăng thanh gió mát, giêng, hai khi lúa đồng xanh tốt họ rủ nhau đàn hát, con cháu thông qua đó mà học theo, rồi chọn lựa những giọng ca hay, những tay đàn giỏi mà rèn giũa kèm cặp để hành nghề. Hát ca công, thường kết thành một đào kép, hay tổ chức thành gánh hát. Hát ca trù ở xứ Thanh có nhiều tên gọi khác nhau: hát ca công, hát cửa đình, hát nhị lập, hát nhà trò, hát nhả tơ, hát ả đào, hát gõ, hát quan viên, hát cô đầu.
Hát ca trù là nghề lắm công phu. Việc học hát phải được học từ tấm bé do bố, mẹ, anh, chị, ông bà trong nhà truyền cho. Ngoài việc hát phải tròn vành rõ chữ, còn phải lấy được hơi trong, hơi ngoài và được những người có kinh nghiệm rèn dạy cẩn thận, công phu mới trở thành tài. Hát ca trù kết hợp giữa miệng hát, tay gõ phách, sao cho tiếng hát, tiếng phách, tiếng đàn không chệch nhịp. Để được hát ở trong đình rồi ra tới ngoài làng, trước đó người hát phải trải qua một đợt sát hạch gọi là hát dập đám. Hát dập đám trải qua ba lần: lần một là hát không gõ phách, lần hai miệng hát tay phách, lần ba tự chọn một bài hát hoàn chỉnh. Hát dập đám phải biện lễ cỗ xôi, con gà, trầu rượu ra nhà thờ tổ để các đào kép lão luyện trong nghề kiểm tra, góp ý thẳng thắn, nếu không đạt thì phải tiếp tục rèn luyện, học hỏi, nếu đạt mới được đi hát.
Về quy mô, hát ca trù thường tổ chức dưới hai hình thức: Hát đám nhỏ và hát đám lớn. Hát đám nhỏ thì chỉ cần một đào kép, hoặc hai đào một kép (thường là cặp vợ chồng, anh em hay bố con). Hát đám lớn thì bố trí nhiều cặp đào kép, nếu hát qua đêm thì các cặp phải có nhiều bài hát.
Hát ca trù là loại hình nghệ thuật bác học cao siêu, là nghề “chơi” lắm công phu đòi hỏi phải tỉa tót trau chuốt từng hơi, từng chữ, phải buông, ngân, bắt chênh, bắt chợt, bắt tròn hay rung con kiến... Nội dung các bài hát ca trù rất phong phú với các chủ đề: ca ngợi cảnh đẹp non sông, quê hương, đất nước, yêu quý con người và tình bạn, tình yêu, mong cho cuộc sống yên bình, cầu thần phù hộ cho dân an, vật thịnh, ca ngợi trung, hiếu, tiết, nghĩa, hoặc than thân, trách phận, ngán cảnh cuộc đời đen bạc, thay đổi bể dâu…
Ca trù Thanh Hoá gắn bó chặt chẽ và quan hệ mật thiết với các nôi ca trù lớn của cả nước như: Cổ Đạm (Hà Tĩnh), Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội) hoặc ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp. Bằng chứng là tổ nghề ca trù ở các nơi này đều có nguồn gốc là người xứ Thanh. Các tổ nghề Đinh Lễ, Đinh Dự, Đường Hoa tiên hải (Lỗ Khê) được khẳng định là từ Thanh Hoá ra xứ Bắc truyền nghề; Đinh Triết gắn với nghề hát ca trù ở Hà Tây cũng có quan hệ mật thiết với Đinh Lễ, Đinh Dự (cùng người họ Đinh). Đinh Lễ tổ ca trù ở Cổ Đạm cũng gắn với truyền thuyết về cây đàn đáy và nàng Bạch Hoa con quan tri châu Thường Xuân, Thanh Hoá, là người truyền nghề đàn hát cho ca công Cổ Đạm và là Mãn Đường Hoa công chúa. Tất cả các làng ca trù trên đều có chung vị tổ được thờ đó là Thanh Xà đại vương và Mãn Đường Hoa công chúa bắt nguồn từ thần tích ở làng Ngọc Trung, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân.
Ca trù trên đất quê Thanh đã có một thời kỳ vàng son phát triển rực rỡ, cho đến trước Cách mạng Tháng Tám, ca trù vẫn còn rất thịnh hành. Sau năm 1945 do chiến tranh, ca trù dần thưa vắng. Có một thời người ta còn quan niệm không đúng về ca trù, coi ca trù đồng nghĩa với thói ăn chơi, trăng hoa của những kẻ giàu sang, quan lại, không phải là nghệ thuật đích thực của quần chúng lao động. Những năm gần đây, đặc biệt từ khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 BCHTƯ (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nghệ thuật truyền thống dân tộc nói chung, ca trù nói riêng, đã được quan tâm khôi phục và phát huy.
Ở Thanh Hoá nhiều làng ca trù xưa và những người một thời say mê với nghệ thuật ca hát này, nay được động viên khích lệ. Những làng hát ca công, ca trù như Bàn Thạch, Hoa Nhai, Ngọc Trung, Nổ Giáp, Đồng Lạc... dần được khôi phục, phát huy.
K.D (st)