BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xu thế hợp tác công - tư trong phát triển du lịch 

Cập nhật ngày: 19/02/2018 - 14:08

BTN - Mô hình này đã bước đầu phát huy hiệu quả, đặc biệt trong hoạt động xây dựng hình ảnh, sản phẩm điểm đến, xúc tiến, quảng bá chung cho điểm đến, trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch của các địa phương trong tổ chức…

Tháp cổ Bình Thạnh.

“Là ngành kinh tế tổng hợp để phát triển, du lịch cần sự tham gia của rất nhiều ngành cung cấp dịch vụ cũng như các bộ, ngành. Tuy nhiên, nếu nói điều gì sẽ mang ý nghĩa quyết định năng lực cạnh tranh cũng như sự hấp dẫn của sản phẩm du lịch thì phải là quản lý điểm đến”, ông Đỗ Đình Cương- chuyên gia đào tạo về du lịch thuộc hãng tư vấn quốc tế AMDI khẳng định tại một hội thảo về phát triển du lịch ở Tây Ninh vào cuối năm 2017.

Ông Cương cho rằng, ở ngành du lịch nước ta, khái niệm “quản lý điểm đến” chưa được định hình rõ ràng. Trong lĩnh vực này, sự hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý cũng như giữa các doanh nghiệp (đang lo cạnh tranh với nhau) tại các địa phương còn hạn chế. Du lịch vẫn đang trong tình trạng “mạnh ai nấy làm”.

Vì không có tổ chức quản lý điểm đến, các điểm du lịch, các di tích, danh thắng chưa được quảng bá rộng rãi và đúng cách, sản phẩm và dịch vụ cung cấp cho khách du lịch còn nghèo nàn, chưa được tổ chức theo tiêu chuẩn và chưa bảo đảm chất lượng.

Điểm đến không an toàn và kém hấp dẫn vì chính quyền địa phương không đủ năng lực và nguồn lực để kiểm soát được hoạt động và chất lượng dịch vụ du lịch, trong khi nhận thức của phần lớn tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân tham gia du lịch tại điểm đến chưa cao. Sự kết nối giữa chính quyền và các cơ quan quản lý địa phương với các doanh nghiệp du lịch yếu, hoặc chỉ mang tính hình thức do sự ràng buộc pháp lý đơn thuần, thiếu chiều sâu.

Chùa Bà trên núi Bà Đen.

Du lịch càng phát triển càng cho thấy sự cần thiết, vai trò của công tác tổ chức quản lý điểm đến để bảo đảm cho sự phát triển du lịch của khu vực đó. Và không ai khác, chính quyền địa phương phải là đơn vị đứng ra đảm nhiệm vai trò này.

Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) được Ngân hàng ADB tài trợ, cơ quan chủ quản là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và UBND các tỉnh tham gia dự án là Điện Biên, Lào Cai, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Kiên Giang rất quan tâm đến vấn đề này.

Dự án đã đề xuất với các địa phương thí điểm xây dựng và vận hành một mô hình quản lý điểm đến mới, đó là mô hình quản lý điểm đến trên cơ sở đối tác công - tư (PPP) với sự tham gia của nhiều thành phần đối tác liên quan. Ở đây được gọi tắt là DMO (Destination Management Organization- cơ quan/tổ chức quản lý điểm đến).

Múa trống Chhay-dăm, di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Bản chất của mô hình quản lý điểm đến nằm ở chỗ, đây là tổ chức đóng vai trò dẫn dắt với thành phần bao gồm các cơ quan hữu quan (cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn điểm đến, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan…); các bên liên quan (cộng đồng cư dân địa phương, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội nghề nghiệp, đại diện các doanh nghiệp du lịch và liên quan đến phát triển du lịch…) và các chuyên gia. Cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn điểm đến đóng vai trò đầu tàu trong mô hình quản lý điểm đến này.

Cáp treo núi Bà Đen. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Trong thực tế, mô hình DMO đã có ở Việt Nam, nhưng mới chỉ ở cấp vùng, chưa có ở cấp địa phương. Trước đây, mô hình DMO đã được thành lập ở tám tỉnh Tây Bắc, ba tỉnh miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam) và ba tỉnh Tây Nam bộ (Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang) với sự hỗ trợ của dự án EU trong giai đoạn từ năm 2012-2016.

Mô hình này đã bước đầu phát huy hiệu quả, đặc biệt trong hoạt động xây dựng hình ảnh, sản phẩm điểm đến, xúc tiến, quảng bá chung cho điểm đến, trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch của các địa phương trong tổ chức…

Khu du lịch núi Bà Đen. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Ông Đỗ Đình Cương phân tích: “Theo quy định của Luật Du lịch sửa đổi năm 2017, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, ở Việt Nam không còn tồn tại cơ cấu quản lý du lịch đã có ở nhiều tỉnh là ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, nên việc thành lập mô hình này là một sự thay thế cần thiết và đúng lúc.

Hơn thế nữa, mô hình DMO sẽ chứng tỏ là mô hình hiệu quả bởi phát huy được vai trò, sự tham gia và nguồn lực của khối doanh nghiệp (trong đó, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân) và của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch tại điểm đến. Đó cũng là xu thế hợp tác công - tư trong phát triển du lịch ở tương lai”.

Toà thánh Cao Đài Tây Ninh - một điểm đến về du lịch tâm linh. Ảnh: Dương Vĩnh Tuyên.

Cuối năm 2017, Tây Ninh đã tổ chức hội thảo tham vấn thành lập DMO, có sự tham gia của nhiều ngành, địa phương, các nhà quản lý và các chuyên gia. Về cơ bản, các bên thống nhất tán thành quan điểm cần thiết phải thành lập DMO trong tiến trình phát triển du lịch ở Tây Ninh.

Ông Phạm Xuân Thành- Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Dịch vụ môi trường rừng- Ban quản lý Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát cho rằng, tổ chức quản lý điểm đến du lịch là việc rất cần thiết mà cơ quan quản lý cần hướng tới.

Theo ông Thành, quản lý điểm đến một cách hiệu quả sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho các bên tham gia, cụ thể như: Nghiên cứu thị trường chỉ ra cách tốt nhất để sử dụng các nguồn lực cho phát triển du lịch; các yếu tố tự nhiên, xã hội và văn hoá của điểm đến sẽ được bảo tồn tốt hơn; liên kết cộng đồng sẽ được bảo vệ, không thay đổi quá nhanh hoặc thái quá; góp phần bảo tồn và tôn vinh văn hoá địa phương; lợi ích kinh tế sẽ được lan toả hiệu quả hơn trong khu vực; du khách hài lòng hơn; gia tăng số lượng khách quay trở lại và giới thiệu cho bạn bè; gìn giữ hình ảnh tích cực của điểm đến...

Ma Thiên Lãnh- một địa điểm du lịch khám phá thu hút đông đảo giới trẻ. Ảnh: Đặng Hoàng Thái.

Quản lý điểm đến đòi hỏi sự liên kết của các lợi ích khác nhau cùng làm việc vì một mục tiêu chung, nhằm bảo đảm sức sống và sự toàn vẹn cho điểm đến hiện tại và trong tương lai. Đó là lợi ích của chính quyền, người dân, của các nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ và du khách. Bãi biển có đẹp tới đâu, nhà hàng phục vụ món ăn có ngon đến mức nào, khách sạn cao cấp bao nhiêu nhưng khách du lịch phải đi trên những bãi biển đầy rác, rồi hiện tượng ăn xin, cướp giật, nâng giá vô tội vạ, thức ăn thiếu vệ sinh… thì điểm đến đó không thể là một điểm đến hấp dẫn, an toàn.

(Ông Đỗ Đình Cương - chuyên gia đào tạo về du lịch thuộc hãng tư vấn quốc tế AMDI)

Đình Chung

Từ khóa
Ma Thiên Lãnh