BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xuân ấm vùng biên

Cập nhật ngày: 18/02/2015 - 06:05

 Có dịp theo chân Đội Tuyên truyền văn hóa này, mới thấm thía được những giọt mồ hôi và tâm huyết của những chiến sĩ quân hàm xanh khi mang lời ca của mình sưởi ấm cả vùng biên cương những đêm gió lạnh.

Nhiều đêm liền, hai chiếc xe quân sự lặng lẽ chở quà cáp và hơn mười thành viên Đội Tuyên truyền văn hóa đến các điểm biên giới xa xôi nhất để phục vụ người dân. Ngồi trên xe ca, khi thì bụi thốc lên mù mịt, khi thì từng cơn gió lạnh quất vào người rát rạt. Mặc dù vậy, các chiến sĩ biên phòng vẫn vui vẻ, hăng hái với nhiệm vụ của mình.

Ở xã Phước Chỉ- một xã xa xôi, hẻo lánh và khó đến nhất của huyện Trảng Bàng- Đội Tuyên truyền văn hóa chọn địa điểm Trung tâm Văn hóa thể thao và Học tập cộng đồng của xã để phục vụ người dân. Trên nền sân cũ kỹ, lởm chởm cỏ dại, các chiến sĩ biên phòng không ngại khó khăn, phục vụ chương trình văn nghệ miễn phí.

Nhiều tiết mục đặc sắc, như tốp ca nam, nữ "Việt Nam ơi, mùa Xuân đến rồi", múa "Dáng Xuân", tam ca nam "Khúc hát người lính biên phòng" v.v... đã níu chân khán giả ở lại đến khuya. Đêm càng khuya, chương trình văn nghệ càng sôi nổi. Không khí ca hát càng tưng bừng khi một số "ca sĩ" vùng quê xung phong lên sân khấu giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ.

Các chiến sĩ quân hàm xanh hát múa phục vụ người dân nghèo vùng biên giới.

Ngoài việc phục vụ văn nghệ, đoàn còn trao tặng hơn 100 phần quà Tết cho người dân nghèo trong xã. Xen kẽ giữa các đợt tặng quà và các tiết mục văn nghệ, Đội Tuyên truyền còn trình chiếu các phóng sự về những tấm gương hay hoàn cảnh đầy cảm động được quay ngay tại quê hương Phước Chỉ, như "Chuyện ông Sáu Kề" kể về tấm lòng của một người nông dân địa phương đã nhiệt tình phối hợp với bộ đội biên phòng ngày đêm giữ vững bình yên biên giới; hay phim "Chuyện ở vùng biên A8" về ngôi trường ít học sinh nhất tỉnh, nhưng thầy và trò đều bám trường, quyết tâm dạy tốt, học tốt;…

Được nhận quà và được xem văn nghệ, xem phim, anh Nguyễn Văn Thắm, 42 tuổi, ngụ ấp Phước Hội rất vui. Anh Thắm kể, gia đình anh cũng thuộc diện nghèo, không ruộng vườn, nghề nghiệp. Hằng ngày, vợ chồng anh chỉ biết kiếm sống bằng nghề đăng cá ven sông Vàm Cỏ Đông. "Tôi bất ngờ khi được các chiến sĩ tặng phần quà nặng trĩu như thế này, được xem nhiều tiết mục văn nghệ thật hay. Điều quan trọng là qua hai phóng sự vừa chiếu, tôi nhận ra rằng xung quanh mình còn biết bao tấm gương vượt khó để bảo vệ từng tấc đất hoặc vượt khó học hành", anh Thắm chia sẻ.  

Chia tay người dân xứ Trảng, Đội Tuyên truyền văn hóa BĐBP tỉnh lại tiếp tục vượt gần 80 km để đến với bà con ấp Cây Khế, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu. Ở đây không có sân khấu, nhưng đối với cán bộ, chiến sĩ tuyên truyền văn hóa là “chuyện nhỏ”. Mặt sân đầy sỏi cát của Trường TH Cây Khế được tận dụng làm nơi hát múa.

Đa số người dân ở Cây Khế là Việt kiều từ Biển Hồ Campuchia về sinh sống. Gần như nhiều đời liên tiếp của họ chỉ biết lấy ghe làm nhà, quanh năm lênh đênh trên mặt nước. Vì vậy, khi nghe có tiếng nhạc xập xình, họ tập trung lại rất đông. Trước giờ khai mạc, cả trăm thiếu nhi được các nhà hảo tâm tặng quà, tặng bánh và tổ chức nhiều trò chơi tập thể, hát múa dân vũ, nhảy hiện đại. Mặc dù những tiết mục này hoàn toàn tự phát, nhưng đã đem lại một không khí tưng bừng chưa từng có và chắc chắn sẽ là những kỷ niệm khó quên đối với trẻ em ở ấp nghèo này.

Các chiến sĩ biên phòng cũng trao tặng hơn 100 phần quà cho những hộ nghèo của ấp Cây Khế. Đồng hành với chương trình, Báo Tây Ninh cũng vận động Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Phan Đình Phùng (TP.Hồ Chí Minh) tặng thêm cho mỗi hộ dân 200.000 đồng tiền mặt. Ngoài việc được quà, thưởng thức chương trình văn nghệ, người dân còn xem phóng sự truyền hình "Lay lất xóm Việt kiều" viết về chính cuộc sống của bà con nơi đây.

Cuối chương trình, nhiều người nghẹn ngào, đưa tay lên quệt nước mắt. Chị Nguyễn Thị Điệp, 23 tuổi, ngụ tổ 10 ấp Cây Khế xúc động kể, chị và gia đình đều sống bấp bênh trên mặt nước Biển Hồ. Bốn năm gần đây, cuộc sống ở nước bạn ngày càng khó khăn, nên gia đình chị và nhiều gia đình khác về Cây Khế tìm kế sinh nhai.

Hiện nay, vợ chồng chị Điệp và đứa con gái nhỏ sống trong một túp lều nhỏ ven bờ hồ Dầu Tiếng, ngày ngày dựa vào mép nước giăng câu, giăng lưới. Chị Điệp chân thành nói: "Tôi rất biết ơn sự quan tâm, giúp đỡ của các anh bộ đội biên phòng. Đối với gia đình tôi, đây là món quà lớn và rất có ý nghĩa trong dịp Tết năm nay".

Đông đảo người dân nghèo ấp Cây Khế, xã Tân Hoà đến nhận quà và xem văn nghệ.

Anh Nguyễn Thanh Tùng- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết, hiện nay trong xã có 117 hộ Việt kiều Campuchia về làm ăn, sinh sống. Hầu hết những hộ này đều cực kỳ nghèo khó. Họ không có nhà cửa, đất đai, nghề nghiệp, hằng ngày chỉ biết làm thuê làm mướn hoặc mò cua, bắt cá trên hồ Dầu Tiếng. Vì vậy, được các chiến sĩ biên phòng, các nhà hảo tâm đến giúp đỡ là vô cùng quý giá.

Đêm văn nghệ, tặng quà ở Đồn biên phòng mới thành lập Ninh Điền (ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành) cũng rộn ràng và thắm đượm tình quân dân. Gần đồn biên phòng này là Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Ninh Điền nên chương trình Xuân ấm biên cương không chỉ tặng quà, văn nghệ phục vụ cho các chiến sĩ ở đồn biên phòng mới thành lập, mà còn phục vụ cho đông đảo người dân trong Làng Thanh niên.

Hôm diễn ra chương trình ở đây, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, anh Đặng Quốc Toàn cũng đến tham dự, chương trình văn nghệ, tặng quà, thăm và chúc Tết có phần sôi nổi hơn., khi diễn ra các tiết mục giao lưu văn nghệ sôi nổi giữa nhân dân, cán bộ Xã đoàn, chiến sĩ biên phòng đồn Ninh Điền và các ca sĩ quân hàm xanh...

Tiếng hát của các chiến sĩ biên phòng nồng ấm, da diết đã xua tan đi cái lạnh lẽo nơi vùng biên cương, mang mùa xuân tươi vui, hạnh phúc đến khắp muôn nhà.

Ngoài những nơi đã nêu trên, trong những ngày qua, Đội Tuyên truyền văn hóa BĐBP Tây Ninh còn đến phục vụ văn nghệ và tặng quà cho một số nơi khác, như xã Long Khánh (huyện Bến Cầu), xã Thạnh Bắc (huyện Tân Biên)... Ở mỗi điểm đến, Đội Tuyên truyền văn hóa đều để lại ấn tượng đẹp và ấm áp nghĩa tình quân dân.

Đại tá Nguyễn Hải Lưu, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP Tây Ninh chia sẻ: "Đây là chương trình hằng năm của BĐBP Tây Ninh nhằm hỗ trợ một phần vật chất và tinh thần cho đồng bào nghèo các xã biên giới, các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở biên cương có điều kiện vui Xuân đón Tết"…

Đại Dương- Thái Hòa