BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xuân muộn1

Cập nhật ngày: 15/01/2011 - 09:25

Tiếng vó ngựa lần này như gấp gáp hơn. Kể cả âm thanh ngọn roi vun vút vào không khí cũng có phần nôn nóng. Anh hất một tia nhìn chìm sau vành nón rộng về phía chị, người đàn bà bán bông đang đứng cố chèo kéo, mời chào những người khách qua đường. Chiều ba mươi Tết liu riu lạnh làm đứa bé ngồi kế bên chân mẹ co ro ôm chặt con búp bê vào lòng. Anh lẩm bẩm một mình: “Giờ này ai còn mua không biết nữa. Tui về luôn đó nghen”. Vậy mà sau đó anh vẫn quay xe lại, không biết đã là lần thứ mấy. Mỗi lần xe ngựa anh đi qua, chị nhìn với theo bụng cứ thon thót lo. Hổng lẽ… để rồi khi cái nhịp vó ngựa quen thuộc lại hiện ra, chị làm bộ dửng dưng ngó lơ chỗ khác. Lòng họ ngổn ngang. Chiếc xe đò cuối cùng về bến thả xuống những hành khách nhàu nhĩ và mệt mỏi toả đi khắp nẻo đường. Người tài xế đánh một vòng tay lái gấp gáp khiến bánh xe nghiến xoèn xoẹt trên mặt sân, ào ào phóng đi. Ai cũng vội vàng. Cái lạnh chiều cuối năm trên miền biên giới này như kéo mặt trời xuống nhanh hơn để đêm lẹ làng đến. Ánh đèn cao áp vàng vọt hắt những tia sáng yếu ớt xuống khoảng vỉa hè trước bến xe, nơi chị đang đứng, khiến bóng chị như run rẩy, bé nhỏ và cô độc hơn.

Lần này chiếc xe ngựa dừng hẳn trước mặt chị. Giọng anh như người ngạt mũi: “Thôi về, còn bao nhiêu bông đó tui mua hết”. Rồi không đợi chị phản ứng, anh nhảy xuống xe ào ào xếp những giỏ bông cúc, bông vạn thọ lên thùng xe. Chị bỗng lúng túng không biết làm gì đành đứng yên cứ để mặc anh. Con đường xuyên qua thị trấn đã vắng người. Những ngôi nhà mở đèn sáng choang xôn xao tiếng nói cười, rộn ràng chuẩn bị đón giao thừa. Chiếc xe ngựa lầm lũi rẻ vào con đường đất đỏ hun hút bóng đêm. Hai người họ chưa già nhưng đã qua rồi cái tuổi xuân sắc. Thời gian đã in hằn trên gương mặt họ những vết chai sạn, khắc khổ của năm tháng cuộc đời nhiều sóng gió. Chị phá tan sự im lặng: “Bữa nay là giao thừa sao không chịu về sớm?”. “Ờ, tính nán lại chờ coi còn khách nào hôn”. “Giờ này ai còn đi xe mà chờ?”. “Biết đâu”. Anh trả lời nhát gừng nhưng trong bụng lại nghĩ: khách ngồi kế bên đây nè, tui chờ cuốc xe này đã mấy năm rồi đó. Ánh mắt họ chạm vào nhau rồi vội quay đi bối rối.

Nhìn cái dáng anh ngồi đánh xe với đôi vai gầy guộc cô đơn, lòng chị bỗng thắt lại cồn cào một thứ tình cảm vừa lạ vừa quen, cái mà chị đã quên từ lâu lắm, từ ngày người đàn ông bội bạc bỏ chị bơ vơ trên miền đất xa lạ này với đứa con chuẩn bị chào đời. Chị đã khép lòng mình lại, đóng cửa trái tim, cắn răng sống để nuôi con. Chị tự dày vò cho mình trở nên xấu xí, cằn cỗi, héo hắt để tránh chuyện thị phi của người đời.

Thời con gái chị xinh đẹp nhưng nhà nghèo, nghỉ học giữa chừng ở nhà mở quán nước phụ mẹ nuôi bầy em nhỏ. Rồi một ngày con đường ngang qua nhà nâng cấp thành lộ nhựa, nhân công, xe máy tấp nập đổ về đông vui. Quán nhộn nhịp người, buôn bán khấm khá. Cô chủ quán hớn hở, đôi má như hồng thêm nét quyến rũ, nồng nàn. Khi công trình hoàn tất cũng là lúc chị bỏ quán, bỏ mẹ, bỏ em, bỏ cái làng quê buồn hiu hắt đi theo người thầu khoán hào hoa, nhiều tiền, có mái tóc bồng bềnh như nghệ sĩ trôi giạt theo những cung đường. Cho đến cái công trình cuối cùng trên biên giới, tay thầu vỡ nợ trốn sang Campuchia, bỏ lại chị với số tiền nhỏ cùng lời nhắn: ráng nuôi con. Con đường phía trước mặt mịt mù, còn phía sau thì khép kín. Mẹ dẫu có tha thứ chị cũng không thể về để lưng mẹ khỏi phải còng thêm những tiếng đời mai mỉa. Chị đã chọn miền đất xa lạ nhưng nhiều nghĩa nhân này làm chốn dung thân.

Còn anh, gần hai mươi năm trước anh từng là công nhân ở đây. Vùng đất này khi đó là một nông trường mía, sau giải thể do sản xuất kinh doanh thua lỗ. Những người công nhân tha hương đã trụ lại làm ăn sinh sống hình thành nên con xóm mang tên “xóm công nhân”. Một thời tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt thành, nhiều mơ ước, hoài bão của anh đã chôn vùi nơi “khỉ ho cò gáy” này. Và có một tình yêu trong sáng, đẹp như thơ nảy nở giữa chàng công nhân và cô cán bộ kỹ thuật xinh xắn. Chuyện tình tưởng như sẽ kết cục bằng một hạnh phúc giản đơn, bình dị. Vậy mà trong một ngày cuối năm, trái mìn chống tăng còn sót lại từ cuộc chiến tranh đã hất tung cái moóc máy cày đang chuyển cây gỗ từ rừng về đơn vị, trên đó có cô gái anh yêu. Cuộc tình của anh nằm lại trên một vùng đất trảng bốn mùa miên man hoa mua tím nở. Anh chôn hết tất cả những kỷ vật cùng trái tim mình xuống mộ người yêu và đi. Những chuyến đi phiêu giạt khắp nơi đã vắt kiệt sức vóc chàng trai trẻ. Ngày về từ miền đất chết chóc có những viên hồng ngọc ma mị với nước độc rừng thiêng, anh chỉ còn là cái xác vàng chạch bủng beo vì sốt rét. Lúc lên cơn nóng sốt đến cháy người là trong đầu anh lại hiện đầy những vòng xoáy màu đỏ quay cuồng, chập chờn ẩn hiện bóng hình người con gái với mái tóc rối tung, mình đầy lửa ám ảnh anh đến mê loạn. Khi những đồng tiền kiếm được từ những viên đá quý lấy trên cái đất nước huyền hoặc đó đã cạn túi, anh cũng vừa hết bệnh. Cất một cái chòi con gần vùng đất trảng đầy hoa mua, anh bắt đầu làm lại cuộc đời. Mà thật kỳ lạ, loài cây hoang dại này bốn mùa lúc nào cũng nở bông, cái màu tím nhẹ nhàng, mỏng manh đến nao lòng. Bạn bè thương sắm cho chiếc xe ngựa làm kế mưu sinh. Ngày tháng lặng lẽ trôi trong những hoài niệm cho đến khi anh gặp chị.

Người phụ nữ ăn mặc nhếch nhác bồng đứa con nhỏ ngày ngày lội bộ hơn chục cây số đi chợ nấu ăn cho những người công nhân trong một trang trại gần chỗ anh ở làm anh chú ý. Nhiều lần anh cho quá giang nhưng người phụ nữ nhất định không đi. Nhìn cái dáng gầy guộc liêu xiêu với giỏ thức ăn nặng trĩu lầm lũi trên con đường mù mịt bụi, anh nhủ: Trời đất! Xấu, nghèo mà “chảnh” dữ. Một đêm, con bé bị sốt cấp tính, giữa đồng không mông quạnh không có ai, chị đành đến gõ cửa nhà anh. Chuyến xe ngựa kịp thời đêm đó đã cứu sống con bé. Họ trở thành láng giềng và chỉ dừng lại như thế. Anh thương con bé xinh xắn đáng yêu ngày ngày chỉ biết lủi thủi đùa vui với bầy gà con. Con bé cũng mến anh, hay sang chơi mỗi khi anh có nhà. Lúc này chị có thêm công việc trồng bông để bán vào những ngày rằm, Tết. Nhiều đêm quạnh quẽ một mình lòng anh bỗng dưng chộn chạo, khát khao hơi ấm của một gia đình, thèm bữa cơm quây quần có nếp có tẻ. Ước ao cái sào phơi đồ bên hông nhà có thêm những bộ quần áo phụ nữ mềm mại bên cạnh mấy bộ đồ trẻ con… Anh đột ngột quay sang nhìn đăm đăm vào mắt chị:

- Tết này không về quê sao?

- Không.

- Người gì mà vô tâm vô tình quá vậy, đến mẹ và các em cũng không nhớ.

- Tui về một mình với cục nợ này để giết bà già à!

- Tui đưa mẹ con em về, được hôn? Chẳng lẽ em cứ sống mãi như thế này sao? Con bé cần có cha, em cũng cần một nơi nương tựa, còn tui nữa…

Chị chưng hửng khi nghe những lời nồng nàn thống thiết của anh, rồi bỗng dưng trào nước mắt. Chị khóc như trút hết những đau khổ tủi hờn chất chứa bao năm tháng, như thể lỗi này là do anh chứ không phải do cái người bội bạc kia. Vì sao mà mãi tới bây giờ anh mới đến bên đời chị? Đôi vai chị run lên bần bật và để mặc những giọt nước mắt lăn dài trên má. Lâu lắm rồi chị mới được khóc, những giọt nước mắt chảy ra ngoài mới dễ chịu làm sao.

Mùng hai Tết năm đó, có ba người vẻ mặt rạng ngời niềm vui trên chuyến xe đò xuôi về một miền quê xa. Vàng mai trước hiên nhà ai bỗng rực rỡ những chùm bông trổ muộn.

P.H

 

 

Từ khóa
Xuân muộn