BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xuân tế - tri ân tiên tổ, kết nối họ Hồ 

Cập nhật ngày: 13/02/2023 - 15:33

BTNO - Các con cháu nhớ ơn tổ tiên mà lập nhà thờ, kết nối anh em trong dòng họ để truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam ta bao đời nay mãi nối dài.

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nhiều dòng họ từ miền Bắc, miền Trung xuôi về vùng đất phương Nam khẩn hoang lập nghiệp, góp phần tạo nên sự hưng thịnh của đất nước ngày nay. Các con cháu nhớ ơn tổ tiên mà lập nhà thờ, kết nối anh em trong dòng họ để truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam ta bao đời nay mãi nối dài.

Từ những ý nghĩa đó, năm 2018, gia đình ông Hồ Đình Hoàng Minh- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng họ Hồ (HĐHH) thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Trị sự nhà thờ họ Hồ phương Nam đã cung tiến mảnh đất 4.443m2 ở quê nhà cùng dòng họ xây dựng nhà thờ họ Hồ phương Nam để phụng thờ tổ tiên. Ngày 18.3.2018, nhà thờ họ Hồ phương Nam được khánh thành, toạ lạc tại khu phố Chánh, phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Cổng nhà thờ được xây dựng theo kiểu thức thành nhà Hồ là một trong những biểu tượng của kinh đô nước Đại Ngu (Quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ). Bước qua cổng là khoảng sân rộng để sinh hoạt dòng họ vào mỗi dịp tế tổ, ở giữa sân có hồ sen tạo cảnh quan gần gũi với thiên nhiên tại nhà thờ.

Nhà thờ có ba gian, chính giữa là nơi thờ các vị tiên tổ họ Hồ, trên cao thờ bài vị đức nguyên tổ họ Hồ Việt Nam - Trạng nguyên Hồ Hưng Dật, ông là tổ tiên của Hồ Quý Ly, theo “Đại Việt sử ký toàn thư” ông vốn quê gốc ở Chiết Giang (Trung Quốc), sinh năm 907 (Đinh Mão), ông sang làm Thái thú Diễn Châu, sau sống ở làng Bào Đột (xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), hai bên bài vị đức nguyên tổ là bài vị Tả - Hữu phu nhân.

Tầng thứ hai thờ ba bài vị, ở giữa là bài vị Thánh Nguyên hoàng đế Hồ Quý Ly- vị vua khai quốc của vương triều Hồ, hai bên là bài vị của Thái Đức hoàng đế Hồ Nhạc (Nguyễn Nhạc) là vị vua sáng lập ra nhà Tây Sơn và Quang Trung hoàng đế Hồ Thơm (Nguyễn Huệ) hay còn được biết đến là người anh hùng áo vải trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Gian bên trái nhà thờ (từ ngoài nhìn vào) là bàn thờ thành hoàng bổn cảnh để tưởng nhớ người khai hoang mở cõi, tạo lập thôn ấp và bảo hộ cho cư dân an cư lạc nghiệp. Sau khi thành lập nhà thờ, họ Hồ lập bài vị và đến đình Trung Gia Bình (khu phố Chánh, phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng) cung thỉnh thành hoàng về thờ phụng, ông Hồ Đình Hoàng Minh chia sẻ. Gian bên phải nhà thờ là bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hằng năm vào tháng Giêng, Hội đồng họ Hồ phương Nam tổ chức Xuân tế đức nguyên tổ họ Hồ và họp mặt nội, ngoại họ Hồ phương Nam. Năm 2023, họ Hồ phương Nam chọn ngày 21, 22 tháng Giêng năm Quý Mão (nhằm ngày 11, 12.2.2023) làm ngày tế tổ. Nghi thức cúng tại nhà thờ theo dân gian Nam bộ, có học trò lễ dâng lễ vật, trà, rượu, cơm lên tổ tiên, đọc chúc văn (văn tế) ôn lại truyền thống vẻ vang của dòng họ.

Về dự lễ Xuân tế năm nay có sự hiện diện của ông Hồ Tất Thắng- Chủ tịch HĐHH Việt Nam; Anh hùng Lực lượng vũ trang, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm- Phó Chủ tịch HĐHH Việt Nam phụ trách Nam bộ; ông Hồ Huy- Phó Chủ tịch Thường trực HĐHH Việt Nam, Chủ tịch HĐHH thành phố Hồ Chí Minh; Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua; Anh hùng Lao động Hồ Văn Ngừng cùng bà con họ Hồ ở Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau, Bình Thuận, Đà Nẵng, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác về tham dự rất đông.

Sau nghi thức tế lễ trang nghiêm, những người trong họ quây quần sân trước nhà thờ để bàn việc họ, mừng thọ các cụ cao niên trong tộc. Đặc biệt, họ Hồ phương Nam tổ chức vinh danh Anh hùng Lao động, Kỹ sư Hồ Quang Cua- người đã lai tạo thành công 6 giống lúa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống quốc gia mang ký hiệu ST (viết tắt của địa danh Sóc Trăng quê ông), 5 lần dự thi gạo ngon nhất thế giới được xướng danh hàng đầu.

Năm 2011, Kỹ sư Hồ Quang Cua được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 2013 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, năm 2019 gạo ST25 của ông đạt giải thưởng gạo ngon nhất thế giới, năm 2020 gạo ST25 đạt giải thưởng gạo ngon hạng nhì thế giới, năm 2021 vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, năm 2022 gạo ST24, ST25 được xếp vào top 4 gạo ngon nhất thế giới và ông được Viện Thương mại lúa gạo toàn cầu trao giải thưởng thành tựu trọn đời về nghiên cứu và phát triển nông thôn.

Tại buổi vinh danh, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Thiếu tướng Hồ Việt Lắm- Phó Chủ tịch HĐHH Việt Nam đã ôn lại truyền thống, những đóng góp của họ Hồ cho nền nông nghiệp Việt Nam. Ngay từ thế kỷ thứ X, cụ tổ của dòng họ Hồ là Trạng nguyên Hồ Hưng Dật lập trang trại nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam tại làng Bào Đột (Nghệ An).

Tiếp nối truyền thống của đức nguyên tổ, ngay sau khi lên ngôi hoàng đế, Hồ Quý Ly đã có những chiến lược phát triển nền nông nghiệp nước nhà bằng những chính sách hạn điền, hạn nô, giảm thuế nông nghiệp cho nông dân, xây dựng kho thóc ở các địa phương để cung cấp lương thực, cứu đói những lúc giáp hạt, hay có thiên tai và hạn vào dịp sau thu hoạch.

Ngày nay có doanh nhân Hồ Tấn là một trong những doanh nghiệp lớn của Việt Nam, mỗi năm xuất khẩu hàng trăm, hàng nghìn tấn gạo đến hàng chục quốc gia trên khắp các châu lục, góp phần không nhỏ cho nước ta là nước xuất khẩu lương thực nhất nhì thế giới, doanh nhân Hồ Tấn đã kết hợp với bà con nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu để nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo, nâng cao đời sống nông dân giúp hàng vạn hộ nông dân thoát nghèo trở nên khá giả từ mô hình này…

Sơ lược những sự kiện trên cùng những thành tựu của Kỹ sư Hồ Quang Cua để thấy được họ Hồ luôn gắn liền với sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà trong suốt chiều dài lịch sử cho đến tận hôm nay.

Lễ Xuân tế là dịp để con cháu họ Hồ nơi mảnh đất phương Nam vọng nhớ về tổ tiên, là cơ hội để anh em trong tộc họp mặt, giao lưu, ôn lại truyền thống và giúp đỡ nhau cùng phát triển trong cuộc sống.

Đây còn là dịp để vinh danh những người họ Hồ có nhiều đóng góp cho dòng họ và đất nước. Sự kiện vinh danh Anh hùng Lao động, Kỹ sư Hồ Quang Cua đã cho những người trong họ, người dân địa phương tại Tây Ninh tự hào về giá trị lao động sáng tạo của người Việt Nam ta.

Phí Thành Phát