Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xuân về Phước Mỹ
Thứ ba: 19:55 ngày 12/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hầu hết người dân ở đây sống bằng nghề nông. Một bộ phận dân cư cất nhà trên những bờ kênh, số hộ khác thì sống rải rác giữa đồng ruộng. Ấp được chia làm 3 tổ dân cư tự quản theo ba khu vực, dọc hai bên bờ của các con kênh A8.1; A8.2 và A8.3.

Ấp Phước Mỹ (còn được gọi là A8) thuộc xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, giáp ranh giới tỉnh Long An và nằm cặp biên giới Việt Nam - Campuchia, giáp ranh với tỉnh Long An. Trung tâm ấp cách trụ sở UBND xã Phước Chỉ hơn 11 cây số. Ấp có 95 hộ, với 330 nhân khẩu, phân bố trên diện tích tự nhiên 424 ha, trong đó có hơn 330 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Đường đến ấp Phước Mỹ.

Hầu hết người dân ở đây sống bằng nghề nông. Một bộ phận dân cư cất nhà trên những bờ kênh, số hộ khác thì sống rải rác giữa đồng ruộng. Ấp được chia làm 3 tổ dân cư tự quản theo ba khu vực, dọc hai bên bờ của các con kênh A8.1; A8.2 và A8.3. Trong đó, trung tâm ấp là khu vực A8.2. Trước kia, A8 được xem như một “ốc đảo” vì không có đường bộ vào ấp. Ấp cũng chẳng có điện, chẳng có nước sạch... Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng với sự tích cực đóng góp của nhân dân, bộ mặt ấp Phước Mỹ đã có nhiều thay đổi. Ðời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây từng bước được nâng cao.

 Vừa chuẩn bị bữa cơm trưa phục vụ cho các anh tài xế thi công san lấp mặt bằng cụm dân cư, anh Hồ Văn Dột (52 tuổi), nhà ở khu vực A 8.2 vừa tranh thủ thời gian tiếp chúng tôi. Quê anh ở xã An Tịnh (Trảng Bàng). Trước kia, anh tham gia quân ngũ ở Ðại đội 54 (C54- thuộc Huyện đội Trảng Bàng), đóng quân ở vùng biên giới. Trong thời gian công tác, anh yêu cô thôn nữ ở ấp Phước Mỹ. Lúc ấy, vì chưa có đường bộ lưu thông từ xã đến ấp, mỗi lần đến thăm người yêu, anh Dột phải lội bộ, băng đồng đi ngang qua địa phận nước láng giềng Campuchia, rồi mới đến được Phước Mỹ. Nếu không muốn đi nhờ qua nước láng giềng, anh phải băng đồng, lội kênh vòng qua bên địa phận tỉnh Long An, rồi mới đến được nhà người yêu. Mặc dù đường đi gian nan trắc trở, nhưng sức mạnh của tình yêu đã giữ chân anh bộ đội Dột ở lại xứ này cho đến bây giờ. Anh cho biết thêm, Phước Mỹ ngày nay so với những năm đầu anh mới đến hoàn toàn đổi thay. Ấp có các dòng kênh bảo đảm nước tưới cho các cánh đồng, có đường giao thông đi lại thuận tiện, có điện, có trạm cấp nước sạch... Cuộc sống gia đình anh Dột cũng như nhiều bà con nay rất ổn định. Anh Dột nhấn mạnh: “Niềm vui lớn nhất của bà con nơi đây là thấy Nhà nước cho khởi công xây dựng công trình cụm dân cư ấp Phước Mỹ”. Nhà anh có một phần đất nằm trong khu quy hoạch cụm dân cư, vừa được bồi thường với mức giá hợp lý. Khi cụm dân cư của ấp xây dựng xong, người dân trong ấp tập trung về sống chung một cụm sẽ đông vui, sung túc hơn bây giờ rất nhiều.

Cư dân đến ấp Phước Mỹ ngay từ những năm đầu mới giải phóng là gia đình ông Dương Văn Lượng (sinh năm 1953). Ông Lượng quê ở xã Phước Lưu (cũng thuộc 3 xã cánh Tây Trảng Bàng). Khi nước nhà vừa được thống nhất, do cuộc sống quá khó khăn, không ruộng đất sản xuất, gia đình ông rời Phước Lưu vào vùng biên giới ấp Phước Mỹ lập nghiệp. Ðể nuôi sống gia đình, ông qua bên kia biên giới mướn ruộng sản xuất. Sau đó, ông Lượng được địa phương cấp cho 1,4 ha ruộng, ông ra sức sản xuất và dành dụm mua thêm.

Hiện nay, ông Lượng có được 4,4 ha ruộng. Cuộc sống gia đình ông và các con đều ổn định. Ông Lượng cho biết, trước kia người dân ở đây khổ lắm, đến chiếc xe đạp mà nhiều nhà còn không mua được để đi. Những năm gần đây, khi con đường vào ấp được xây dựng, nhà nào cũng sắm được xe gắn máy. Ðặc biệt, năm 2018, Nhà nước tiếp tục đầu tư cho ấp những công trình mới, như nâng cấp phún sỏi đỏ đường A8.2; làm mới một con đường nội đồng ra khu sản xuất tập trung của ấp và một đoạn đường vành đai biên giới... Nhờ vậy, việc đi lại của người dân nơi đây ngày càng thuận lợi hơn.

 Không riêng gia đình anh Dột, ông Lượng, hầu hết hộ dân trong ấp Phước Mỹ nay đã có cuộc sống ổn định. Có hộ trước đây thuộc diện nghèo Trung ương, được chính quyền tạo điều kiện, đồng thời ra sức phấn đấu, nay không những thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả. Gần đây có hộ đầu tư lập trang trại nuôi cà cuống- một mô hình chăn nuôi mới, quy mô hiện đại và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian qua, một số nông dân ấp Phước Mỹ thành lập tổ hợp tác sản xuất lúa nếp mang lại hiệu quả cao. Có được cuộc sống như ngày nay, bà con ấp Phước Mỹ luôn biết ơn các cấp lãnh đạo, trong đó có ông Ba Ốm (ông Nguyễn Văn Ốm, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Bí thư Huyện uỷ Trảng Bàng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ).

Cách đây đúng 30 năm, chính ông Ba Ốm đã đề xuất và trực tiếp chỉ đạo làm cùng một lúc ba con kênh dẫn nước vào cánh đồng Phước Mỹ. Có những con kênh này, cánh đồng Phước Mỹ trước đây mỗi năm làm một vụ lúa được nâng lên hai đến ba vụ. Nhờ vậy, đời sống người dân từng bước đổi thay. Tiếp đến, Nhà nước đầu tư làm con đường bộ từ ấp Phước Hưng vào ấp Phước Mỹ, chấm dứt tình trạng người dân băng đồng lội ruộng mỗi khi ra vào ấp.

Ðể dân cư nơi đây sống tập trung, thuận lợi trong phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần, đồng thời góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biên, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cụm dân cư ấp Phước Mỹ.

Cụm dân cư này có diện tích mặt bằng rộng 5,26 ha, góp phần sắp xếp, bố trí ổn định cuộc sống cho 87 hộ dân khu vực biên giới. Trong cụm dân cư xây dựng 6 tuyến đường giao thông nội bộ; trang bị đường ống cấp nước sinh hoạt, lấy từ trạm cấp nước hiện có đấu nối vào các hộ dân; xây dựng điểm trường tiểu học, điểm trường mẫu giáo, văn phòng khu dân cư; làm mới đường dây điện trung thế dài 1.300m và lắp đặt 2 trạm hạ thế... Tổng mức đầu tư công trình dự kiến hơn 24,31 tỷ đồng, từ ngân sách của tỉnh. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018-2019.

Vậy là trong tương lai không xa, khi cụm dân cư ấp Phước Mỹ được xây dựng hoàn thành, đời sống của người dân vùng biên giới này chắc chắn sẽ có những bước đổi thay đáng kể.

D.H

Tin cùng chuyên mục