Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Xã Biên Giới thuộc huyện Châu Thành còn nghèo lắm. Ở đây, năm 2016, số hộ nghèo trong xã chiếm tỷ lệ 14,41%. Đa số hộ nghèo đều không ruộng đất, không nghề nghiệp, nên muốn “thay đổi vận mệnh” cũng rất khó.
Cắt băng khánh thành cụm trò chơi thiếu nhi xã Biên Giới.
Trong 2 năm vừa qua (2016, 2017), xã Biên Giới còn liên tiếp bị ngập lụt làm cho đời sống của người dân vốn đã nghèo càng thêm khó. Nhưng bằng nỗ lực của mình, Đảng bộ và chính quyền địa phương đã từng bước thực hiện chủ trương khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng, đưa kinh tế địa phương phát triển đi lên.
Số hộ nghèo trong năm 2017 được kéo giảm còn 6,7%. Đón xuân năm nay, nhiều gia đình tuy chưa thoát khỏi cái nghèo nhưng cũng đã vơi bớt sự thiếu thốn, khó nhọc trong cuộc sống đời thường.
Mới đây thôi, xã Biên Giới đã chịu hậu quả nặng nề do trận lũ lớn cuối năm 2016 để lại. Ông Nguyễn Văn Nhưng- Chủ tịch UBND xã nói về sự thua thiệt của địa phương mình trong thời gian qua: “Về kinh tế, cả xã không có lấy một công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn. Về nông nghiệp, những năm trước đây, nông dân trong xã chỉ độc canh cây lúa. Trên địa bàn xã cũng chẳng có sân chơi nào cho thanh thiếu niên”.
Không chấp nhận thực tế ấy, Đảng bộ, chính quyền xã Biên Giới đã vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Từ việc độc canh cây lúa, bà con nông dân trong xã đã chuyển sang trồng mía, mì, cao su, bắp… Để việc sản xuất, chuyên chở nông sản được thuận lợi, đầu năm 2017, xã đã sửa chữa, nâng cấp và mở rộng đường giao thông nông thôn, đồng thời nạo vét, đào mới các tuyến kênh mương nội đồng phục vụ tiêu úng và rút phèn.
Sau quá trình chuyển đổi, đến cuối năm, toàn xã đã phát triển được 320 ha mì, 415 ha mía, hơn 300 ha cao su, 12 ha rau xanh và 6,5 ha bắp; đàn gia súc, gia cầm cũng tăng lên; có 57 hộ nuôi trồng thuỷ sản.
Các em học sinh Trường tiểu học Biên Giới B uống nước từ hệ thống lọc nước sạch do TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.
Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, xã Biên Giới đẩy mạnh công tác xoá nhà tạm, nhà dột nát. Trong năm, xã đã tích cực vận động sự ủng hộ của các mạnh thường quân, kết hợp nguồn hỗ trợ từ Quỹ “Vì người nghèo” để xây dựng 43 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo với tổng trị giá hơn 1,7 tỷ đồng.
Nhờ vậy, nhiều gia đình đã thoát khỏi nỗi lo về nhà ở. Như gia đình của em Ung Col, 17 tuổi, ngụ ở ấp Bến Cầu. Cha mẹ mất sớm, Ung Col phải đi làm thuê, làm mướn để nuôi 2 đứa em còn nhỏ dại. Cuộc sống của 3 chị em luôn thiếu trước hụt sau.
Căn nhà cha mẹ để lại đã hư dột nặng nề nhưng Ung Col không làm sao đủ khả năng để cất nhà mới. Chia sẻ khó khăn, chính quyền xã Biên Giới đã vận động mạnh thường quân xây tặng một căn nhà đại đoàn kết, giúp 3 chị em có chỗ để trú mưa, che nắng.
Ung Col tâm sự: “Nếu không có sự hỗ trợ, chẳng biết đến khi nào chúng em mới xây nổi căn nhà khang trang như thế! Từ khi có nhà mới, 2 đứa em gái không còn sợ cảnh dột ướt mỗi khi trời đổ mưa nữa. Năm nay đón xuân trong nhà mới, gia đình em sẽ ăn tết vui hơn mọi năm”.
Tặng quà cho các gia đình bị thiệt hại do lũ lụt.
Theo thống kê, trong năm 2017, xã đã hỗ trợ tiền điện cho 127 hộ nghèo và hộ cận nghèo (49.000 đồng/tháng/hộ), trợ cấp thường xuyên cho 92 đối tượng bảo trợ xã hội, cấp 912 thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các chính sách ấy đã giúp không ít hộ gia đình khó khăn có cuộc sống dễ chịu hơn.
Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Vị, 65 tuổi, ngụ ấp Bến Cầu. Bà bị mù lại sống một mình nên rất khó khăn. Chính quyền xã Biên Giới đã xem xét để xây cất cho bà một căn nhà đại đoàn kết, đồng thời trợ cấp thường xuyên 540.000 đồng/tháng cộng với khoản hỗ trợ tiền điện là 49.000 đồng/tháng. Bà Vị chia sẻ niềm vui: “Nhờ có số tiền trợ cấp của xã nên cuộc sống của tôi giờ đỡ vất vả hơn trước. Năm nay, lần đầu tiên tôi mới dành dụm được chút tiền để mua thịt, cá... chuẩn bị cho 3 ngày tết”.
Bên cạnh việc triển khai, thực hiện các giải pháp về an sinh xã hội, chính quyền xã còn bảo lãnh cho các hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn để làm ăn, tạo điều kiện cho nhiều lao động nông thôn có việc làm ổn định. Đón Xuân Mậu Tuất 2018, nhiều hộ gia đình đã có bước chuyển biến theo hướng phát triển, đẩy lùi dần cảnh cơ cực, vất vả.
Ông Nguyễn Văn Hỏi, 70 tuổi, ngụ ở ấp Rạch Tre- một trong những người thuộc hàng cố cựu ở xã Biên Giới phấn khởi kể về sự đổi thay trên vùng đất quê mình: “Trước đây, cuộc sống của bà con ở vùng biên giới này rất khó khăn, mãi gần đây mới khá hơn, nhất là năm 2017 càng khởi sắc hơn nhiều”.
Tỉnh đoàn cũng vừa đã xây dựng 1 cụm trò chơi thiếu nhi với tổng trị giá 70 triệu đồng để phục vụ trẻ em trong xã. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng tặng cho Trường tiểu học Biên Giới B một hệ thống lọc nước sạch để phục vụ các em học sinh, công trình trị giá gần 50 triệu đồng.
Biên Giới còn được sự ủng hộ của các mạnh thường quân và sự hỗ trợ của Nhà nước để trao tặng hơn 1.000 phần quà (tổng trị giá hơn 500 triệu đồng) cho các gia đình nghèo, trong đó có các gia đình bị lũ lụt. Sự hỗ trợ kịp thời này đã giúp nhiều hộ nghèo vơi bớt khó khăn trong cuộc sống hằng ngày.
Bà Nguyễn Thị Đức Diệu- Bí thư Đảng uỷ xã Biên Giới cho biết: “Năm 2018, xã dự định sẽ xây dựng 19 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo. Bên cạnh đó, xã kêu gọi xã hội hoá để nâng cấp ngôi chợ với tổng chi phí 200 triệu đồng, đồng thời cũng nâng cấp hương lộ 12 (đoạn từ xã Biên Giới đi qua xã Phước Vinh) với tổng chi phí là 12 tỷ đồng”.
Những dự án, công trình mà Bí thư Đảng uỷ vừa giới thiệu, một khi hoàn thành chắc chắn sẽ tiếp tục góp phần làm thay da đổi thịt một vùng quê biên giới.
Khắp nơi, mùa xuân đang về.
HT