Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xuất bản số trong phát triển văn hóa đọc: Xu thế tất yếu
Thứ năm: 22:51 ngày 28/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Xu hướng hưởng thụ văn hóa đọc hiện nay không chỉ có sách giấy, mà công nghệ thông tin, chuyển đổi số là công cụ có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng này. Việc sử dụng ebook, audio book… sẽ ngày càng phổ biến, chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu trong ngành xuất bản.

Xu thế tất yếu

Trong bối cảnh số hóa toàn cầu, chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Chuyển đổi số là xu thế phát triển của mọi ngành nghề, trong đó có ngành xuất bản. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xuất bản điện tử, phát triển công nghệ trong lĩnh vực sách là vấn đề mũi nhọn được quan tâm của các đơn vị xuất bản, phát hành.

Chuyển đổi số sẽ là một cuộc cách mạng lớn làm thay đổi toàn ngành xuất bản, từ khâu sản xuất (biên tập, thiết kế, xuất bản) cho tới khâu tổ chức lưu thông, phân phối qua các nền tảng, hệ thống cung cấp sách điện tử. Chuyển đổi số cũng sẽ tạo ra 3 sản phẩm chính: Sự đa dạng hóa các sản phẩm, hình thức xuất bản; đa dạng hóa các mô thức xuất bản; tạo ra thị trường xuất bản, tiến tới câu chuyện xuất bản không biên giới.

Thói quen đọc sách của người đọc giờ đây đã hoàn toàn thay đổi so với kỷ nguyên trước. Người đọc không còn đơn thuần tiếp cận nội dung từ các bản in mà đã chuyển sang các thiết bị số với những định dạng linh hoạt và sẵn có nhất. Do đó, các nền tảng xuất bản điện tử là những yếu tố không thể thiếu trong một ngành xuất bản phát triển và năng động. Ngành Xuất bản ở Việt Nam chắc chắn sẽ không đứng ngoài xu thế này. Sàn thương mại điện tử cho thấy nhu cầu đọc thị trường đang thay đổi. Mạng xã hội có nhiều thông tin, nhưng sách là thông tin chính thống, chính xác.

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết, là "mệnh lệnh" cho sự phát triển của hoạt động xuất bản. Khi bắt đầu xuất hiện các tác phẩm điện tử, nhiều người lo lắng về việc sẽ kết thúc kỷ nguyên của sách in. Thực tế tại các nước trên thế giới cho thấy, dù số lượng phát hành tác phẩm điện tử tăng lên nhưng số lượng sách in không giảm đi. Đây là sự phát triển trong tương tác, chứ không phải thay thế.


Xuất bản số trong phát triển văn hóa đọc: Xu thế tất yếu (Ảnh: Vietnam+) 

Theo các chuyên gia, trong điều kiện bùng nổ của thiết bị thông minh và trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số là điều kiện bắt buộc và cũng là cơ hội lớn mở ra giai đoạn mới cho hoạt động xuất bản. Ở Việt Nam, có đến 70% người dân hiện nay sử dụng internet, văn hóa đọc ở Việt Nam chưa cao nhưng năng lực xuất bản không yếu. Bởi vậy, đây có thể được coi là cơ hội để chuyển đổi số sẽ giúp thu hẹp khoảng cách cũng như kích thích văn hóa đọc.

Biến chuyển đổi số thành cơ hội phát triển văn hóa đọc

Với chuyển đổi số, các nhà xuất bản (NXB) nhận được lợi ích hết sức to lớn. Khi mà các ấn phẩm của họ được phát hành nhanh hơn, với phạm vi tiếp cận rộng nhất có thể và có tuổi thọ dài. Chuyển đổi số cho phép NXB đáp ứng những mục tiêu về kinh doanh cũng như phát triển thương hiệu, thị trường. Ngoài ra, siêu dữ liệu có thể giúp NXB tối ưu hóa khả năng tìm kiếm để việc khám phá và sử dụng nội dung dễ dàng hơn. Dựa trên nền tảng số, các NXB có thể khai thác sức mạnh của Internet để tiếp cận nhiều đối tượng hơn bằng cách mở rộng dấu ấn của họ ra thị trường nước ngoài.

Chuyển đổi số cũng giúp tiết kiệm chi phí sản xuất. Với nền tảng số cũng như sách điện tử, NXB không bị ràng buộc bởi quy mô kinh tế. Các NXB cũng có thể cập nhật các nội dung mới trong những ấn phẩm của họ với chi phí tối thiểu hoặc miễn phí. Với việc chuyển đổi số, hoạt động trên nền tảng số và công nghệ, các NXB cũng tiết kiệm đáng kể việc giảm hàng tồn kho và loại bỏ hoặc giảm thiểu chi phí kho hàng.

Tuy nhiên, ngành xuất bản là một thị trường nhỏ, doanh thu thấp, khiến cho quá trình đầu tư của các đơn vị xuất bản khó khăn hơn rất nhiều. Vì vậy, để biến chuyển đổi số thành cơ hội phát triển văn hóa đọc, mỗi NXB cần xây dựng một định hướng, chiến lược, bước đi phù hợp để vừa có thể bắt nhịp nhu cầu của cơ chế thị trường, vừa vận dụng nền tảng công nghệ số một cách tốt nhất. Trong quá trình chuyển đổi số thì vấn đề đào tạo con người để ứng dụng các kỹ năng, đầu tư hạ tầng cơ sở kỹ thuật và vận hành các quy trình xuất bản để thực hiện chuyển đổi số trong công tác xuất bản là một vấn đề các NXB cần phải hướng tới.

Khái quát quá trình chuyển đổi số, ông Nguyễn Nguyên phân tích, có 4 giai đoạn chính trong chuyển đổi số, đầu tiên là số hóa các dữ liệu, giai đoạn này khá sớm, khoảng đầu năm 1995 và được thực hiện liên tục đến nay, ngày càng hiện đại và quy mô hơn. Giai đoạn thứ 2 là việc ứng dụng các nền tảng vào một số hoạt động đơn giản và hoạt động có tính lặp đi lặp lại nhiều, ví dụ hoạt động hành chính, kế toán. Giai đoạn 3 là ứng dụng các nền tảng vào quy trình xuất bản, từ khâu quản lý đến biên tập, phát hành, phát triển thị trường và truyền thông. Thứ 4 là quá trình ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo), giai đoạn này đang rất hạn chế, đặc biệt là ứng dụng vào quy trình biên tập hiện nay chưa có nhiều, một số đơn vị đang triển khai với những bước ban đầu.

Nói về những thách thức trong quá trình chuyển đổi số của ngành xuất bản hiện nay, ông Nguyễn Nguyên cho rằng: Có hai vấn đề quan trọng nhất, đó là nâng cao nhận thức và nhân lực trong chuyển đổi số - nhân lực có tính quyết định và độc lập. Bên cạnh đó, hai nhóm vấn đề cần phải quan tâm là hành lang, chính sách pháp luật; nguồn lực tài chính, tài lực và công nghệ. Trong đó ông Nguyễn Nguyên nhấn mạnh: Chính nhận thức mới tạo ra thị trường, nếu không có nhận thức, kể cả chúng ta có mang sách về thư viện thì cũng không có hiệu quả. Văn hóa đọc là bệ đỡ, là sự phát triển cho xuất bản, không có văn hóa đọc thì không thể mở ra được thị trường và cũng khó để phát triển được, dù là phát triển truyền thống hay phát triển số.

Hiện nay, các đơn vị xuất bản trong nước đã nhập cuộc chuyển đổi số bằng cách nương theo và tuân thủ sự dẫn dắt của các ông lớn công nghệ như Google và Facebook, mạnh dạn áp dụng công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu của độc giả hiện đại. Nhiều đơn vị làm sách như Nhã Nam, Kim Đồng, Thái Hà… có fanpage với lượng theo dõi rất cao, ở đó những người đọc sách được tham gia sân chơi cùng nhau, được viết, chia sẻ về những cuốn sách mình yêu thích. Cách làm này không chỉ kết nối người làm sách với bạn đọc mà còn nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu với việc đọc sách. Cũng có rất nhiều nhóm đọc sách và thảo luận về sách thu hút lượng lớn người tham gia. Những hội nhóm này giúp việc đọc sách có chiều sâu hơn, khiến đời sống của tác phẩm lâu dài hơn và cũng khiến việc đọc sách hấp dẫn hơn khi mọi người được cùng thảo luận về cuốn sách mà mình yêu thích.

Trên thực tế, tinh thần chuyển đổi số của ngành xuất bản Việt Nam đã được nhà nước quan tâm. Theo báo cáo tổng kết ngành 2021 của Cục Xuất bản, In và Phát hành, thì số cấp các đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử tăng 66,67% so với năm trước đó, đây là con số thể hiện yếu tố khả quan trong việc chuyển đổi số của ngành. Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng cho biết, trong năm 2022 hướng tới việc đưa số lượng nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử chiếm 25%.

Với hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành xuất bản Việt Nam, điều này cũng đồng nghĩa các hoạt động xuất bản điện tử sẽ đi vào đời sống thực tế, mở cánh cửa hội nhập, phát triển với thế giới cũng như thích ứng với những biến động của xã hội.

Nguồn dangcongsan

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục