Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trên sông Sài Gòn, đoạn thuộc thượng nguồn hồ Dầu Tiếng, khu vực giáp ranh giữa tỉnh Tây Ninh và Bình Phước (từ bến đò Cây Khế đổ về hướng tiểu khu 59 rừng phòng hộ Dầu Tiếng) hiện có nhiều vó cá trong lòng sông.
Nhiều cây tre được nối dài và đặt xung quanh khu vực vó cá, gây cản trở phương tiện giao thông đường thuỷ
Những vó cá này được ngư dân dựng kiên cố bằng các trụ sắt thọc sâu xuống đáy sông, kết hợp nhiều sợi dây nhựa tổng hợp khá to để chằng giữ trụ và lưới vó, dựng chòi dưới dòng sông gần chỗ đặt khung lưới để làm nơi cất vó.
Thực tế, có những đoạn sông Sài Gòn được đặt ngư cụ vó cá theo kiểu liên tiếp, kéo dài đến hàng trăm mét. Xung quanh khu vực, ngư dân dùng nhiều cây tre buộc nối dài để làm khung chắn, không cho phương tiện đường thuỷ lưu thông vào khu vực đặt vó.
Với thực trạng như vậy đã gây cản trở dòng chảy của sông có vai trò dẫn nước đổ về hồ Dầu Tiếng, cản trở phương tiện giao thông đường thuỷ, phát sinh rác thải sinh hoạt từ trên chòi vó, ảnh hưởng đến nguồn cá tự nhiên.
Ông Trần Quang Hùng- Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam cho biết, ngày 25.3.2024, Công ty đã lập “Kế hoạch phối hợp kiểm tra các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng”.
Kế hoạch nhằm quản lý chặt chẽ các hoạt động trong phạm vi vùng lòng hồ, bảo đảm an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước, chống xói mòn, an ninh trật tự, chất lượng nguồn nước… trong đó có nội dung kiểm tra ngư cụ vó cá, xả thải nói chung và nuôi cá lồng bè.
Minh Quốc