Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đây là loài sâu hại có khả năng di trú rất xa, vòng đời ngắn, có nhiều lứa sâu đan xen nhau nên khó phòng, chống. Sâu keo mùa thu có khả năng gây hại nặng cho bắp và nhiều loại cây trồng khác.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hướng dẫn người dân cách nhận biết sâu gây hại trên cây bắp.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh vừa cho biết, ngày 18.7, trên địa bàn xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu và xã Tân Đông, huyện Tân Châu xuất hiện sâu keo mùa thu gây hại trên diện tích khoảng 73 ha bắp.
Sâu keo mùa thu là loại sâu hại mới, xâm nhập vào Việt Nam từ tháng 4.2019, có tên tiếng Anh là Fall Armyworm, tên khoa học là Spodoptera frugiperda. Đây là loài sâu hại có khả năng di trú rất xa, vòng đời ngắn, có nhiều lứa sâu đan xen nhau nên khó phòng, chống. Sâu keo mùa thu có khả năng gây hại nặng cho bắp và nhiều loại cây trồng khác.
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, từ khi xuất hiện đến nay, sâu keo mùa thu đã gây hại hầu hết các vùng trồng bắp trên cả nước với tổng diện tích nhiễm khoảng 15.000 ha, gây hại nặng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Riêng khu vực Nam bộ, sâu keo mùa thu gây hại tại 12/19 tỉnh, thành, trong đó hai tỉnh, thành giáp ranh Tây Ninh là Long An và thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Tây Ninh, hằng năm xuống giống nhiều loại cây trồng, trong đó bao gồm một số loại cây thuộc đối tượng gây hại của sâu keo mùa thu như: bắp, mía, lúa, rau màu… và các loại cây trồng này thường trồng gối vụ, tạo điều kiện thuận lợi để loài sâu hại này tồn tại, lây lan khi chúng xâm nhập vào và rất khó phòng trừ.
Cây bắp bị sâu keo tấn công.
Để chủ động ứng phó kịp thời với sâu keo mùa thu, từ cuối tháng 2.2019, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác điều tra phát hiện; và có 2 văn bản gửi UBND các huyện, thành phố cùng 2 doanh nghiệp trồng bắp, mía (Công ty cổ phần Thành Thành Công Tây Ninh và Trang trại bò sữa Tây Ninh) để cùng phối hợp phòng, chống.
Tuy nhiên, ngày 18.7, qua điều tra, cán bộ kỹ thuật Bảo vệ thực vật phát hiện sâu keo mùa thu bắt đầu xuất hiện gây hại cây bắp. Trong đó tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu có 57 ha bắp bị gây hại, mật số 4-6 con/m2, giai đoạn từ 20-45 ngày sau trồng. Tại xã Tân Đông, huyện Tân Châu có 16 ha bắp bị tấn công, mật số 10-15 con/m2, giai đoạn 25 ngày sau trồng.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện diện tích trồng bắp toàn tỉnh còn trên đồng khoảng 164 ha (vụ Hè Thu: 123 ha, vụ Mùa mới xuống 41 ha). Theo kế hoạch vụ Mùa 2019, toàn tỉnh sẽ trồng khoảng 1.350 ha cây bắp.
Trước tình hình sâu keo mùa thu xuất hiện gây hại trên cây bắp cục bộ còn ở dạng ổ dịch, Sở NN&PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương phối hợp với huyện, xã và Hội Nông dân vận động nông dân thực hiện theo quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu của Cục Bảo vệ thực vật. Trước mắt, tập trung phòng trừ toàn bộ diện tích trên bằng thuốc hoá học vào ngày 19.7, sau đó đánh giá kết quả phun trừ ở thời điểm 3 và 7 ngày sau phun… để có giải pháp xử lý tiếp theo khi cần thiết.
Phun thuốc diệt sâu tại cánh đồng trồng bắp ở xã Thạnh Đức vào sáng 19.7
Người trồng bắp cần thăm đồng nhằm theo dõi kịp thời loài sâu keo gây hại để phòng trị kịp thời. Khi phát hiện, liên hệ ngay các trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thành phố để thông tin hoặc gọi trực tiếp qua đường dây nóng của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, số điện thoại: 0984665228 (anh Hồng); 0378082087 (chị Trang).
THẾ NHÂN